Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị; các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Phú Thọ dự hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: Phú Thọ nằm trong vùng giáp ranh với Thủ đô Hà Nội, là trung tâm phát triển kinh tế không chỉ với các tỉnh miền ngược, mà còn kết nối với các tỉnh miền xuôi, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội.
Ngoài tiềm năng phát triển kinh tế, Phú Thọ còn có bề dày văn hóa lâu đời với hai di sản Hát xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa của nhân loại… Vì thế, Phú Thọ cần quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, di sản.
Thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Bình cho rằng, bên cạnh ưu tiên nguồn vốn từ ngân sách, Phú Thọ cần tạo dựng môi trường thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực Tây Bắc, trong đó có Phú Thọ. Ngoài ra, Phú Thọ cần tập trung khai thác triệt để những lợi thế, tiềm năng sẵn có như: Phát triển rừng từ khai thác ngắn ngày sang rừng gỗ lớn; tập trung đầu tư cho phát triển cây ăn quả; phát triển cây chè, cải tạo các loại giống mới… hướng tới phát triển ngành nông nghiệp chất lượng cao, công nghiệp sạch thân thiện với môi trường…
Bên cạnh đó, Phú Thọ cần quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông nội tỉnh; tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận các dịch vụ về y tế, giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội. Tỉnh tăng cường phối hợp với các tỉnh trong vùng thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi Bắc bộ trong giai đoạn tiếp theo.
Sau 15 năm triển khai, Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị tỉnh Phú Thọ đã trở thành động lực quan trọng làm thay đổi đời sống kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của cả vùng trung du và miền núi Bắc bộ nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng.
Công tác học tập, quán triệt, triển khai Nghị quyết đã được Tỉnh ủy chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở; bước đầu đã khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh; tốc độ tăng trưởng kinh tế và các chỉ tiêu cơ bản của tỉnh so với các tỉnh trong vùng luôn đạt ở mức khá và cao hơn bình quân chung của cả nước. Số hộ nghèo giảm nhanh, các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục đào tạo trong tỉnh có nhiều chuyển biến…
Trong giai đoạn 2004 - 2018, tỉnh Phú Thọ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách có liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện Nghị quyết số 37, tập trung vào những khâu đột phá, những chương trình, dự án có tính lan tỏa cao như: Chính sách về huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng then chốt, phát triển nguồn nhân lực, phát triển du lịch, cải cách hành chính…
Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2004 - 2018 đạt 8,77%; quy mô GRDP tăng 7 lần, từ 8.183,5 tỉ đồng năm 2004 lên 57.351,7 tỉ đồng năm 2018; GRDP bình quân đầu người tăng 6,5 lần, từ 6,3 triệu đồng (năm 2004) lên 40,8 triệu đồng năm 2018. So với các tiêu chí đánh giá về tốc độ phát triển, Phú Thọ xếp thứ 2/14 tỉnh vùng trung du miền núi Bắc bộ.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều khởi sắc; chính sách giảm nghèo được thực hiện có hiệu quả. Tính đến hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 7,1% (năm 2004 là trên 30%). Công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh luôn được giữ vững ổn định…