Chiều mai 30/5, Quốc hội sẽ Thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Bên lề Quốc hội, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có những chia sẻ về vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Ảnh: TTXVN |
Theo đại biểu Phương, việc sửa đổi Luật lần này là hướng tới hiệu quả hơn và khắc phục những bất cập hiện nay trong phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó là bổ sung nhiều điểm liên quan tới tham nhũng nhưng chưa có quy định trong luật, chưa có các ràng buộc.
"Chắc chắn khi Luật được ban hành sẽ có hiệu quả hơn trong việc phòng chống tham nhũng, có tính chất răn đe, cảnh báo và đồng thời xử lý nghiêm hơn", đại biểu Nguyễn Ngọc Phương khẳng định.
Theo đại biểu Phương, một điểm mới trong luật là việc kê khai tài sản đã được nêu rõ hơn, cụ thể hơn và xác định được các đối tượng phải kê khai, đối tượng thuộc Thanh tra Chính phủ quản lý, các đối tượng thuộc thuộc thanh tra và UBND tỉnh quản lý, đối tượng thuộc các bộ ngành quản lý. Như vậy, sẽ phân biệt rõ ràng các đối tượng phải kê khai tài sản và sự quản lý của các cơ quan.
Luật cũng yêu cầu phải công khai, minh bạch, những tài sản bị phát hiện khi thanh tra, chủ nhân không lý giải được nguồn thu và tính hợp pháp của tải sản đó thì sẽ bị thu thuế 45%.
Điểm mới nữa là định giá tài sản, tài sản được khai sẽ được một đơn vị định giá. Trong thời gian qua, có vụ việc khi phát hiện ra những người có sai phạm thì tài sản lại không đứng tên họ mà mang tên họ hàng, người thân. Về vấn đề này, ông Phương cho biết, nếu Luật này được đưa vào áp dụng sẽ chấm dứt tình trạng này.
Theo ông Phương, trước đây quản lý chưa chặt, khi được tuyển vào công chức không phải thống kê tài sản. Nhưng hiện nay, khi vào công chức nhà nước thì tài sản ban đầu đã được thống kê. Nếu sau này, có tài sản mà kê khai cho con cháu, thì chính con cháu người đã kê khai cũng phải giải trình. Đời cha không công khai thì đến đời con sẽ phải gánh hậu quả.
Nói về cơ sở đánh thuế 45% đối với những tài sản không lý giải được, theo đại biểu Phương, mức thuế này có nhiều tranh cãi. Ban soạn thảo đã căn cứ vào các vấn đề thực tiễn của cuộc sống.
Nếu kê khai minh bạch sẽ không bị phạt mức này, chỉ chịu mức thuế 10%. Nhưng có biểu hiện gian dối, ẩn nấp thì phải chịu thuế cao hơn. Vấn đề ở đây là quá trình kê khai thiếu công khai, thiếu minh bạch và có biểu hiện thảm nhũng. Do đó mức thuế này là để răn đe, cảnh báo và giáo dục.