Ban Chỉ đạo tiếp tục quản lý, vận hành hệ thống quản lý thông tin hoạt động bom mìn sau chiến tranh; thu thập, xử lý và cập nhật dữ liệu hoạt động của các tổ chức vào cơ sở dữ liệu hoạt động bom mìn; thực hiện báo cáo thông tin hoạt động bom mìn lên cơ sở dữ liệu hành động bom mìn quốc gia; cải tiến công nghệ thông tin nhằm tăng cường năng lực điều phối khắc phục hậu quả bom mìn.
Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đề xuất hỗ trợ hoàn thành khảo sát bom mìn tại các địa bàn còn lại, hướng tới mục tiêu hoàn thành 100% khảo sát vào năm 2026 - 2027 và lập bản đồ hoàn chỉnh các khu vực khẳng định ô nhiễm bom mìn. Quảng Trị hướng đến mục tiêu là “tỉnh an toàn” với bom mìn còn sót lại sau chiến tranh vào năm 2025.
Bom chùm còn sót lại sau chiến tranh có độ sát thương rất lớn. Từ năm 2015 đến tháng 4/2023, Tổ chức Viện trợ nhân dân Na Uy (NPA) đã hoàn thành khảo sát dấu vết bom đạn chùm tại tất cả khu vực tiếp cận được ở Quảng Trị. Theo đó, Tổ chức này đã xác định được 1.270 khu vực nguy hiểm với tổng diện tích đất 615 km2 nhiễm bom đạn chùm; trong đó có 173 km2 đã được các tổ chức phi chính phủ quốc tế và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị rà phá, 442 km2 còn lại đang tiếp tục được xử lý. Qua đó đã thiết lập bản đồ các khu vực khẳng định nguy hiểm trên toàn tỉnh, xác định tất cả khu vực được khẳng định ô nhiễm bom mìn, vật nổ cần được tiến hành rà phá. Công tác này giúp các bên liên quan có cái nhìn tổng thể về tình hình ô nhiễm bom mìn, vật nổ ở Quảng Trị nhằm hỗ trợ lập kế hoạch hiệu quả các nguồn lực rà phá.
Từ năm 1975 đến nay, bom mìn và vật liệu nổ đã gây thương vong cho hơn 8.540 người; trong đó có 3.432 người chết, còn lại là bị thương. Đặc biệt, trong tổng số người bị thương vong do bom mìn, trẻ em dưới 16 tuổi chiếm 31%.