Dự và chỉ đạo Hội thảo có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cùng lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh và Đoàn đại biểu Quốc hội một số địa phương.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần có cách làm hiệu quả và thống nhất về mặt nhận thức trên tinh thần bám sát các chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Trong đó, về ngành nghề và các chính sách ưu đãi, đòi hỏi cơ quan, đơn vị, địa phương phải phối hợp rà soát chỉ đạo theo hướng phát triển những ngành, nghề, lĩnh vực chủ đạo phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới, tiềm năng, lợi thế so sánh, điều kiện thực tế của từng địa phương.
Đảo Cái Bầu (Khu Kinh tế Vân Đồn) là đảo trung tâm, giàu nguồn tài nguyên cho phát triển du lịch sinh thái chất lượng cao. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN |
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu lấy mô hình kinh tế hướng ngoại làm mục tiêu phát triển; có công nghệ cao, kinh tế số, kinh tế tri thức, chống biến đổi khí hậu, ngân hàng, tài chính, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí...
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính yêu cầu, chính sách ưu đãi về kinh tế - xã hội phải được quy định trong Luật, bảo đảm tính vượt trội, đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế.
Về xây dựng hệ thống chính trị tại các đặc khu, cần thực hiện trên nguyên tắc bảo đảm và tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; đồng thời phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội, quyền làm chủ của nhân dân, bám sát Cương lĩnh, Hiến pháp, Điều lệ của Đảng, nghị quyết, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước…
Dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, sẽ được Quốc hội xem xét quyết định tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới. Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ một số nội dung liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, tên gọi, bố cục của Luật; quy hoạch đặc khu; cơ chế chính sách; tổ chức bộ máy và chính quyền đặc khu…
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành đề nghị: Bổ sung điều khoản chuyển tiếp quy định cụ thể đối với các quy hoạch đã và đang được lập trên bản đồ đặc khu vì hiện nay các địa phương đang triển khai lập 2 quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch chung xây dựng của đặc khu.
Tham gia ý kiến đối với danh mục ngành nghề ưu tiên phát triển tại đặc khu Vân Đồn được quy định tại Phụ lục 1 dự Luật này, ông Thành đề nghị, bổ sung các cụm từ “logistics”, “dịch vụ” “tài chính quốc tế” và chỉnh sửa thành: “Tại đặc khu Vân Đồn ưu tiên phát triển công nghiệp, công nghệ cao; du lịch và công nghiệp văn hóa; cảng hàng không, cảng biển, logistics, thương mại, dịch vụ tài chính quốc tế ”…
Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng Bùi Thanh Tùng cho rằng: Những chính sách ưu tiên phải nêu rõ trong Luật, nhất là vấn đề liên quan đến tài chính, ngân hàng, quản lý tài sản, vì đây là nội dung rất quan trọng để phát triển. Ngoài ra, ở đặc khu, cơ chế quản lý đất đai cũng cần có cơ chế, chính sách riêng…
Cũng tại hội thảo, các vấn đề khác như thu hồi đất, quyền hạn của Chủ tịch UBND đặc khu, Hội đồng nhân dân đặc khu… cũng được các đại biểu cho ý kiến và tranh luận sôi nổi. Các đại biểu cho rằng, đây là những chính sách mới, nhạy cảm, vì vậy mong muốn Quốc hội xem xét một cách kỹ lưỡng trước khi dự án Luật được bấm nút thông qua vào Kỳ họp tới.
Từ năm 2012, tỉnh Quảng Ninh đã bắt đầu nghiên cứu đề án thành lập Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn một cách công phu, thận trọng, trải qua nhiều hội nghị, hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, tư vấn nước ngoài và ý kiến tham gia, thẩm định của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép thuê các đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội và Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn theo định hướng của Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.
Trong quá trình xây dựng Đề án, Quảng Ninh đã chủ động, sáng tạo trong huy động nguồn lực, nhất là nguồn lực ngoài ngân sách để nhanh chóng cải thiện hạ tầng giao thông kết nối vùng, giao thông nội khu, đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khác, tập trung vào các công trình động lực, tạo nền tảng cho sự phát triển Khu kinh tế Vân Đồn.