Phân cấp gắn với phân quyền
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, Việt Nam đã có lịch sử 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), trở thành một thành phần kinh tế quan trọng, đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, trong thời gian qua Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chưa có một nghị quyết chuyên đề về thu hút FDI.
Do đó, việc Ban Cán sự Đảng Chính phủ chủ trì xây dựng đề án này để trình Bộ Chính trị thông qua bằng một nghị quyết chuyên đề có ý nghĩa quan trọng, tạo cơ sở để thu hút FDI có chọn lọc, phù hợp với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát huy lợi ích và hạn chế những bất cập của FDI mang lại. Bên cạnh đó, việc này cũng góp phần để Đảng, Nhà nước lồng ghép việc thu hút FDI trong phát huy nguồn lực nhằm thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế giai đoạn 2021- 2030.
Về định hướng thu hút FDI trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán, coi khu vực FDI là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, được khuyến khích phát triển lâu dài. Thu hút FDI phải có chọn lọc, khuyến khích gắn kết với doanh nghiệp trong nước, nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu trên nguyên tắc đa phương hóa, đa dạng hóa bảo đảm tính độc lập của nền kinh tế, bảo đảm an ninh quốc gia...
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến thống nhất cần trình Bộ Chính trị ban hành nghị quyết chuyên đề, thống nhất về vị trí, vai trò của đầu tư nước ngoài và đặc biệt là thể chế chính sách thời gian qua còn bất cập. Nhiều ý kiến cho rằng cần có quy định để khắc phục tình trạng đầu tư chui, đầu tư núp bóng; kết hợp xây dựng khu công nghiệp, đô thị ngay từ khâu quy hoạch; phát triển hạ tầng gắn với biến đổi khí hậu để đảm bảo tính chất bền vững; khuyến khích các dự án đầu tư có công nghệ cao, không thu hút dự án có giá trị đầu tư thấp trên một đơn vị diện tích.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Thành cho rằng hiện quỹ đất dành cho thu hút đầu tư hạn chế dần, trong bối cảnh khoa học công nghệ ngày càng phát triển thì việc nâng cao năng suất, hiệu quả sử dụng đất, bảo vệ quỹ đất và khai thác quỹ đất hiệu quả là vấn đề cần đặt ra. Thu hút đầu tư nước ngoài là quan trọng nhưng không phải thu hút bằng mọi giá.
Ông Nguyễn Văn Thành đề nghị, Chính phủ sẽ quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông liên kết các vùng để tạo lợi thế so sánh của mỗi địa phương trong vùng, tạo sức hút đầu tư. Cùng với đó là hoàn thiện thể chế, chính sách để nâng cao chất lượng thu hút đầu tư nước ngoài; hình thành cụm liên kết ngành.
Còn Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho rằng cần hoàn thiện thể chế, chính sách, trong đó tập trung sửa đổi các luật liên quan đến thu hút đầu tư nước ngoài như luật về doanh nghiệp, đối tác công tư, cạnh tranh, đặc biệt là Luật Đất đai. Ông Hồ Kỳ Minh đưa ra thực tế rằng trong việc đấu thầu một dự án đầu tư có sử dụng đất, nếu làm đầy đủ thủ tục theo quy định của pháp luật thì để lựa chọn được một nhà đầu tư phải mất 700 ngày làm việc. Từ nhà đầu tư này đến việc thực hiện tiếp các bước giải tỏa sẽ mất rất nhiều thời gian.
Ông Hồ Kỳ Minh kiến nghị, trong quá trình điều chỉnh, sửa đổi luật, phải điều chỉnh theo các điều ước, thông lệ quốc tế mà Việt Nam tham gia. Ngoài ra, cần cắt giảm các điều kiện kinh doanh có điều kiện, tăng cường phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ với các bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương. Ông Hồ Kỳ Minh nêu rõ: “Có những nội dung bộ, ngành đã phân cấp cho địa phương nhưng khi làm vẫn phải ra xin (Trung ương) mới quay về ký được, như vậy là chưa triệt để. Phân cấp phải đi kèm với phân quyền, cơ quan Trung ương chỉ hậu kiểm, nếu sai thì địa phương chịu (trách nhiệm)”.
Nêu lên thực trạng thiết chế văn hóa và nhà ở cho công nhân đang rất thiếu, đa số công nhân phải đi ở trọ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tiến Nhường đề nghị, Chính phủ có giải pháp cho vấn đề này, địa phương không giải quyết được vì thiếu nguồn lực. Còn Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thì đề cập đến việc nhiều doanh nghiệp FDI vốn mỏng, “tay không bắt giặc” và đề nghị có giải pháp xử lý vấn đề này.
Có sự lệch pha giữa khu vực FDI và khu vực trong nước
Tán thành với quan điểm của các địa phương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng cần phải có sự liên kết vùng, cát cứ trong sử dụng đất là rất khó phát huy hiệu quả. “Có những dự án địa phương này nhưng sang địa phương khác một tí mà không có thể chế, chính sách là kẹt cứng không làm được”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Nhấn mạnh đây là đề án quan trọng, Phó Thủ tướng nêu rõ, việc đánh giá thu hút đầu tư nước ngoài phải sát thực, nhìn thẳng vào sự thật, khái quát và hệ thống, nhận diện hết các vấn đề liên quan để khắc phục bất cập, tồn tại đang có, những vướng mắc về luật pháp, xác định rõ mục tiêu tổng quát, cụ thể, đáp ứng được bối cảnh mới trong nước, thế giới.
Yêu cầu phải có số liệu định tính, định lượng để đánh giá về số liệu dự án cam kết đầu tư, giải ngân, đóng góp vào GDP, giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu, việc làm, lao động, phân rã ra từng địa bàn, lĩnh vực, trình độ công nghệ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đề án không chỉ đánh giá thực trạng mà phải thể hiện được xu hướng thu hút FDI trong 30 năm qua và sự thay đổi, hoàn thiện chính sách thu hút FDI.
“Quan điểm nội lực là chính, ngoại lực là quan trọng. Xây dựng nền kinh tế tự chủ với đẩy mạnh ngoại nhập thì FDI đóng góp như thế nào? Trung ương nhận định rồi, tự chủ của nền kinh tế còn hạn chế vì quá lệ thuộc vào FDI. Chuyển giá, gian lận giá còn phức tạp”, Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng, dư luận xã hội đang có “cảm giác” nội trội là có sự lệch pha giữa khu vực FDI và khu vực trong nước, đến mức chuyên gia đã nói “có hai nền kinh tế trong một đất nước”. Hay như nhận định Nhà nước có ưu đãi quá mức cho FDI mà để doanh nghiệp trong nước lép vế. Do vậy, các bộ, ngành phải chứng minh để nhận định rõ các nội dung này nhằm thiết lập quan điểm, giải pháp trong thu hút FDI, tăng cường nội lực khu vực kinh tế bản địa và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự cường.
Chỉ rõ dự thảo đề án chưa đánh giá được tác động của sự phát triển cách mạng công nghệ và sự dịch chuyển đầu tư dòng vốn trên thế giới, hay chưa phân tích, làm rõ nhận định của Thủ tướng Chính phủ về chuyển nội hàm thu hút, sử dụng FDI sang nội hàm chính sách hợp tác, đầu tư nước ngoài về quản lý, kết nối, mua bán sáp nhập doanh nghiệp, đặc biệt là các cam kết hợp tác bảo vệ môi trường, người lao động, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng khẳng định: Đề án còn thiếu vắng những giải pháp cụ thể để kết nối, chuyển giao công nghệ giữa khu vực FDI với doanh nghiệp trong nước... Đề án của Bộ Chính trị không phải để xác lập chủ trương mà là hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút FDI, định hướng khắc phục hệ thống pháp luật về thuế, doanh nghiệp, đầu tư, sử dụng đất đai... và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập Tổ soạn thảo đề án, tổ chức chương trình làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội và tỉnh Bình Dương là những địa phương thu hút FDI chủ lực để ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của địa phương trong hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu quả thu hút FDI. Bộ Tài chính phải cung cấp báo thực trạng tài chính của các doanh nghiệp FDI và tình trạng gian lận, chuyển giá của những doanh nghiệp này để Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đánh giá sâu hơn.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo đánh giá, phân tích kỹ hơn về công nghiệp phụ trợ, xuất khẩu, các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế. Bộ Tài nguyên và Môi trường phải đánh giá về việc sử dụng đất trong doanh nghiệp FDI. Đặt vấn đề tiết kiệm đất đai, Phó Thủ tướng yêu cầu tính toán kỹ càng hiệu quả đầu tư trên một đơn vị diện tích, nhất là tại các địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…