Quốc hội thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2013

Tiếp tục kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII, chiều 10/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 và thảo luận về việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.

 

Tăng lương tối thiểu từ 1/7/2013


Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, Quốc hội biểu quyết thông qua với số 90,96% số đại biểu có mặt tán thành.


 

Đại biểu Quốc hội Hà Sơn Nhin (Gia Lai). Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Theo Nghị quyết của Quốc hội, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 816.000 tỷ đồng; tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 978.000 tỷ đồng. Mức bội chi ngân sách nhà nước là 162.000 tỷ đồng, tương đương 4,8% tổng sản phẩm trong nước (GDP).


Quốc hội giao Chính phủ: Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, thận trọng, cơ cấu lại các khoản thu, chi, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; tạo điều kiện huy động, khai thác tích cực các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển, phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế… Bên cạnh đó, quản lý chặt chẽ các khoản chi, bảo đảm theo đúng dự toán đã được phê duyệt; chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng... Tăng cường quản lý chi đầu tư xây dựng cơ bản, vốn trái phiếu chính phủ, chương trình mục tiêu quốc gia. Tập trung vốn cho trả nợ xây dựng cơ bản hoàn thành và các công trình, dự án hoàn thành trong năm 2013. Hạn chế khởi công mới các công trình, dự án; rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn, chỉ cho phép chuyển nguồn đối với một số khoản chi thật sự cần thiết theo đúng quy định của pháp luật.


Quốc hội cũng giao Chính phủ điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu từ 1,05 triệu đồng/tháng lên 1,15 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng tỷ lệ tăng lương tối thiểu từ ngày 1/7/2013.


Trên cơ sở tổng mức vốn trái phiếu chính phủ là 225.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2011-2015, căn cứ vào khả năng và hiệu quả sử dụng vốn, phát hành không quá 60.000 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ trong năm 2013, đồng thời, thu hồi số vốn trái phiếu chính phủ đã ứng trước của năm 2013...


Chính phủ cần rà soát lại hiệu quả sử dụng vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, bố trí hợp lý tỷ trọng vốn giữa chi sự nghiệp và chi đầu tư phát triển, ưu tiên cho các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Tích cực thu hồi các khoản tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, chỉ ứng trước vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ khi thực sự cấp bách. Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ và cơ cấu lại nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn; kiểm soát chặt chẽ các khoản vay về cho vay lại và bảo lãnh của Chính phủ.

 

Đồng tình thí điểm chế định Thừa phát lại đến 2015


Thảo luận về việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, đa số đại biểu Quốc hội đều đồng ý việc tiếp tục cho thực hiện chế định thừa phát lại ở TP Hồ Chí Minh và có thể mở rộng thêm ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác. Các đại biểu cũng nhất trí thời gian thực hiện thí điểm đến 2015 nhưng năm 2014 Chính phủ phải có tổng kết đầy đủ, báo cáo lại để Quốc hội xem xét, quyết định.

 

Thảo luận Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm


Trước đó, trong phiên thảo luận buổi sáng, các đại biểu Quốc hội tại hội trường đã đề cập đến nhiều góc độ trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.


 

Đại biểu Quốc hội Trương Thị Thu Trang (Tiền Giang). Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

 

Nhiều ý kiến nhấn mạnh đến nguyên tắc lấy tổ chức phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, tránh triệt để việc lợi dụng vào “lợi ích nhóm”, tư thù cá nhân và không để các thế lực thù địch lợi dụng, chống phá Đảng, Nhà nước, gây mất đoàn kết toàn dân.


Nêu quan điểm, việc lấy phiếu tín nhiệm phải đảm bảo việc đánh giá khách quan, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng: Mục đích lấy phiếu tín nhiệm phải duy trì tình đoàn kết với tinh thần cùng tiến bộ, không được trục lợi vào các mục tiêu cá nhân. Kết quả lấy phiếu phải công khai, minh bạch, thể hiện rõ sự lãnh đạo của Đảng và tính ổn định bộ máy Nhà nước. Ngoài trách nhiệm, người được lấy phiếu tín nhiệm phải chấp hành nhiệm vụ nơi cư trú. Việc lấy phiếu tín nhiệm cũng nhằm làm rõ thêm trách nhiệm cá nhân của người được lấy phiếu trước Quốc hội, HĐND, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy Nhà nước.


Các đại biểu Nguyễn Thị Khá, Hà Sơn Nhin, Đinh Thị Phương Khanh (Long An), Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) và nhiều đại biểu khác lập luận, mỗi đại biểu được cử tri bầu ra phải thể hiện trách nhiệm dân chủ đại diện cho nhân dân, phải có chính kiến trước mỗi vấn đề được nhân dân quan tâm.


Các đại biểu kiến nghị chỉ nên quy định ba mức độ đánh giá trong Nghị quyết bao gồm: Tín nhiệm cao, tín nhiệm trung bình, tín nhiệm thấp. Cũng có ý kiến đề xuất chỉ nên để hai mức độ: tín nhiệm, không tín nhiệm để đỡ phức tạp cho khâu kiểm phiếu, đồng thời bổ sung mức tỷ lệ phần trăm trên tổng số phiếu để làm cơ sở đánh giá, vì quy định thế nào là mức tín nhiệm trung bình, cao, thấp khó kiểm định thực thi trên thực tế. Việc quy định mức độ tín nhiệm cũng cần phải đảm bảo tính thống nhất ở cả Quốc hội và HĐND.


Lập luận việc lấy phiếu tín nhiệm liên quan mật thiết đến sinh mệnh chính trị của đối tượng được lấy phiếu, các đại biểu cho rằng, cần tập hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, có sự kiểm định, kiểm chứng của các tổ chức, cơ quan có thẩm quyền trước khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm.


Nhiều đại biểu quan tâm đến nội dung phạm vi lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Nhiều ý kiến tán thành với quy định về phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm bao gồm toàn bộ những người do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn như trong dự thảo Nghị quyết. Quy định như vậy bảo đảm phù hợp với tinh thần của Nghị quyết trung ương 4. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị việc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm nên làm thí điểm, không nên tràn lan, tránh hình thức.


Cũng liên quan đến nội dung này, các đại biểu: Trương Thị Thu Trang, Vi Thị Hương (Điện Biên), Trần Minh Thống (Kiên Giang), Đinh Thị Phương Khanh, Triệu Là Pham (Hà Giang)… đề nghị không nên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên kiêm nhiệm công tác tại các Ủy ban, cơ quan của Quốc hội vì đa số những người này đều là người đứng đầu các cơ quan chuyên môn của các địa phương, ngành nên không thể có nhiều thời gian dành cho hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Do đó, không có căn cứ để đánh giá hiệu quả hoạt động.


Thanh Hòa - Quang Vũ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN