Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh yêu cầu công tác phòng, chống tham nhũng phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không vì đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng tiêu cực mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế - xã hội. Đây là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để tăng tốc về đích, thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Công tác phòng, chống tham nhũng và phát triển kinh tế là hai nhiệm vụ cần được thực hiện song hành, không thiên lệch, không vì đẩy mạnh nội dung này mà cản trở nội dung còn lại. Để cung cấp thêm bức tranh tổng quan về hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay trong khu vực công và khu vực tư, tác động ngắn hạn cũng như dài hạn của công tác phòng, chống tham nhũng đối với nền kinh tế, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm 4 bài viết chủ đề “Phòng, chống tham nhũng và phát triển kinh tế: Song hành trong kỷ nguyên mới”.
Bài 1: Phá “điểm mù” do “công bộc” tạo ra
Ngay từ khi Đảng, Nhà nước ta tiến hành phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước (khu vực công) được hướng tới đầu tiên và đã có nhiều “đòn giáng” quyết liệt, triệt để. Đặc biệt, từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại khu vực công có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình hưởng ứng, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận. Qua đó góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế.
Loại bỏ “mắt xích” bị ăn mòn
Trong lĩnh vực tham nhũng khu vực công, việc xử lý cán bộ, đảng viên có sai phạm được thực hiện nghiêm túc, triệt để. Người có hành vi tham nhũng giữ bất kì chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác. Những cán bộ, đảng viên này là “mắt xích yếu” trong bộ máy chính quyền bị “chất a-xít” tham nhũng ăn mòn khiến họ thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân.
Kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến tháng 8/2024 đã có 141 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, trong đó, có 31 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương (gồm 2 Phó Thủ tướng và nguyên Phó Thủ tướng, 3 Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, 7 Bí thư và nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy). Đã có 55 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (16 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng) bị xử lý hình sự; 32 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác, trong đó có 7 ủy viên Bộ Chính trị, một ủy viên Ban Bí thư và 10 ủy viên Trung ương.
Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được điều tra, xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng thụ lý điều tra hơn 1.350 vụ án với trên 3.600 bị can về các tội danh tham nhũng; đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố gần 700 vụ án với trên 2.250 bị can… Trong số này chiếm phần lớn là những hành vi tham nhũng xảy ra ở khu vực công với nhiều cựu cán bộ Nhà nước bị điều tra, truy tố và đưa ra xét xử. Qua đó góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Gỡ rào cản nhũng nhiễu
Tại những vụ án này, nổi lên một vấn đề là cán bộ có chức có quyền tại các cơ quan Nhà nước bằng cách này hay cách khác buộc người dân, doanh nghiệp phải đưa hối lộ cho họ thông qua những rào cản vô hình do chính những người cán bộ này - công bộc của dân dựng nên. Họ cố tình tạo ra sự mù mờ, không minh bạch, khai thác những điểm mâu thuẫn chồng chéo hoặc “đẻ ra” nhiều thủ tục, giấy phép con để nhũng nhiễu. Việc này tạo thành những lợi ích nhóm, để cho một nhóm có thể thống trị độc quyền đối với thị trường qua giấy phép con hoặc hưởng phần chênh lệch do nắm được lợi thế về thông tin hoặc do được sự ưu ái của những người có chức quyền, có quan hệ… thúc đẩy tham nhũng tạo thành chuỗi mắt xích khép kín “môi giới, đưa và nhận hối lộ”.
Trong vụ án “Chuyến bay giải cứu” giai đoạn 1, cựu cán bộ Bộ Y tế Phạm Trung Kiên dù không có chức năng, nhiệm vụ trong phê duyệt chuyến bay nhưng lại là cán bộ nhận hối lộ nhiều nhất cả số lần và số tiền.
Vụ án được xảy ra vào thời điểm COVID-19 bùng phát, theo quy định, các doanh nghiệp, cơ quan chức năng thông qua ông Kiên để trình Thứ trưởng xem xét, ký duyệt văn bản trả lời cấp phép chuyến bay giải cứu. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông Kiên tự tạo ra các “rào cản”, gây khó khăn trong xét cấp phép chuyến bay… để yêu cầu đại diện doanh nghiệp, cá nhân chi tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng cho một chuyến bay giải cứu.
Đối với những chuyến bay combo (bao gồm các chi phí: vé máy bay, thủ tục cách ly, nơi ở cách ly, các chi phí trong thời gian cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền…), ông Kiên đã ra giá với doanh nghiệp phải "chung chi" từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng một khách. Với hình thức "đếm đầu người" cho khách lẻ, Kiên ra giá 7 - 15 triệu đồng/khách.
Ngoài ra, Kiên còn cùng với Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an) yêu cầu, gợi ý các doanh nghiệp liên hệ, chi tiền cho Kiên để được Bộ Y tế chấp thuận chuyến bay cũng như kịp trả lời văn bản liên quan chuyến bay giải cứu. Với thủ đoạn này, chỉ trong gần 9 tháng của năm 2021, Kiên đã có đến 253 lần nhận tiền của 18 cá nhân đại diện doanh nghiệp và một số khách lẻ, với tổng số tiền nhận hối lộ lên đến 42,6 tỷ đồng.
Bằng việc lợi dụng vị trí làm việc của mình, Kiên đã tạo ra sự không minh bạch, những rào cản vô hình để làm chậm tiến trình cấp phép máy bay cho các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp phải đi vay tiền để tổ chức các chuyến bay giải cứu, song đến sát ngày định bay vẫn chưa có được giấy phép trong tay. Họ bị rơi vào tình thế “đứng ngồi không yên”, buộc phải tìm mọi cách, khai thác mọi mối quan hệ và sử dụng nguồn “chi phí không chính thức” để có sớm “giấy thông hành” cho chuyến bay vì mục đích nhân đạo là đưa đồng bào mình về nước.
Vụ án “Chuyến bay giải cứu” là điển hình trong cách nghĩ, cách gây khó dễ của một bộ phận cán bộ làm việc trong các cơ quan Nhà nước, nhất là tại những cơ quan có chức năng cấp giấy phép, xét duyệt thủ tục… cho người dân, doanh nghiệp. Do vậy, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhất là tại các khu vực công cần được tiến hành thường xuyên, tác động thường trực vào nếp nghĩ, tác phong, hành vi công tác của mỗi cán bộ, đảng viên. Từ đó, tạo phong cách cho các “công bộc của dân” từ suy nghĩ đến hành động phải chuẩn mực, đúng chức trách nhiệm vụ, đúng quy trình, đáp ứng niềm tin của người dân về chính quyền phục vụ, chính quyền vì nhân dân. Đồng thời, ngăn chặn, phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; giám sát chặt chẽ để cán bộ, đảng viên thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ.
Điều này giúp cho hoạt động của cơ quan Nhà nước được thực hiện một cách minh bạch, nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân… không tạo điều kiện cho hoạt động tham nhũng ở khu vực tư có điều kiện phát triển.
Bài 2: 'Bẻ gãy' các mối quan hệ thân hữu