Thông tin về hoạt động kinh doanh và dự kiến đầu tư chiến lược của Tập đoàn Thái Bình, ông Luo Xi cho biết: Tập đoàn có các loại hình bảo hiểm phong phú, đa dạng, cơ chế điều hành linh hoạt, có kinh nghiệm về dòng vốn, đào tạo nguồn nhân lực. Tổng tài sản của tập đoàn năm 2019 có thể đạt 800 tỷ nhân dân tệ và tổng lượng phí bảo hiểm đạt 200 tỷ nhân dân tệ, lợi nhuận 10 tỷ nhân dân tệ (1 nhân dân tệ tương đương hơn 3.300 đồng Việt Nam).
Với lịch sử hơn 90 năm, Tập đoàn Thái Bình hiểu rõ các nguyên tắc quốc tế và phương thức giám sát quản lý tại thị trường nước ngoài và thực tế là có sự phát triển rất tốt ở nước ngoài. Quy mô tái bảo hiểm của Tập đoàn xếp thứ tư ở châu Á và đứng đầu ở Trung Quốc. Từ năm 2018, Tập đoàn có bước cải cách căn bản, chú trọng hơn đến phương hướng phát triển quốc tế hóa và thị trường Đông Nam Á là nơi mà Tập đoàn Thái Bình đang hướng đến. Hiện tại tập đoàn đã mở văn phòng đại diện tại Singapore và Indonesia, sắp tới sẽ đặt văn phòng ở Malaysia và Thái Lan.
Ông Luo Xi cho biết, với mong muốn khai thác thị trường đầy tiềm năng ở Việt Nam, Tập đoàn Thái Bình đã tiến hành một số điều tra khảo sát thị trường và trao đổi với các cơ quan có liên quan Việt Nam. Tập đoàn Thái Bình nhận thấy việc phát triển bảo hiểm tại Việt Nam phù hợp với chính sách cũng như phương hướng về phát triển xã hội của đất nước hiện nay. Khi kinh tế phát triển, thu nhập bình quân đầu người tăng, nhu cầu bảo hiểm cũng theo đó không ngừng tăng lên. Tập đoàn Thái Bình mong muốn được Chính phủ cho phép thiết lập văn phòng và đăng ký nhãn hiệu để có thể kinh doanh tại thị trường Việt Nam.
Đánh giá cao ý định đầu tư của Tập đoàn Thái Bình vào thị trường bảo hiểm của Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, mặc dù thời gian qua, thị trường bảo hiểm của Việt Nam phát triển với tốc độ nhanh, bao gồm cả bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ, nhưng với thị trường 100 triệu dân thì tiềm năng còn rất lớn. Đối với bảo hiểm nhân thọ, hiện công ty nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam đưa ra nhiều sản phẩm đa dạng, trong đó có sản phẩm bảo hiểm rủi ro cho người mua bảo hiểm, bảo hiểm có tính chất đầu tư cũng tăng lên nhiều.
Đối với bảo hiểm xã hội, chủ trương của Việt Nam là phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, hướng tới mục tiêu bao phủ trong nhân dân. Trong đó, tầng một là trợ cấp của Nhà nước cho người cao tuổi không có quan hệ lao động trước đây và về già không có chính sách bảo hiểm. Tầng thứ hai là bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện, được hỗ trợ một phần kinh phí cho việc mua bảo hiểm. Tầng thứ ba là bảo hiểm hưu trí tự nguyện, đây là hình thức bảo hiểm theo thị trường, người không có quan hệ lao động hoặc người muốn đóng nhiều hơn để hưởng nhiều hơn sẽ dựa vào thị trường, vào sản phẩm của doanh nghiệp và công ty chứng khoán.
Theo Phó Thủ tướng, ngoài hoạt động kinh doanh về bảo hiểm, các công ty bảo hiểm của Việt Nam và các nước đang hoạt động tại Việt Nam cũng tham gia tích cực vào thị trường trái phiếu của Chính phủ. Nhờ đó, từ chỗ tỷ lệ trái phiếu Chính phủ do ngân hàng thương mại nắm chiếm tới 80% thì nay chỉ số này đã giảm xuống còn rất thấp, phần lớn trái phiếu Chính phủ phát hành với kỳ hạn 10, 20, 30 năm được các công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ đầu tư mua. Ghi nhận đề xuất của lãnh đạo Tập đoàn Thái Bình, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Tài chính xử lý hồ sơ thủ tục theo thẩm quyền, đề nghị tập đoàn sớm gửi hồ sơ cho Bộ Tài chính xem xét.