Luật gồm 6 chương, 101 điều, quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công.
Nguyên tắc quản lý đầu tư công, Luật quy định: Tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; Phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của đất nước và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch; Thực hiện đúng trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; Quản lý việc sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định đối với từng nguồn vốn; Bảo đảm đầu tư tập trung, đồng bộ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả và khả năng cân đối nguồn lực; Không để thất thoát, lãng phí; Bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư công.
Trước đó, ngày 3/6/2019, Tổng Thư ký Quốc hội đã xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về 3 vấn đề còn ý kiến khác nhau. Trên cơ sở ý kiến thảo luận tại hội trường và qua kết quả xin ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách phối hợp với Ban soạn thảo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý dự thảo Luật.
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trước Quốc hội sáng 13/6, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C (Điều 7 đến Điều 10), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu theo kết quả phiếu xin ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, giữ tiêu chí phân loại dự án như quy định của Luật Đầu tư công hiện hành.
Theo đó, dự án quan trọng quốc gia là dự án đầu tư độc lập hoặc cụm công trình liên kết chặt chẽ với nhau thuộc một trong các tiêu chí sau đây: Sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên; Ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường (bao gồm: nhà máy điện hạt nhân, sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50 héc-ta trở lên; rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 héc-ta trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển, bảo vệ môi trường từ 500 héc-ta trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 héc-ta trở lên); Sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500 héc-ta trở lên; Di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở các vùng khác; Dự án đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.
Về thời gian trình và phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn (Điều 60, 62), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu theo kết quả phiếu xin ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội. Cụ thể, khoản 1 Điều 60 quy định: "Tại kỳ họp cuối năm của năm thứ năm nhiệm kỳ Quốc hội, Chính phủ trình Quốc hội kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau để Quốc hội cho ý kiến về các nội dung theo quy định tại Điều 49 của luật này. Riêng kế hoạch đầu tư công năm đầu tiên của giai đoạn sau, căn cứ vào dự toán chi ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển của năm đầu tiên, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp này".
Đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn ở địa phương, chỉnh sửa tương ứng các quy định tại Điều 62 của dự thảo Luật về trình, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách địa phương, trước ngày 5/12 năm thứ năm của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước, Ủy ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân cùng cấp khóa trước cho ý kiến về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau. Ủy ban nhân dân căn cứ vào dự toán chi ngân sách địa phương cho đầu tư phát triển, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định kế hoạch đầu tư công năm đầu tiên của giai đoạn sau.
Về thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn, theo kết quả lấy ý kiến ngày 3/6, do không có phương án nào được trên 50% đại biểu lựa chọn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ cơ bản như quy định của Luật Đầu tư công hiện hành; đồng thời, chỉnh lý một số chi tiết để đảm bảo đồng bộ với Luật Ngân sách nhà nước.
Cụ thể, về thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên quy định Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư đối với: Chương trình mục tiêu quốc gia; Dự án quan trọng quốc gia theo khoản 1 Điều 17 của Luật Đầu tư công hiện hành và cũng trùng khớp với quy định của dự thảo Luật đã trình Quốc hội.
Về “Nội dung báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ cơ bản như quy định tại Điều 52 của Luật Đầu tư công hiện hành, chỉ bổ sung nội dung trình về “định hướng cơ cấu đầu tư theo ngành, lĩnh vực trong trung hạn” và tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn của từng Bộ, cơ quan trung ương và địa phương; tổng mức vốn của từng cơ quan, tổ chức được giao kế hoạch vốn đầu tư công tại khoản 2, khoản 4 Điều 49 của dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước về các lĩnh vực chi ngân sách nhà nước. Theo đó, hồ sơ trình Quốc hội cho ý kiến về kế hoạch đầu tư công trung hạn bao gồm các nội dung quy định tại Điều 49 của dự thảo Luật .
Liên quan đến quy trình, thời gian trình, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ quy trình, thủ tục như quy định tại Điều 65 của Luật Đầu tư công hiện hành, chỉ chỉnh lý về mặt thời gian để phù hợp với quy định Quốc hội khóa mới quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn mới.