Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Nửa chặng với từng phiên họp chất lượng

Sau 20 ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, trí tuệ, đợt 1 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vừa đã đi được nửa chặng đường thành công, với nhiều điểm nhấn ấn tượng.

Chú thích ảnh

Khối lượng công việc "đồ sộ”

Là kỳ họp có khối lượng công việc nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Kỳ họp thứ 8 có thời gian kéo dài hơn, với nhiều nội dung quan trọng về: Công tác nhân sự, xây dựng pháp luật, đánh giá về kết quả phát triển kinh tế xã hội năm 2024 nhiệm kỳ 2021 - 2025, chuẩn bị triển khai Đại hội Đảng các cấp năm 2025 và tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc năm 2026.

Với những đổi mới trong phương thức điều hành của Quốc hội, ý thức, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, kỳ họp thứ 8 đã đi được nửa chặng đường, với kết quả được cử tri và đại biểu đánh giá cao.

Ngay trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp, Quốc hội đã tiến hành thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Lương Cường.

Chú thích ảnh
   Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Lương Cường tuyên thệ trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước. Ảnh: TTXVN

Với kết quả biểu quyết 440/440 đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết, tân Chủ tịch nước Lương Cường đã tuyên thệ nhậm chức theo quy định.

Bên cạnh công tác nhân sự, tại Kỳ họp thứ 8, số dự án luật, dự thảo nghị quyết lên tới con số 31; nhiều chính sách được đánh giá đột phá theo tư duy mới về xây dựng pháp luật.

Công tác lập pháp là nội dung trọng tâm, chiếm phần lớn thời gian của Kỳ họp thứ 8. Trong đợt 1, các đại biểu Quốc hội đã phát huy dân chủ, trí tuệ, chuyên nghiệp, khoa học, tập trung góp ý toàn diện về nội dung và kỹ thuật lập pháp của các dự án Luật.

Chú thích ảnh
Các đại biểu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN

Trong các phiên họp của đợt 1, Quốc hội và đại biểu nghe các báo cáo về các dự án Luật như: Tờ trình về dự án Luật Điện lực (sửa đổi); Tờ trình về dự án Luật Dữ liệu; Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Tờ trình về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên; dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn…

Theo tinh thần của kỳ họp, các đại biểu thảo luận, xem xét trên tinh thần Luật cần ngắn gọn, chỉ quy định những vấn đề theo đúng thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa các vấn đề thuộc thông tư, nghị định; không cầu toàn, không nóng vội; không quy định cứng nhắc; chuyển tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực, tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để, thực chất, đảm bảo đủ khả năng cho cá nhân, cơ quan được phân cấp, phân quyền có thể tổ chức thực hiện công việc; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; kiểm soát quyền lực, không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong các luật, nghị quyết.

Từ đó, góp phần đảm bảo khi các luật, nghị quyết được Quốc hội biểu quyết thông qua trong đợt 2 đạt chất lượng cao và tuổi thọ lâu, tạo điều kiện thuận lợi và giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện luật, gắn việc xây dựng luật và tổ chức thực thi luật đạt hiệu quả cao nhất…

Đại biểu Trần Quốc Tuấn, đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đánh giá: “Tại Kỳ họp thứ 8, tôi cũng như nhiều đại biểu đánh giá cao về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Các nội dung đưa vào chương trình kỳ họp đã được thảo luận, bàn bạc kỹ lưỡng. Các đại biểu cũng đã nghiên cứu sâu các nội dung; trong đó có nhiều nội dung liên quan mật thiết, phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước; có nhiều nội dung cử tri đang quan tâm”.

Theo đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, với mục tiêu hoàn thiện bộ máy trên tinh thần Nghị quyết Trung ương, hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật, Kỳ họp thứ 8 là kỳ họp với số lượng các dự án Luật được thông qua nhiều, thời lượng kỳ họp dài, Quốc hội có sự cải tiến hoạt động.

“Việc xây dựng Luật theo thẩm quyền của Quốc hội, còn các vấn đề chi tiết, cụ thể hóa do Chính phủ thực hiện. Đặc biệt, cơ sở cũng phải năng động, phát triển, dám nghĩ dám làm. Bức tranh tăng trưởng bền vững, an sinh xã hội tốt đều phải xuất phát từ cơ sở. Để hoàn thiện khung pháp luật, đại biểu mong muốn các dự án Luật phải phản ánh đời sống thực tại, giải quyết được những vướng mắc của cơ sở trong quá trình phát triển”, đại biểu Nguyễn Tạo nhấn mạnh.

