Tới dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng các lãnh đạo bộ ngành Trung ương, Hà Nội và Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Mở đầu buổi lễ là màn trình diễn nghệ thuật thực cảnh mang đậm đặc trưng văn hóa truyền thống của vùng đất Phật chùa Hương, kết hợp với văn minh lúa nước vùng đồng bằng sông Hồng. Chương trình được dàn dựng công phu với sự tham gia của 500 người dân và nghệ sĩ.
Đây cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam, một tác phẩm thực cảnh quy mô lớn được thực hiện trên mặt nước thiên nhiên với gần 100 con đò chở người và hoa đăng tạo nên bức tranh sống động về con người, cảnh sắc Hương Sơn.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định: Lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với Di tích lịch sử và quần thể danh lam thắng cảnh Hương Sơn - chùa Hương thể hiện niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân huyện Mỹ Đức và thành phố Hà Nội.
Càng ý nghĩa hơn khi Lễ đón nhận diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 130 năm thành lập huyện Mỹ Đức và kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Chùa Hương. Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thủ đô quyết tâm bảo vệ, phát huy giá trị Khu Di tích để phát triển nơi đây không chỉ là điểm đến hấp dẫn về du lịch văn hóa tâm linh mà còn là địa chỉ giáo dục về lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, bảo vệ môi trường. Bí thư Thành ủy Hà Nội chúc mừng Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân huyện Mỹ Đức với 3 niềm vui lớn hội tụ trong ngày hôm nay.
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao Bằng xếp hạng Di tích lịch quốc gia đặc biệt tới lãnh đạo UBND huyện Mỹ Đức và nhà chùa.
Quần thể Hương Sơn - chùa Hương bao gồm chùa, động thờ Phật, đền thờ thần theo tín ngưỡng nông nghiệp bản địa gắn với Phật giáo đạo tràng, nơi tu hành đắc đạo của Bồ Tát Quán Thế Âm. Quần thể Hương Sơn - chùa Hương được xây dựng từ thời vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497), đã trải qua 11 đời tổ sư. Những năm 1947, 1948, 1950, khu vực chùa Thiên Trù bị Pháp đốt phá và ném bom.
Quần thể Hương Sơn - chùa Hương luôn được Nhà nước, nhân dân địa phương, khách thập phương và nhà chùa tu bổ, sửa chữa. Đến nay, quần thể Hương Sơn - chùa Hương vẫn giữ nguyên giá trị về lịch sử và danh thắng, luôn có sức thu hút mạnh mẽ đối với du khách trong và ngoài nước.
Mỗi năm có hàng triệu người đến đây chiêm bái Thánh tích. Gần 6 thế kỷ qua, quần thể Hương Sơn - chùa Hương đã góp phần làm nên văn hóa đặc sắc của đạo Phật Việt Nam.
Cách đây tròn 60 năm, ngày 18/5/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm quần thể Hương Sơn – chùa Hương. Người căn dặn: Chùa Hương là nơi cảnh đẹp, phải biết quý trọng, giữ gìn để con cháu thưởng thức, thêm yêu quê hương, đất nước.
Làm theo lời dạy của Người, cán bộ, nhân dân Hương Sơn nói riêng và huyện Mỹ Đức nói chung đã thường xuyên chăm lo giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị quý báu của cha ông để lại. Ngày 25/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với thắng cảnh Hương Sơn – chùa Hương.
Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt cho biết, với chặng đường 130 năm thành lập huyện Mỹ Đức, 10 năm hợp nhất huyện về với Thủ đô Hà Nội, huyện Mỹ Đức đã đóng góp sức người sức của cho các cuộc chống giặc ngoại xâm, giải phóng đất nước.
Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân huyện Mỹ Đức tự hào với thành tựu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Huyện vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý...