Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao các hoạt động hỗ trợ, hợp tác của Liên hợp quốc nói chung và UNDP nói riêng dành cho Việt Nam trong hơn 40 năm qua. Các chương trình viện trợ của UNDP cho Việt Nam luôn được đánh giá thực hiện tốt, có hiệu quả, qua đó đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng và thực hiện chính sách đổi mới ở Việt Nam, nhất là các lĩnh vực kinh tế, pháp luật, hành chính, xây dựng kế hoạch phát triển tổng thể cho nhiều ngành, địa phương; tích cực hỗ trợ xóa đói giảm nghèo.
Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn quyết tâm nỗ lực nhằm thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững giống như với các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) trước đây; chủ trương đưa phát triển bền vững (SDGs) vào mọi chiến lược, chương trình quốc gia về phát triển.
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy nhận thức của toàn xã hội, huy động sự tham gia của tất cả các bên liên quan; hoàn thiện thể chế, chính sách về phát triển bền vững; tăng cường sự phối hợp giữa Chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức trong nước và cộng đồng quốc tế trong thực hiện SDGs.
Khi Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 -2021, ngoài vấn đề biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam đề nghị UNDP hỗ trợ nghiên cứu, triển khai một số hoạt động nhằm thúc đẩy các vấn đề ưu tiên của Việt Nam tại Liên hợp quốc như hoạt động gìn giữ hòa bình, bảo vệ phụ nữ và trẻ em.
Việt Nam mong muốn UNDP giúp tăng cường nghiên cứu và phân tích xu hướng tăng trưởng trong nước (như về kinh tế nông nghiệp, sản xuất) và ngoài nước (như về thương mại quốc tế, việc thay đổi địa điểm đầu tư), các vấn đề xã hội, từ đó rút ra những vấn đề cần ưu tiên giải quyết.
Phó Thủ tướng tin tưởng, với kinh nghiệm phong phú, kiến thức chuyên môn, bà Caitlin Weisen sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, củng cố mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và UNDP.
Bà Caitlin Weisen đã thông báo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam một số nội dung tóm tắt Báo cáo phát triển con người toàn cầu của Liên hợp quốc liên quan tới bất bình đẳng trong phát triển con người trong thế kỷ 21, trong đó đưa ra các khuyến nghị như: nâng cao chất lượng giáo dục; chính sách cân bằng và hiệu quả, đặt con người vào trung tâm.
Đối với Việt Nam, chỉ số phát triển con người (HDI) tăng dần qua các năm, riêng năm 2018 là 0,693, đứng thứ 118/193 quốc gia và lãnh thổ. Chỉ số cao thứ hai trong nhóm phát triển con người, cao hơn các nước trong khu vực như: tuổi thọ dân số đạt 75,3 tuổi; số năm đến trường học đạt 12,7 năm; bất bình đẳng về thu nhập của Việt Nam là 18,1%, thấp nhất trong nhóm nước cạnh tranh.
Theo bà Caitlin Weisen, với vai trò cơ quan hỗ trợ phát triển hàng đầu Liên hợp quốc, UNDP có khả năng tiếp cận các kinh nghiệm thực tiễn triển khai dự án và kiến nghị chính sách của các Văn phòng UNDP trên thế giới, cũng như tăng cường mạng lưới đối tác phát triển trong tương lai.