Quan hệ Việt – Trung: Tiếp tục dòng chảy hợp tác

Nhận thức chung chỉ đạo ở tầm chiến lược

Tiếp nối việc trao đổi các chuyến thăm cấp cao đã trở thành thông lệ giữa hai Đảng, hai nhà nước, trong những ngày thu này, Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) đã được chứng kiến một sự kiện quan trọng trong quan hệ Việt – Trung. Các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, nhà nước Trung Quốc đã chào đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam với nghi thức cao nhất. Hai bên đã đạt được nhận thức chung chỉ đạo ở tầm chiến lược, đồng thời đề ra những biện pháp cụ thể, thiết thực, thúc đẩy quan hệ hai nước tiếp tục dòng chảy hợp tác, phát triển toàn diện, ổn định, lâu dài.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham quan Khu Khoa học kỹ thuật tiết kiệm năng lượng Phiên Ngung (tỉnh Quảng Đông).
Ảnh: Trí Dũng – TTXVN


Việt Nam - Trung Quốc không chỉ là láng giềng, có quan hệ truyền thống lâu đời, đều do Đảng Cộng sản lãnh đạo và đi lên chủ nghĩa xã hội, mà còn là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện; Trung Quốc có tiềm lực của một nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Bởi vậy, trong chính sách đối ngoại nhất quán của mình, Việt Nam luôn mong muốn và coi trọng thúc đẩy quan hệ Việt – Trung phát triển ổn định, lâu dài và toàn diện. Trong các cuộc hội đàm, hội kiến, Việt Nam luôn thẳng thắn, chân thành, đề cập các vấn đề thiết thực đối với sự phát triển quan hệ hai nước. Và Trung Quốc, trong tiếp xúc ở cấp cao cũng như tại các địa phương, đều khẳng định sự coi trọng đối với việc phát triển quan hệ hợp tác Việt – Trung. Bởi hai bên đều nhận thức sâu sắc rằng, việc tăng cường hơn nữa sự tin cậy, hợp tác chặt chẽ, toàn diện, xử lý thỏa đáng các vấn đề còn tồn tại hay mới nảy sinh giữa hai nước, là phù hợp với lợi ích căn bản và lâu dài của hai Đảng, hai nhà nước và nhân dân hai nước, có lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước, có lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Trong chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố chung và ký kết 6 văn bản hợp tác; tiến hành các cuộc hội đàm, hội kiến ở cấp cao, cũng như nhiều cuộc tiếp xúc song phương giữa các Bộ trưởng, Thứ trưởng: Quốc phòng, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải… Trên nguyên tắc bình đẳng, tin cậy, cùng có lợi, chú trọng hiệu quả thực tế, bổ sung thế mạnh lẫn nhau, cùng nhau phát triển, hai bên đã thống nhất tăng cường và mở rộng hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, an ninh quốc phòng…; trao đổi thẳng thắn, với tinh thần xây dựng về nhiều vấn đề, từ thượng tầng kiến trúc như xây dựng Đảng, công tác lý luận… đến hạ tầng cơ sở như kết nối giao thông nhằm tạo thuận lợi cho giao lưu buôn bán, du lịch… Nhiều vấn đề đã được đề cập như: Giữ gìn, bảo vệ và sử dụng nguồn nước ở lưu vực các con sông, suối chung giữa hai nước; tàu cá và ngư dân trên biển; cân bằng thương mại song phương, nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư…

Hai bên cũng đã trao đổi thẳng thắn, chân thành về vấn đề trên biển; nhấn mạnh ý chí nỗ lực và quyết tâm của cả hai bên thông qua đàm phán và hiệp thương, duy trì trao đổi, đối thoại thường xuyên, kịp thời chỉ đạo xử lý, để những nhận thức chung và thỏa thuận đã đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nhà nước sẽ được triển khai thực hiện mạnh mẽ, thực chất và có hiệu quả, đưa quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc tiếp tục phát triển, có lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới. Hai bên cũng nhất trí, sẽ mở rộng hơn nữa sự giao lưu, hợp tác giữa các địa phương, nhất là các tỉnh giáp biên giới của hai nước; tăng cường giao lưu giữa nhân dân hai nước, tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân về tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa hai Đảng, hai nhà nước và nhân dân hai nước, vun đắp cho tình hữu nghị Việt – Trung mãi xanh tươi, bền vững.

