Quyết định nêu rõ: Giai đoạn đến hết năm 2030, giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, quản lý theo hình thức không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Giai đoạn sau năm 2030, Bộ Giao thông vận tải tổ chức đánh giá thực trạng, hiệu quả việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, quản lý giai đoạn trước để quyết định giao tài sản theo quy định của pháp luật.
Quyết định quy định cụ thể nguyên tắc thực hiện công tác quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, quản lý.
Theo đó, công tác quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đường sắt, Luật Ngân sách nhà nước, Nghị định của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, pháp luật về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng và pháp luật khác có liên quan.
Bộ Giao thông vận tải giao dự toán ngân sách và tổ chức thực hiện công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đường sắt và pháp luật khác có liên quan.
Về cơ chế thực hiện quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, quản lý khi giao cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý, sử dụng và khai thác, Quyết định nêu rõ:
Bộ Giao thông vận tải tổ chức đặt hàng toàn bộ đối với việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức thực hiện, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải về việc thực hiện quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia bảo đảm hoạt động giao thông vận tải đường sắt thông suốt, trật tự, an toàn, chính xác, theo đúng quy định pháp luật.
Việc triển khai thực hiện hợp đồng đặt hàng theo quy định của pháp luật; trường hợp các quy định của pháp luật còn có những bất cập, không phù hợp với thực tế trong quá trình thực hiện, Bộ Giao thông vận tải tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Quyết định nêu rõ cơ chế cung cấp dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt: Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cung cấp dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt trên tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được giao quản lý và các nội dung khác liên quan theo quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt có trách nhiệm nộp phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đường sắt, pháp luật về phí và lệ phí và pháp luật khác có liên quan.
Về khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, quản lý, theo Quyết định, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức khai thác tài sản và quản lý, sử dụng số tiền thu được từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được giao theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Việc xử lý tài sản và quản lý, sử dụng số tiền thu được từ xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia thực hiện theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Quyết định cũng quy định rõ trình tự, thủ tục bàn giao, tiếp nhận để quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, quản lý giai đoạn đến hết năm 2030.
Cụ thể, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chủ trì rà soát, phân loại danh mục, khối lượng, giá trị tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia đang quản lý, sử dụng để lập hồ sơ đề nghị giao quản lý tài sản, trình Bộ Giao thông vận tải; chủ trì xây dựng giá quy ước để hạch toán tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia đối với những tài sản chưa có nguyên giá, giá trị còn lại theo sổ sách, trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt; báo cáo tình hình quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia tính đến thời điểm thực hiện thủ tục bàn giao theo quy định của pháp luật.
Bộ Giao thông vận tải tổ chức kiểm tra hồ sơ đề nghị giao quản lý tài sản và thực hiện các thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, quản lý theo quy định của pháp luật; chỉ đạo tổ chức, kiểm tra, giám sát việc thực hiện bàn giao, tiếp nhận tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và quy định của pháp luật.