Các phiên họp sôi động về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước

Trong đợt 1 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã nghe Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025; Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025; Báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025, Kế hoạch tài chính ngân sách Nhà nước 3 năm 2025 – 2027; Tờ trình về chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…

Chú thích ảnh
Các đại biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: TTXVN

Các đại biểu đã tập trung thảo luận tại hội trường, tại tổ với tinh thần xây dựng cao nhất. Theo tinh thần kỳ họp, các đại biểu Quốc hội bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội; phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, tập trung vào những vấn đề lớn, những kết quả quan trọng đã đạt được, những bất cập, hạn chế, yếu kém, đề xuất những giải pháp thiết thực, hiệu quả; lưu ý những tác động và khó khăn mới phát sinh do diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực. Nhất là việc khắc phục hậu quả nặng nề do thiên tai, bão lũ gây ra ở 26 tỉnh, thành phố phía Bắc và một số tỉnh miền Trung.

Các đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận, góp ý về sự phù hợp, tính khả thi, hiệu quả của các chính sách; tính thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật, nhằm phát huy được nguồn lực, tận dụng cơ hội phát triển, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 – 2025.

Bên cạnh đó, tại các phiên họp cũng có nhiều ý kiến quan trọng, tâm huyết về ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính của các quỹ tài chính ngoài ngân sách, đảm bảo nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội.

Năm 2025 là năm cuối của nhiệm kỳ thực hiện ngân sách, chính sách tài khóa năm 2025 đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 -2025, các đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thu chi ngân sách Nhà nước; cơ cấu lại ngân sách theo hướng bền vững; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đặc biệt lưu ý thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư về tăng cường công tác thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí, tiêu cực...

 
Chú thích ảnh

Đặc biệt một số vấn đề đang “nóng” cũng được các đại biểu quan tâm như: Vấn đề sức khỏe nhân dân, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, thuốc lá điện tử đang xâm nhập vào giới trẻ, vấn đề quản lý nhà đất, việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc Nam…

“Nóng” các phiên chất vấn

Đợt 1 của Kỳ họp thứ 8 đã hoàn thành 2 ngày chất vấn và trả lời chất vấn, là phần nội dung được cử tri mong chờ.

Chú thích ảnh
  Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn. Ảnh: TTXVN

Chịu trách nhiệm trả lời chính tại các phiên chất vấn có Thủ tướng Phạm Minh Chính và 3 tư lệnh ngành tham trả lời chất vấn là: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm cao. Các đại biểu đánh giá phần điều hành các phiên chất vấn của Chủ tịch Quốc hội đã linh hoạt, dứt khoát. Điều này làm cho phiên chất vấn đảm bảo được nội dung đi vào chiều sâu, không lan man vào các nội dung nằm ngoài nội dung chất vấn.

Chú thích ảnh
Đại biểu tích cực thảo luận, chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: TTXVN

Đánh giá về phần chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: “Qua phiên chất vấn tại kỳ họp cho thấy, các nội dung chất vấn đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, 'đúng' và 'trúng' những vấn đề cử tri, Nhân dân cả nước và các vị đại biểu Quốc hội quan tâm; tiếp tục khẳng định đây là hình thức giám sát tối cao trực tiếp, hiệu quả của Quốc hội. Các vị đại biểu Quốc hội qua thực tiễn hoạt động đã nắm chắc tình hình, nghiên cứu kỹ các báo cáo, nêu vấn đề, cũng như tranh luận ngắn gọn, rõ ràng, với những câu hỏi cụ thể như: Quan điểm thế nào - khi nào thực hiện - khi nào xong - tại sao chậm - giải pháp thế nào - trách nhiệm ở đâu? Nội dung các câu hỏi cơ bản trong phạm vi chất vấn và đã có nhiều đại biểu được chất vấn. Các đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn nêu nhiều vấn đề 'nóng', với mong muốn Chính phủ, các Bộ, ngành tiếp tục có các giải pháp kịp thời, hiệu quả hơn”.

Chú thích ảnh
  Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành các phiên họp. Ảnh: TTXVN

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các Bộ trưởng, trưởng ngành đã thể hiện trách nhiệm cao, nắm chắc chức năng, nhiệm vụ và thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, trả lời rõ nhiều vấn đề khó, phức tạp, thẳng thắn, không né tránh, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội nêu; đồng thời, đề ra nhiều giải pháp khắc phục hạn chế trong thời gian tới. Có một điểm chung mà các thành viên Chính phủ nhắc nhiều lần trong phiên chất vấn lần này là: trân trọng cảm ơn - nghiêm túc tiếp thu - nhận trách nhiệm cá nhân - sẽ quyết tâm thực hiện - và tha thiết mong các cơ quan, các địa phương vào cuộc mạnh mẽ cùng Chính phủ, Bộ, ngành. Các Bộ trưởng, trưởng ngành luôn thể hiện sự nghiêm túc, cầu thị, nỗ lực trong thực hiện chức trách được giao.

Các nội dung cụ thể đã được kết luận tại 3 phiên chất vấn đối với từng lĩnh vực. Trên cơ sở chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội và trả lời của các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan chuẩn bị dự thảo nghị quyết, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại phiên bế mạc của Kỳ họp này.

“Phiên chất vấn đã thành công tốt đẹp với những cam kết mạnh mẽ trong chỉ đạo, quản lý, điều hành; đề nghị các Bộ trưởng, Trưởng ngành với tinh thần 'nói đi đôi với làm và làm ngay', phát huy những kết quả đạt được, khẩn trương khắc phục những hạn chế, vướng mắc, có giải pháp mới để thực hiện hiệu quả hơn các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá.

Chú thích ảnh
Bên cạnh việc thảo luận trong hội trường, các đại biểu cũng bày tỏ quan điểm về các vấn đề cử tri quan tâm bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Tạ Nguyên

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh nhận xét: “Trong các phiên chất vấn của kỳ họp này, có nhiều nội dung mà đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm như: Chính sách về tài chính, tiền tệ, lãi suất, vay vốn, thị trường vàng… Nội dung chất vấn liên quan đến y tế, công nghệ thông tin… cũng được quan tâm. Các phiên chất vấn diễn ra thành công và sôi nổi; ngay từ những câu hỏi đầu tiên đã có sự tranh luận giữa đại biểu và người trả lời. Đây là dấu hiệu tích cực của nghị trường Quốc hội, đảm bảo sự công khai, minh bạch; truyền tải được những vấn đề bức xúc của người dân vào nghị trường và những vấn đề này được lãnh đạo, Chính phủ đáp ứng, trả lời đầy đủ”.

“Phần trả lời của các Bộ trưởng, trưởng ngành, cùng với việc nắm chắc quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các bộ trưởng đều đi sâu, đi sát vào thực tiễn lãnh đạo. Tuy nhiên, để giải đáp được từng nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội cặn kẽ, chi tiết, cụ thể vẫn còn phải tiếp tục, trong đó cần tập trung vào giải quyết những vấn đề thực tiễn hiện nay đang vướng mắc, bất cập. Điều này cần sự nỗ lực của toàn ngành, với những giải pháp thiết thực hơn”, đại biểu Trương Xuân Cừ, đoàn ĐBQH TP Hà Nội nhấn mạnh.

Với sự thành công của đợt 1 Kỳ họp thứ 8, một nửa khối lượng công việc “khổng lồ” của kỳ họp đã được giải quyết. Theo chương trình, đợt 2 của Kỳ họp thứ 8 sẽ bắt đầu từ ngày 20-30/11.

Với sự mong đợi những quyết sách quan trọng của kỳ họp này, bằng trí tuệ của Quốc hội và các dự án tương đối hoàn thiện, các đại biểu và cử tri đều bày tỏ hy vọng đợt 2 Kỳ họp thứ 8 và cả kỳ họp sẽ đạt được kết quả cao; phát huy tốt nhất tinh thần làm việc hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Đại biểu Quốc hội đánh giá cao chất lượng đợt 1 kỳ họp thứ 8
Đại biểu Quốc hội đánh giá cao chất lượng đợt 1 kỳ họp thứ 8

Kết thúc đợt 1, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, các đại biểu nhìn lại chất lượng kỳ họp, đánh giá cao nỗ lực xây dựng, hoàn thiện pháp luật của Quốc hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN