Lập pháp là quyền thiêng liêng và riêng có của Quốc hội nước ta. Chặng đường phát triển vẻ vang 75 năm qua, có thể thấy, Quốc hội luôn thể hiện sự nỗ lực không ngừng để góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý vững chắc và đồng bộ để đất nước phát triển và hội nhập.
Hướng mạnh vào công tác lập pháp
Nêu rõ những công việc trong việc thực thi quyền lập pháp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: “Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật; sớm xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Ưu tiên xây dựng mới, bổ sung các đạo luật ở các lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, có tính khả thi cao, tạo sự bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội.”
Trong phát biểu nhậm chức, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: Không ngừng nâng cao chất lượng công tác lập pháp và kỷ luật, kỷ cương quy trình lập pháp…
Lĩnh hội những định hướng cụ thể của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại cuộc gặp mặt phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí ngay sau khi hoàn thành công tác nhân sự nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã một lần nữa đề cập sâu sắc nội dung đổi mới trong hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ XV. Và một trong những trọng tâm đổi mới được người đứng đầu Quốc hội nhấn mạnh đó chính là công tác lập pháp.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định phải nâng cao chất lượng công tác lập pháp, siết chặt kỷ luật, kỷ cương lập pháp, gắn với trách nhiệm của từng cơ quan, người đứng đầu. Nhấn mạnh: Mục tiêu mà Quốc hội luôn luôn theo đuổi là phải xây dựng được một hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, ổn định, khả thi và đáp ứng được yêu cầu kiến tạo phục vụ đất nước phát triển bền vững cũng như hội nhập quốc tế, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải khắc phục cho được tình trạng “luật khung”, “luật ống”, nhưng cũng phải khắc phục cho được xu hướng quy định quá chi tiết, đóng cứng trong luật cả những vấn đề thực tiễn chưa rõ, làm cho “tuổi thọ” của luật không lâu.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hệ thống pháp luật trước hết phải cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, thể chế hóa kịp thời các chủ trương của Đảng tại Đại hội XIII với rất nhiều điểm mới; đồng thời cần rà soát để phát hiện vướng mắc, chồng chéo, bất cập trong quy định của pháp luật, bao gồm cả luật và nghị định, thông tư và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Hiện Đảng đoàn Quốc hội đang chỉ đạo xây dựng đề án định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nhiệm kỳ 5 năm, trên cơ sở đó sẽ xem xét, quyết định kế hoạch từng năm để bảo đảm tính chủ động, dẫn dắt của Quốc hội nhiều hơn trong công tác lập pháp.
Nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm hoạt động lập pháp của Quốc hội trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ “Tiếp tục đổi mới quy trình lập pháp, mở rộng dân chủ trong xây dựng pháp luật để các quy định của luật có tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, có căn cứ khoa học; bảo đảm công khai, dân chủ trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình xây dựng và thẩm tra luật”. Đây cũng chính là những đường hướng cụ thể để Quốc hội nhiệm kỳ khóa mới cụ thể hóa trong thực hiện quyền năng lập pháp, hướng tới mục tiêu cao nhất “hoàn thiện hệ thống pháp luật góp phần xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta”.
Đây cũng là vấn đề cử tri quan tâm, đề xuất trong báo cáo gửi tới Kỳ họp thứ nhất, trong đó nhấn mạnh việc xây dựng chính sách pháp luật cần phải coi trọng thực tiễn, có chiến lược lâu dài, hạn chế tối đa việc mới ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung.
Kế thừa và phát triển
Vấn đề tiếp tục đổi mới trong hoạt động lập pháp là sự kế thừa quan điểm, tư tưởng của các nhiệm kỳ trước đó. Ngay sau khi được kiện toàn tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các lãnh đạo Quốc hội đã liên tục có các buổi làm việc với cơ quan của Quốc hội nhằm lắng nghe ý kiến, đề xuất của các cơ quan của Quốc hội về đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Tại nhiệm kỳ XV, nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, trong đó có những chủ trương đã có từ các kỳ đại hội trước nhưng tiếp tục được thực hiện với tư duy mới, tầm nhìn mới, cần chú trọng rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật đã có trên tinh thần bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật cả về tổ chức bộ máy nhà nước, về kinh tế, quyền công dân, quyền con người... theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ.
Trao đổi về những nội dung cần tập trung trong công tác lập pháp của Quốc hội thời gian tới, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp đặc biệt quan tâm đến những định hướng rất cấp bách và cụ thể mà công tác lập pháp cần đặc biệt quan tâm, các cơ quan chức năng cần khẩn trương nghiên cứu và xây dựng các dự án luật cụ thể để thể chế hóa kịp thời những định hướng chính sách lớn, quan trọng với những yêu cầu mới, phục vụ cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Để thực hiện được nhiệm vụ hoàn thiện thể chế thời gian tới, đại biểu Đồng Ngọc Ba (Bình Định) cho rằng, vấn đề cần đặt lên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay là tăng cường năng lực đội ngũ công chức làm công tác xây dựng pháp luật, trước hết là đội ngũ pháp chế, chuyên trách ở các bộ, ngành và chính quyền cấp tỉnh...
Để pháp luật có tính khả thi, cùng với việc xây dựng, ban hành pháp luật, công tác bảo đảm trong thực thi pháp luật cũng là nội dung rất được chú trọng.
Chính vì vậy, trong Chỉ thị số 43 về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật.
Chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 6/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh, các bộ trưởng, người đứng đầu các cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc công tác xây dựng thể chế và thực thi pháp luật; phân công, phân cấp rõ ràng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện... có như vậy, pháp luật được ban hành mới đi vào cuộc sống.
Đổi mới để phát triển. Trong nhiệm kỳ khóa XV, việc tiếp tục tập trung đổi mới trong công tác lập pháp đã được định hướng rất rõ nét và sẽ được tiếp tục cụ thể hóa trong hoạt động toàn khóa, hướng tới mục tiêu tạo cơ sở pháp lý vững chắc và đồng bộ để đất nước phát triển và hội nhập./.
Bài 4: Nâng cao hiệu quả giám sát tối cao