Dành khoản kinh phí nhất định cho người nghỉ hưu trước năm 1993
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm về lương hưu cho những người nghỉ hưu trước năm 1993, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, vấn đề này cũng đã được nhiều đại biểu Quốc hội, nhân dân và các cụ lão thành nêu ra.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nếu làm tròn số thì chúng ta có khoảng 600.000 người nghỉ hưu trước năm 1993, được hưởng lương hưu theo quy định. Nhưng bên cạnh đó còn có 400.000 người nghỉ hưu vào các thời điểm khác nhau, có mức lương hưu rất thấp, dưới 3.000.000 đồng/tháng; trong đó có những trường hợp như công nhân cao su thậm chí chỉ khoảng 1.000.000 đồng/tháng. Cho nên, phương án đưa ra là làm thế nào để có một khoản bù thêm. Khoản này theo quy định là do ngân sách nhà nước đảm bảo, chứ không phải do bảo hiểm xã hội chi trả. Với 400.000 đối tượng này, nếu mức bù là 500.000 đồng/người/tháng, thì tính ra sẽ phải bù khoảng 2.400 tỷ đồng/năm.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Dức Đam, dự kiến việc này sẽ được triển khai sớm, nhưng do dịch COVID-19, ảnh hưởng đến nguồn thu, nên các cơ quan có thẩm quyền đã quyết định lùi thời điểm thực hiện chính sách cải cách lương. Đi kèm với nó là bảo hiểm xã hội và chính sách người có công, cùng với việc áp dụng tiêu chuẩn nghèo mới đa chiều thay vì đầu năm 2021 thì sẽ lùi sang ngày 1/7/2022.
"Riêng đối với những người nghỉ hưu trước năm 1993 có thu nhập thấp, tôi tin rằng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng sẽ báo cáo với Thủ tướng và Thủ tướng chắc chắn sẽ biết và sẽ bàn", Phó Thủ tướng cho biết.
Có hay không hiện tượng móc nối giữa bác sĩ kê đơn và nhà thuốc?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Ngọc Bé (Kiên Giang) về tình trạng bệnh nhân chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm xã hội vẫn phải ra hiệu thuốc mua bằng tiền túi của mình theo đơn của bác sĩ điều trị; theo Phó Thủ tướng, có nhiều ý kiến (kể cả ý kiến của bác sỹ) cho rằng là do chính sách thanh toán của bảo hiểm y tế thuộc bảo hiểm xã hội không phù hợp. Điều này như đại biểu và Quốc hội đã nghe Bộ Y tế trả lời nhiều lần, là đúng sự thật nhưng đều có căn nguyên.
“Hiện số tiền trung bình một người đóng bảo hiểm y tế có tăng lên, nhưng so với các nước trong khu vực, ví dụ so với Phillipines thì Việt Nam chưa bằng 1/3, so với Thái Lan thì chưa bằng 1/4. Trong khi đó chúng ta phải nhập đến hơn 90% nguyên liệu từ nước ngoài. Giá thuốc ta đã cố gắng rẻ hơn các nước trong ASEAN, nhưng cũng chỉ rẻ hơn 10-15% mà thôi”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Vì vậy, bảo hiểm xã hội không thể thanh toán được tất cả các loại thuốc mà xu thế là chỉ thanh toán những loại thuốc tạm gọi là thuốc thông thường. Những loại thuốc rất đắt tiền, như thuốc biệt dược thì người bệnh phải bỏ tiền túi. Trong khi hằng năm chúng ta phải chi khoảng 120.000 tỷ đồng thì thuốc bảo hiểm y tế thanh toán khoảng 36-37%, tỷ lệ này vẫn còn cao so với các nước trên thế giới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Để khắc phục vấn đề này, chúng ta phải duy trì và tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế. Hiện nay chúng ta đã có 90,7% tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế và thời gian tới tiếp tục phải cố gắng tăng lên. Nhưng quan trọng là thu nhập của người dân phải cao thì mới đóng được, phần ngân sách của nhà nước chỉ mang tính hỗ trợ.
Nhiều bệnh nhân phản ánh và cho rằng đây là do có tiêu cực, có sự móc nối giữa bác sĩ điều trị và các trình dược viên của các công ty thuốc và các nhà thuốc kê đơn để ăn hoa hồng; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trong nhiều năm ngành y tế đã chỉ đạo rất quyết liệt và có thể nói rằng có hiện tượng đó nhưng không phải tất cả.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Để khắc phục tình trạng này chỉ có một cách là công khai, minh bạch bằng công nghệ thông tin, vì có đến 20.000 loại thuốc và dịch vụ, có hàng triệu lượt khám trong 1 năm thì không thể nào kiểm soát được nếu không tin học hóa. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế đẩy mạnh tin học hóa và chúng ta thấy những năm vừa qua đã làm rất tốt.
Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, câu chuyện liên thông xét nghiệm cần tiếp tục đẩy mạnh để giảm lãng phí và tất cả phải bằng công nghệ thông tin.