Từ Bắc Kinh đến Quảng Đông - Một góc nhìn

Trong chuyến thăm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đã đến thăm một số cơ sở kinh tế, văn hóa tại Thủ đô Bắc Kinh và tỉnh Quảng Đông. Khu Triển lãm Trung Quan Thôn tại Bắc Kinh, là nơi giới thiệu những thành quả sáng tạo như một động lực giúp Trung Quốc trỗi dậy, trở thành công xưởng số 1 thế giới. Xuất phát là một khu phố điện tử, ngay từ những năm đầu tiến hành công cuộc cải cách mở cửa, Đảng, nhà nước Trung Quốc đã hết sức coi trọng và quyết tâm xây dựng Trung Quan Thôn trở thành khu khoa học - công nghệ cao đầu tiên của cả nước, có sức ảnh hưởng toàn cầu. Đến nay, Trung Quan Thôn đã tập trung được gần 20.000 doanh nghiệp khoa học - công nghệ cao, với tổng thu nhập lên tới gần 1.600 tỷ nhân dân tệ, đóng góp 23,5% tăng trưởng kinh tế thành phố Bắc Kinh. Đây cũng là nơi cho thấy nhiều kỳ tích, từ những vật liệu đơn giản, bình thường nhất, đã tạo ra những sản phẩm phục vụ tối ưu cho con người bằng công nghệ cao. Tập đoàn Rechsand Science & Teachnology với hàng trăm công trình nghiên cứu về cát, đã thành công trong việc điều chỉnh một số thuộc tính của cát để tạo ra nhiều loại vật liệu xây dựng có tính ứng dụng cao, giá rẻ, lại đáp ứng các tiêu chí về bảo vệ môi trường. Tập đoàn TIDELION với công nghệ xử lý nước mưa, đã góp phần tăng lượng nước sạch phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân, đồng thời giảm tình trạng úng ngập sau mưa, nhất là ở các khu đô thị, thành phố lớn… Quan điểm phát triển khoa học đã được xác định trong đường lối phát triển của Đảng Cộng sản Trung Quốc và được cụ thể hóa thành các nhiệm vụ chính của chiến lược phát triển, đó là nâng cao năng lực tự chủ sáng tạo, đẩy mạnh thay đổi phương thức phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cấp cơ cấu ngành nghề, tăng cường tiết kiệm tài nguyên năng lượng và bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững…

Rời Thủ đô Bắc Kinh, Đoàn đến thăm tỉnh Quảng Đông, một địa danh rất gần gũi với Việt Nam về địa lý, tương đồng về văn hóa, lại có nhiều tiềm năng hợp tác, nhiều kinh nghiệm thành công trong cải cách phát triển, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với cải thiện an sinh xã hội. Đều là hai thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Đông, nhưng nếu Thâm Quyến được mệnh danh là “thành phố như trong thần thoại”, là mô hình thu nhỏ, đi đầu công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc, thì Đông Quản lại được coi là kinh nghiệm điển hình về giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội trong quá trình đô thị hóa. Vận dụng triệt để và sáng tạo đường lối cải cách, mở cửa, Thâm Quyến đã nhanh chóng vươn lên trở thành thành phố lớn thứ 4 của Trung Quốc, chỉ sau Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, với GDP đạt 950 tỷ nhân dân tệ, GDP bình quân đầu người là 14.600 USD, xuất khẩu đạt hơn 200 tỷ USD dẫn đầu các thành phố của Trung Quốc 18 năm liên tục. Đây cũng là nơi tập trung nhiều tập đoàn đa quốc gia về các lĩnh vực công nghệ cao như: Tập đoàn công nghệ viễn thông Hoa Vi, Tập đoàn viễn thông Trung Hưng, Công ty TNHH sinh học, y tế, điện tử Mindray…

Khác với Thâm Quyến, thành phố Đông Quản là một điển hình về sự chuyển đổi từ vùng sản xuất nông nghiệp lâu đời đi lên đô thị hóa. Tiêu biểu như Khu dân cư Bạch Mã (nơi đoàn đến thăm), cùng với kết cấu hạ tầng hiện đại và đồng bộ, hơn 3.000 cư dân nơi đây đã trở thành những công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp. Khu dân cư Bạch Mã không chỉ có các khu nhà cao tầng, những con đường trải nhựa phẳng lì, phong quang, sạch đẹp, mà còn có đầy đủ các dịch vụ: Thư viện, trạm y tế, câu lạc bộ thể thao, trung tâm dịch vụ dưỡng lão…Với vẻ chất phác, hồn hậu vốn có của người nông dân, cụ Lý Ứng Thu năm nay 82 tuổi nhưng trông còn khỏe mạnh, đã rất vui vẻ, cởi mở khi nói về cuộc sống, sinh hoạt của cụ, cũng như những người láng giềng xung quanh. Câu chuyện của cụ giúp chúng tôi hiểu thế nào là “làng trong phố”… Được biết, chính quyền thành phố Đông Quản luôn chú trọng cải thiện dân sinh và đã đề ra 10 công việc cụ thể cần làm như: Bảo đảm việc làm, xây dựng khu dân cư hài hòa, công trình văn hóa lợi dân, xử lý bãi rác và khí thải công nghiệp, hoàn thiện dịch vụ y tế công cộng, tăng cường trị an xã hội…

Kết thúc chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, chúng tôi - những nhà báo đi theo đoàn còn nhớ mãi lời căn dặn của Tổng Bí thư đối với cán bộ, nhân viên Đại Sứ quán, Lãnh Sự quán: Bạn có rất nhiều kinh nghiệm tốt cần nghiên cứu, tham khảo, cả về quy hoạch, quản lý và phát triển.

Nguyễn Thị Sự
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN