Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, trong số những giải pháp đồng bộ quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, giải pháp “Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng” là quan trọng nhất để thay đổi cục diện thị trường vàng miếng sau 12 năm triển khai thực hiện. Không còn tình trạng bất ổn thị trường vàng như giai đoạn trước, tình trạng “vàng hóa” đã được hạn chế, biến động của giá vàng ít tác động đến tỷ giá chính thức, thị trường ngoại tệ và kinh tế vĩ mô trong nước.
Bộ Công an đánh giá đây là biện pháp để kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất vàng miếng, lượng cung vàng miếng trên thị trường và ngăn chặn tình trạng sản xuất vàng miếng từ vàng nguyên liệu nhập lậu.
Một số thay đổi đáng kể trên thị trường vàng miếng do triển khai Nghị định 24 đã được Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà điểm lại. Đó là thị trường vàng miếng được sắp xếp lại một cách căn bản, trật tự, kỷ cương trên thị trường được xác lập, mạng lưới kinh doanh mua, bán vàng miếng được kiện toàn theo hướng thu hẹp dần từ khoảng 12.000 doanh nghiệp và cửa hàng kinh doanh vàng xuống còn 37 tổ chức tín dụng và doanh nghiệp với hơn 2.600 địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng trên toàn quốc. Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng trên thị trường diễn ra thông suốt, ổn định, quyền lợi hợp pháp của người dân được đảm bảo…
Thị trường vàng trang sức mỹ nghệ đã được tổ chức, sắp xếp lại, sàng lọc các doanh nghiệp làm ăn chân chính, đáp ứng yêu cầu chặt chẽ về tiêu chuẩn đo lường, đảm bảo chất lượng sản phẩm theo quy định, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất với mô hình công nghệ hiện đại, năng lực sản xuất tiếp cận thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại chênh lệch cao giữa giá vàng miếng SJC so với các loại vàng miếng khác, vàng trang sức mỹ nghệ 99,99% và giá vàng quốc tế. Mặc dù giải pháp Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng là giải pháp quan trọng để kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, nhưng từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước chưa tổ chức đấu thầu bán vàng miếng tăng cung trên thị trường. Do vậy, sau gần 10 năm, nguồn cung vàng miếng SJC trên thị trường hạn chế có thể là một trong những nguyên nhân khiến chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và quốc tế duy trì ở mức cao.
Ngân hàng Nhà nước đề xuất thay đổi phương án sản xuất vàng miếng, bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện cấp hạn mức sản xuất vàng miếng trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô. Việc xóa bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng sẽ phù hợp với kinh nghiệm quốc tế, tăng cung vàng miếng trên thị trường, giải quyết được vấn đề chênh lệch giá.
Các ý kiến tại cuộc họp cho rằng, cần kịp thời sửa đổi, bổ sung chính sách, đánh giá tổng thể chính sách, thị trường vàng, công tác quản lý khuôn sản xuất vàng SJC. Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Thị Thu Vân, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới rất lớn, phải có giải pháp ổn định thị trường.
Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ đã chỉ đạo Công an các địa phương tăng cường đấu tranh với các hoạt động buôn lậu vàng, xử lý triệt để vi phạm. Giá vàng SJC liên tục biến động cho thấy hoạt động này nhiều bất ổn, không đảm bảo mục đích ổn định thị trường vàng. Cần kịp thời sửa đổi, bổ sung chính sách mà Nghị định 24 là trọng tâm, xây dựng cơ chế can thiệp để ổn định thị trường, bổ sung quy định về biên độ chênh lệch; đánh giá lại công tác quản lý khuôn sản xuất vàng SJC và phương án quản lý khuôn vàng miếng này.
Thứ trưởng khẳng định Bộ Công an sẽ thực hiện nghiêm Công điện 23/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường biện pháp quản lý thị trường vàng vừa được ban hành trưa 20/3.
Nêu con số biến động giá vàng, giá vàng miếng SJC do Ngân hàng Nhà nước quản lý có tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng của thế giới, chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới cũng cao, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, nếu không có giải pháp kịp thời xử lý biến động thị trường vàng sẽ ảnh hưởng đến phục hồi và phát triển kinh tế, các cân đối lớn của nền kinh tế. Đây là vấn đề Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành rất quan tâm. Từ tháng 6/2022 đến nay, lãnh đạo Chính phủ đã có 9 văn bản chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước liên quan đến thị trường vàng.
Ngân hàng Nhà nước có nhiều cố gắng nhưng chưa có báo cáo Chính phủ kịp thời, đầy đủ. Trong tuần này, Ngân hàng Nhà nước phải có thông tin phản hồi, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kịp thời.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cơ chế chính sách là rất quan trọng, phải đánh giá tác động đầy đủ mới đề xuất sửa đổi Nghị định 24 được. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi thị trường, nghiên cứu các ý kiến để hoàn thiện nội dung báo cáo trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo. Giá vàng trong nước chênh lệch cao so với giá vàng thế giới, có thể dẫn đến phát sinh nhiều hệ lụy như buôn lậu, gian lận, khiến việc quản lý ở các cửa khẩu phức tạp, gây áp lực lên ngoại tệ.
Ngân hàng Nhà nước chủ động có phản ứng chính sách nhanh hơn, kịp thời, hiệu quả hơn, xử lý tình hình bức xúc hiện nay; có giải pháp trước mắt và lâu dài quản lý bình ổn thị trường vàng. Trước mắt, Ngân hàng Nhà nước đánh giá cung cầu thị trường, diễn biến giá vàng trong và ngoài nước, các đơn vị trong chuỗi cung ứng để có động thái kịp thời xử lý những nguyên nhân dẫn đến thị trường biến động.
Về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước đánh giá tổng thể các giải pháp quản lý hiện nay, nhất là quy định trong Nghị định 24, để có điều chỉnh kịp thời, phù hợp. Việc có mở rộng cấp phép sản xuất vàng miếng hay không phải phân tích, đánh giá rất kỹ các tác động đối với tỷ giá, ngoại hối, kinh tế vĩ mô, tâm lý người dân. Chính sách phải góp phần ổn định thị trường vàng trong nước, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường ngoại tệ.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đặc biệt lưu ý Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nội dung Công điện 23; chú ý công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, vận hành của tổ chức kinh doanh vàng, chống buôn lậu, thẩm lậu qua biên giới; đảm bảo quản lý thị trường vàng chặt chẽ, phù hợp với yêu cầu thực tế, an toàn, lành mạnh, hiệu quả.