Clip Họp báo giới thiệu về Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV:
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Vũ Minh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, theo chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ khai mạc vào ngày 20/10 và bế mạc vào ngày 13/11.
Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, kỳ họp thứ 2 của Quốc hội được tổ chức theo hình thức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung, chia thành 2 đợt.
Đợt 1, Quốc hội họp trực tuyến 11 ngày qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đại biểu Quốc hội ở địa phương nào sẽ tham dự ở điểm cầu tại địa phương đó; đại biểu Quốc hội công tác tại các cơ quan Trung ương (bao gồm cả Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội) tham dự tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.
Đợt 2, Quốc hội họp tập trung 6 ngày tại Nhà Quốc hội.
Ngoài ra, dự phòng phương án nếu dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trong cả nước thì sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc phải họp trực tuyến cả kỳ, nhưng bố trí đợt 2 liền mạch với đợt 1 để kỳ họp kết thúc sớm, tạo điều kiện cho Chính phủ, các địa phương tập trung thời gian cho công tác phòng, chống dịch.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, thông qua 2 dự án luật, 5 dự thảo Nghị quyết (theo quy trình tại một kỳ họp), xem xét, cho ý kiến đối với 5 dự án luật. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian để xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Trả lời báo chí tại cuộc họp báo về vấn đề giám sát của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết: Trong Kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành thời gian 2,5 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn. Việc quyết định nhóm chất vấn và người chất vấn là thẩm quyền của Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Đến nay, có 59 nhóm vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm; trong đó nhóm tiêu chí được đưa ra là những vấn đề nổi lên trong xã hội, những vấn đề bức xúc được nhân dân và cử tri quan tâm.
Cũng theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, việc cải cách tiền lương là vấn đề quan trọng, tác động đến đời sống của cán bộ công chức, viên chức. Theo Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII có sự chuẩn bị chu đáo, tuy nhiên do thời gian vừa qua dịch COVID-19 đã tác động đến kinh tế -xã hội, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, ngân sách phải chi nhiều cho công tác phòng, chống dịch…
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, việc tăng lương theo lộ trình là cần thiết, song do bối cảnh dịch bệnh, việc đầu tư phát triển, cho an sinh xã hội của người dân cần hơn. Cho nên cán bộ, công chức, viên chức cũng đồng thuận theo Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII khi quyết định lùi thời hạn cải cách tiền lương đến thời điểm thích hợp.
Cũng tại cuộc họp báo, ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết: Ban Chấp hành Trung ương, đã chuẩn bị rất kỹ các giải pháp để tạo nguồn lực cho cải cách tiền lương, như cơ cấu thu chi, ngân sách để đảm bảo nguồn thu bền vững; thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước trong đầu tư xây dựng cơ bản; quyết liệt thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng; tăng cường quản lý để nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước, tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên hàng năm... Nhìn chung các vấn đề trên đều thực hiện, nếu so với yêu cầu cũng chưa đủ nguồn lực. Bên cạnh đó, đề án vị trí việc làm, tinh giản biên chế, bộ máy cũng phải song hành, nhưng chúng ta chưa thực hiện đạt như mong muốn.
“Chính vì thế các điều kiện cần thiết để đáp ứng yêu cầu cải cách tiền lương chưa làm được. Bên cạnh đó, nguồn lực của quốc gia gần như đã đầu tư cho chống dịch COVID-19”, ông Đặng Thuần Phong cho hay.