Quốc hội sẽ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em

Sáng 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của QH, Ủy ban Thường vụ QH năm 2020.

Chú thích ảnh
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp.

Trên cơ sở kết quả lựa chọn của đại diện các cơ quan của QH, lãnh đạo các Ban của Ủy ban Thường vụ QH, Tổng Thư ký QH đã trình Ủy ban Thường vụ QH ba nội dung chuyên đề để giám sát trong năm 2020. Sau khi thảo luận, các đại biểu đã lựa chọn 2 chuyên đề để báo cáo trước QH.

Cụ thể: Chuyên đề 1 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em. Chuyên đề 2 là việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên (FTA).

Phát biểu về nội dung giám sát chuyên đề của QH trong năm 2020, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cho rằng: Việc đưa vấn đề bảo vệ trẻ em vào giám sát là cần thiết. Bởi thời gian vừa qua nổi lên rất nhiều vấn đề như bạo lực học đường, tình trạng xâm phạm, quấy rối tình dục trẻ em… gây bức xúc dư luận xã hội.  

“Việc giám sát quyền trẻ em ở đây phải nhìn nhận ở lĩnh vực tư pháp và mở rộng ra những vấn đề có liên quan, cần có sự chuẩn bị nội dung của Ủy ban Tư pháp của QH thực hiện và Ủy ban Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH phối hợp cùng chủ trì”, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đề nghị.

Đồng tình việc giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng: Việc lựa chọn này là hợp lý và nên chọn việc giám sát nhìn ở góc độ tư pháp, bởi nó liên quan đến chính sách pháp luật bảo vệ trẻ em thời gian qua như thế nào và cần đặt ra các vấn đề khác có liên quan ra sao.  

 

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp.

Theo Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc, năm 2020 là năm các địa phương sẽ tiến hành tổ chức Đại hội đại biểu Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đồng thời, năm 2020 cũng là năm cuối nhiệm kỳ QH khóa XIV. Theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND, tại kỳ họp cuối năm của năm cuối nhiệm kỳ, QH sẽ tiến hành giám sát lại việc thực hiện các nghị quyết của QH về chất vấn, giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm đó.

Việc lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề được dựa trên các tiêu chí là: Vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, được đại biểu QH, cử tri và nhân dân quan tâm; gắn với việc xây dựng, thi hành pháp luật; không trùng với các chuyên đề giám sát đã được QH, Ủy ban Thường vụ QH tiến hành giám sát trong thời gian 18 tháng, tính đến thời điểm đề xuất; bảo đảm cân đối, phù hợp giữa các lĩnh vực; phạm vi giám sát phù hợp với điều kiện thực hiện của các cơ quan của QH.

Kết luận phiên họp về nội dung dự kiến Chương trình giám sát của QH, Ủy ban Thường vụ QH năm 2020, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ đã tổng hợp các ý kiến phát biểu và đều thống nhất với Tờ trình của Tổng thư ký QH. Về tổng thể, chương trình giám sát của QH năm 2020 là phù hợp.

Cũng trong phiên họp buổi sáng, Ủy ban Thường vụ QH cũng đã cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7 của QH khóa XIV. Theo dự kiến, chương trình Kỳ họp thứ 7 sẽ diễn ra trong thời gian 20 ngày, bắt đầu từ ngày 20/5 và sẽ kết thúc vào 13/6/2019.
Tin, ảnh: Viết Tôn/Báo Tin tức
Dự thảo luật cấm ép người khác sử dụng rượu, bia
Dự thảo luật cấm ép người khác sử dụng rượu, bia

Sáng 12/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã được thảo luận tại Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự thảo Luật có nêu rõ một trong các hành vi bị nghiêm cấm là ép buộc phụ nữ mang thai và người khác sử dụng rượu, bia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN