Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Phan Văn Giang; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh.
Bước chuyển biến lớn trong khoa học - kỹ thuật - công nghệ quân sự
Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhất là từ khi có Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020, công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ trong Bộ Quốc phòng đã có những bước phát triển và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Bộ Quốc phòng đã triển khai nghiên cứu có hiệu quả nhiều chương trình, đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp Bộ Quốc phòng. Các kết quả nghiên cứu đã được vận dụng vào thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị, góp phần quan trọng vào củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị của đất nước.
Từ năm 2015 đến nay, Bộ Quốc phòng đã chủ động đề xuất các nhiệm vụ tham gia các chương trình, đề án khoa học và công nghệ cấp quốc gia, triển khai các chương tình, đề án khoa học - công nghệ được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Quốc phòng chủ trì thực hiện; tập trung triển khai một số chương trình, đề án khoa học và công nghệ quy mô lớn với mức độ phức tạp cao, hướng đến các sản phẩm mục tiêu.
Hiện tại, Bộ Quốc phòng đang tích cực triển khai các chương trình, đề án đã được phê duyệt nhằm giải quyết các vấn đề về khoa học và công nghệ, tạo ra các sản phẩm phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh các chương trình, đề án khoa học - công nghệ, các cơ quan, đơn vị trong Bộ Quốc phòng đã tổ chức thực hiện số lượng lớn đề tài, nhiệm vụ khoa học - công nghệ cấp quốc gia, cấp Bộ Quốc phòng và cấp cơ sở.
Công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ đã bám sát yêu cầu của nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, sự phát triển của nghệ thuật quân sự, yêu cầu xây dựng Quân đội “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại”. Nội dung nghiên cứu tập trung trên ba hướng chính: nghiên cứu thiết kế, chế tạo mới vũ khí, trang bị; bảo đảm kỹ thuật, khai thác làm chủ vũ khí, trang bị công nghệ cao; cải tiến hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được đưa vào sản xuất loạt để phục vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của Quân đội.
Ngoài việc triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, thông qua việc triển khai các dự án chuyển giao công nghệ, dự án cải tiến, tăng hạn vũ khí trang bị của Bộ Quốc phòng đã góp phần nâng cao trình độ, năng lực cho các tổ chức, cán bộ khoa học và công nghệ trong tiếp cận và làm chủ nhiều công nghệ mới, tiên tiến.
Giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Quốc phòng định hướng nghiên cứu khoa học - kỹ thuật và công nghệ trong Bộ Quốc phòng theo hướng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu và chiến đấu của các quân chủng, binh chủng trong bối cảnh có sự thay đổi lớn về nghệ thuật tác chiến và sự phát triển của vũ khí trang bị do tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đồng thời, hoạt động nghiên cứu tập trung tạo bước chuyển biến lớn trong khoa học - kỹ thuật - công nghệ quân sự, làm chủ được công nghệ lõi của một số loại vũ khí, trang bị công nghệ cao, tiến hành nghiên cứu, tích hợp, chế tạo một số vũ khí, trang bị công nghệ cao thương hiệu Việt Nam phục vụ nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng; xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học- kỹ thuật trong quân đội có bản lĩnh chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Cần có chính sách khuyến khích nghiên cứu phục vụ nhiệm vụ quân sự - quốc phòng
Phát biểu lại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ Quốc phòng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về nghiên cứu khoa học và công nghệ quân sự. Những thành tựu trong thực hiện nhiệm vụ khoa học - công nghệ đã đáp ứng cơ bản yêu cầu làm chủ trang thiết bị mới và cũ, nâng cấp cải tiến sửa chữa trang thiết bị ở các cấp độ trong quân đội.
Đặc biệt, Quân đội đã có các công trình nghiên cứu, tiếp thu học hỏi các công nghệ tiên tiến để làm chủ nhiều lĩnh vực khó với trình độ kỹ thuật cao, một số công nghệ ngang tầm thế giới. Các cơ sở nghiên cứu đã có gắn kết với sản xuất, cơ chế hợp tác chính thức và phi chính thức được đẩy mạnh... Phó Thủ tướng nhấn mạnh, những kết quả đáng khích lệ này đã góp phần nâng cao uy tín của đội ngũ nghiên cứu khoa học - công nghệ của Quân đội so với trong nước và khu vực.
Phó Thủ tướng nhất trí với Bộ Quốc phòng về các đề xuất với Chính phủ tiếp tục giao cho Bộ thực hiện các chương trình, đề án khoa học - công nghệ hướng tới các sản phẩm mục tiêu, ưu tiên đầu tư ngân sách cho Bộ Quốc phòng để thực hiện các nhiệm vụ khoa học - công nghệ và xây dựng tiềm lực phục vụ cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng tiếp tục có các chương trình, đề án đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho Quân đội; có cơ chế chính sách đãi ngộ thỏa đáng để thu hút lực lượng chuyên gia trong các ngành khoa học - công nghệ trọng điểm, nhất là các ngành công nghệ cao; tạo điều kiện để huy động tiềm lực khoa học công nghệ phục vụ quốc phòng, góp phần thúc đẩy, nâng cao hiệu quả triển khai Chiến lược phát triển khoa học công nghệ giai đoạn tới; đặc biệt là có chính sách khuyến khích các đơn vị ngoài quân đội tham gia các hoạt động nghiên cứu phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
Đồng thời, Bộ Quốc phòng hướng tới đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính đáp ứng yêu cầu thực tiễn, có giải pháp, cơ chế chính sách hỗ trợ các tổ chức khoa học -công nghệ có khả năng nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm lưỡng dụng, chuyển đổi mô hình hoạt động theo cơ chế tự chủ; hỗ trợ các doanh nghiệp quân đội mua công nghệ từ các trung tâm nghiên cứu trong và ngoài nước, tháo gỡ những khó khăn trong ứng dụng, chuyển giao, đưa các sản phẩm nghiên cứu vào sản xuất trang bị cho Quân đội.
Đặt kỳ vọng vào lĩnh vực khoa học - kỹ thuật quân sự, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng muốn khoa học - công nghệ trở thành “quốc sách”, vươn lên bằng công nghệ, việc đổi mới cơ chế, chính sách kinh tế là “chìa khóa”, cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu khoa học - công nghệ cả về ngắn hạn và dài hạn. Theo Phó Thủ tướng, đầu tiên cần chú trọng khoa học quân sự và khoa học lưỡng dụng, “lấy hạt nhân từ các chương trình, đề tài, chương trình nghiên cứu, nhiệm vụ quốc gia của bên quân sự, tháo cơ chế trước”, từ đó hình thành các chiến lược, chương trình lưỡng dụng riêng của quân sự, góp phần mở ra cơ chế chung.
Với tinh thần đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ tích cực phối hợp với Bộ Quốc phòng lên kế hoạch về nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, sản xuất trong quân sự đưa vào lưỡng dụng, tập trung vào các ngành tiềm năng trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó đặc biệt chú trọng không gian mạng và không gian vũ trụ.