Nhân dịp đón Xuân Giáp Thìn 2024, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã có cuộc phỏng vấn với Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng về những nội dung xoay quanh chủ trương này.
Thưa Thượng tướng, để thực hiện chủ trương xây dựng Quân đội "tinh, gọn, mạnh", Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo triển khai những giải pháp như thế nào? Yếu tố quan trọng hàng đầu trong quá trình này là gì, thưa Thượng tướng?
Xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại là chủ trương đúng đắn, nhất quán, thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước ta, bảo đảm cho Quân đội đủ sức hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao trong giai đoạn cách mạng mới.
Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương Đảng về xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh; nhất là Nghị quyết số 05-NQ/TW của Bộ Chính trị về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo. Trên cơ sở đó, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã ban hành nghị quyết, kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện.
Theo đó, một trong những giải pháp rất quan trọng là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao cho cán bộ, chiến sĩ toàn quân về vị trí, ý nghĩa của việc điều chỉnh tổ chức lực lượng, xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các nghị quyết, kế hoạch, xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, thời gian và lộ trình tổ chức thực hiện, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện việc điều chỉnh tổ chức lực lượng một cách bài bản, khoa học; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp.
Quá trình điều chỉnh tổ chức lực lượng, phải giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu. Theo đó, nhân tố tiên quyết nhất, cốt lõi nhất là phải bảo đảm cho cán bộ, chiến sĩ toàn quân có bản lĩnh chính trị vững vàng, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, phải sẵn sàng xả thân để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân trước các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là thiên tai, dịch bệnh.
Cùng với đó, cần không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, giáo dục và đào tạo bảo đảm mọi quân nhân và đơn vị phải thực sự tinh nhuệ; tăng cường xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện "mẫu mực, tiêu biểu" gắn với xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng trong sạch vững mạnh; duy trì nghiêm nền nếp chính quy, quản lý kỷ luật, chấp hành pháp luật, bảo đảm an toàn cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật; tăng cường hợp tác quốc tế về kỹ thuật quân sự và đối ngoại quốc phòng.
Thượng tướng có thể chia sẻ về những kết quả trong việc thực hiện chủ trương xây dựng Quân đội "tinh, gọn, mạnh" của Quân đội nhân dân Việt Nam? Năm 2024 là năm quan trọng để Quân đội điều chỉnh, tổ chức, sắp xếp lực lượng, cơ bản đến năm 2025 xây dựng Quân đội "tinh, gọn, mạnh", vậy phương hướng chung trong điều chỉnh tổ chức lực lượng năm 2024 là gì, thưa Thượng tướng?
Nhiều năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện quyết liệt việc điều chỉnh tổ chức lực lượng Quân đội và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Từ năm 2016 đến năm 2023, toàn quân đã điều chỉnh trên 2.000 tổ chức. Đến nay, cơ cấu tổ chức của Quân đội đã cơ bản đồng bộ, hợp lý, phù hợp giữa bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương và dân quân tự vệ; giữa lực lượng thường trực với lực lượng dự bị động viên; giữa lực lượng chiến đấu với lực lượng bảo đảm; giữa lực lượng lục quân với các quân, binh chủng. Bảo đảm các tổ chức được kiện toàn theo hướng tinh, gọn; chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị được quy định cụ thể, rõ ràng. Cơ cấu quân số được điều chỉnh tăng cường cho các đơn vị thành lập mới, đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trên các địa bàn chiến lược, trọng yếu, biên giới, biển, đảo; ưu tiên nguồn lực cho các lực lượng được xác định tiến thẳng lên hiện đại. Qua đó, chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội ngày càng được nâng cao.
Năm 2024, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xác định là "Năm cơ bản hoàn thành điều chỉnh tổ chức lực lượng theo hướng tinh, gọn, mạnh". Theo đó, Quân đội sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, thực hiện có chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ, hoàn thành cơ bản mục tiêu xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh. Trong đó, tiếp tục điều chỉnh một số cơ quan, đơn vị cấp chiến dịch, chiến lược theo đúng chủ trương Nghị quyết số 05-NQ/TW của Bộ Chính trị và lộ trình kế hoạch đã xác định, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Năm 2024 là năm có nhiều sự kiện lớn như: Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, cùng các sự kiện, hoạt động đối ngoại quốc phòng quan trọng. Xin Thượng tướng cho biết những điểm đáng lưu ý trong công tác quân sự, quốc phòng nói chung và đối ngoại quốc phòng nói riêng trong năm nay?
