Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với 424/426 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành. Đây là Nghị quyết quan trọng, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội khi mà người dân bị tác động và các doanh nghiệp, tổ chức xã hội gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra.
Để Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được triển khai hiệu quả, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần chú trọng đến đảm bảo an sinh xã hội; ưu tiên hỗ trợ, giải quyết việc làm cho lao động từ các vùng có dịch bệnh COVID-19 trở về quê hương. Nghị quyết cần được triển khai hiệu quả, đúng đối tượng, góp phần phục hồi kinh tế-xã hội nhanh chóng, cần đảm bảo an sinh xã hội và chú trọng đến hỗ trợ, giải quyết việc làm cho lao động, đặc biệt ưu tiên tới giải quyết việc làm cho lao động từ các vùng có dịch bệnh COVID-19 trở về quê hương.
Ông Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc khóa XV, đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, cho rằng việc chi cho vấn đề hỗ trợ, giải quyết việc làm gồm nhiều hạng mục như: Xây dựng các trung tâm bảo trợ việc làm, đầu tư cơ sở vật chất cho đào tạo nghề cần được chú trọng từ bây giờ. Bởi vì nhiều lao động từ các vùng dịch trở về quê hương cần được đào tạo nghề hoặc được học lại nghề để thích ứng với điều kiện, nhu cầu việc làm ở ngay tại đó.
Mặt khác, các nhà máy, doanh nghiệp thiếu lao động thì cũng cần được hỗ trợ để có hướng đào tạo cho phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Theo đó, các doanh nghiệp, nhà máy có thể tổ chức đào tạo nghề dài hạn hoặc ngắn hạn nhằm tạo được việc làm cho lao động cũng như để lao động thích nghi với công việc theo yêu cầu. Mặt khác, họ có thể tận dụng cơ sở vật chất của trường nghề đã có sẵn ở địa phương để hướng cho lao động vào học nghề, học lại nghề trước khi vào làm việc tại nơi làm việc của mình.
Đồng quan điểm này, ông Đinh Ngọc Minh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho rằng: Phải tập trung tạo được việc làm thì mới phục hồi nhanh được nền kinh tế. Theo đó, những doanh nghiệp, ngành nghề, lĩnh vực sử dụng nhiều lao động phải được ưu tiên hỗ trợ để tránh đứt gãy nền kinh tế. Ví dụ như doanh nghiệp chế biến nông, lâm sản, du lịch, may mặc có lực lượng lao động rất lớn thì chính sách phải khác, tách biệt so với doanh nghiệp bất động sản. Chính sách hỗ trợ về thuế mạnh hơn cho các doanh nghiệp có nhiều lao động để cho họ phục hồi sản xuất nhanh hơn, khôi phục và tạo được nhiều việc làm hơn.
Còn ông Lâm Văn Đoan, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng lại đặc biệt dành sự quan tâm đến chính sách việc làm công. Theo đó, các gói chính sách về việc làm công rất phổ biến trong thời kỳ khủng hoảng nhằm phục hồi nền kinh tế và tạo việc làm cho người dân. Thực tế, chính sách việc làm công đã có trong Luật Việc làm từ năm 2013. Tuy nhiên, chính sách này lại rất cần thiết ở trong các chương trình mục tiêu quốc gia và cũng cần được quan tâm, tổ chức thực hiện.
Do vậy, trong quá trình thực hiện các giải pháp của chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội cần quan tâm chính sách phát triển việc làm công để thúc đẩy việc làm tại các khu vực nông thôn - nơi có lực lượng lao động dư thừa cũng như là luồng lao động từ đô thị về nông thôn hiện nay. Bên cạnh đó, nhiều lao động ở lại nông thôn cũng rất cần có một chương trình để hỗ trợ, tạo việc làm từ các vùng dịch trở về quê hương làm việc. Điều này góp phần phục hồi sự phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo an ninh quốc phòng.
Theo đại biểu Lâm Văn Đoan, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số vào những tháng của Quý I của năm 2022. Nếu tiến độ giải ngân nhanh chóng thì sẽ mang lại hiệu quả cùng với các chính sách về tài chính, tiền tệ, tạo ra hiệu ứng rất tốt trong việc tạo việc làm, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và xây dựng cơ sở hạ tầng đầu tư phát triển ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số.