Năm 2024 có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra; đây là năm diễn ra nhiều sự kiện lớn của Đảng, đất nước và Quân đội. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xác định tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước về quân sự, quốc phòng, nhất là có đối sách thích hợp để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, không để bị động, bất ngờ. Tiếp tục triển khai hiệu quả các nghị quyết, kết luận, đề án về quân sự, quốc phòng, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Hai là, tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân; thực hiện tốt các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh các vùng và địa bàn trọng điểm. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác quân sự, quốc phòng.
Ba là, đẩy mạnh thực hiện ba đột phá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI. Đặc biệt, như tôi đã nói, năm 2024, chúng tôi xác định chủ đề là "Năm cơ bản hoàn thành điều chỉnh tổ chức lực lượng theo hướng tinh, gọn, mạnh". Yêu cầu đặt ra trong quá trình điều chỉnh tổ chức lực lượng là phải bảo đảm giữ vững sự ổn định, nâng cao sức mạnh và khả năng hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị.
Bốn là, nâng cao chất lượng huấn luyện, giáo dục và đào tạo; tổ chức các cuộc diễn tập, hội thi, hội thao bảo đảm an toàn, hiệu quả, sát thực tế; thực hiện tốt Đề án diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; xây dựng Đề án tổ chức lực lượng diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Năm là, thực hiện có hiệu quả công tác hậu cần, kỹ thuật, phát triển công nghiệp quốc phòng và các mặt công tác khác, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp của Quân đội, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đối với công tác đối ngoại quốc phòng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xác định, cần tiếp tục củng cố, tăng cường và xử lý tốt quan hệ hợp tác quốc phòng với các nước, nhất là với các nước láng giềng, các nước lớn, đối tác chiến lược, các nước ASEAN và bạn bè truyền thống, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng, cùng có lợi, tuân thủ luật pháp quốc tế.
Bên cạnh đó, cụ thể hóa các văn bản, thỏa thuận hợp tác quốc phòng, kế hoạch hợp tác quốc phòng năm 2024 đã ký với các đối tác; làm tốt công tác chuẩn bị giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới với các nước láng giềng; tăng cường hợp tác quân, binh chủng, hợp tác trao đổi chuyên môn, nghiên cứu khoa học, đào tạo, đầu tư, thương mại, hậu cần, kỹ thuật quân sự; đẩy mạnh hợp tác công nghiệp quốc phòng theo hướng lưỡng dụng, hiện đại.
Đồng thời, tiếp tục nâng tầm đối ngoại quốc phòng đa phương, chủ động tham gia có trách nhiệm vào các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Chuẩn bị tốt nội dung để sẵn sàng, chủ động tham gia tích cực, có trách nhiệm tại các diễn đàn hợp tác quốc phòng, quân sự, an ninh trong khu vực và quốc tế, đặc biệt là Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 18, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng lần thứ 11 do Lào tổ chức trong năm đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN.
Cùng với đó, triển khai hiệu quả các hoạt động đối ngoại quốc phòng nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày Hội quốc phòng toàn dân. Đặc biệt, công tác chuẩn bị và tổ chức thành công Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 cần thực hiện chu đáo. Đây sẽ là cơ hội để chúng ta quảng bá đến bạn bè quốc tế và nhân dân trong nước năng lực, tiềm lực công nghệ, vũ khí trang bị do công nghiệp quốc phòng Việt Nam sản xuất; đồng thời tạo điều kiện để các quốc gia, các công ty, doanh nghiệp trong nước, quốc tế giới thiệu, trưng bày sản phẩm, tìm kiếm cơ hội mở rộng hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Triển lãm là dịp tốt để chúng ta tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng với các nước; quảng bá, giới thiệu về đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thân thiện và mến khách.
Trân trọng cảm ơn Thượng tướng!