Nhân dịp này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà đã trả lời phỏng vấn báo chí về ý nghĩa chuyến thăm đồng thời chia sẻ về dự kiến đề xuất của Việt Nam đóng góp cho AIPA-45.
Xin bà cho biết việc Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta tham dự AIPA-45 có ý nghĩa như thế nào?
Đại hội đồng AIPA-45 diễn ra trong bối cảnh ASEAN tiếp tục dành ưu tiên cao củng cố tiến trình xây dựng Cộng đồng, nỗ lực hoàn tất các Kế hoạch tổng thể 2025, cùng với đó, xây dựng 4 Chiến lược hợp tác về chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội và kết nối cho giai đoạn tiếp theo trên cơ sở các định hướng của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, hướng đến “ASEAN tự cường, năng động, sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm”.
Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2024, với chủ đề của năm “ASEAN: Thúc đẩy kết nối và tự cường”, Lào phát huy vai trò dẫn dắt, đưa vào triển khai các sáng kiến hợp tác trên ba trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội, đạt nhiều kết quả tích cực. ASEAN tiếp tục là điểm sáng về kinh tế với dự báo tăng trưởng năm 2024 là 4,6% và năm 2025 là 4,8%, vượt xa mức trung bình của thế giới. Tăng cường kết nối và liên kết giữa các nền kinh tế, ASEAN quyết tâm đẩy nhanh đàm phán các Hiệp định cả nội khối và giữa ASEAN với các đối tác. Hợp tác văn hóa - xã hội được tăng cường, chú trọng ứng phó các thách thức đang nổi lên như biến đổi khí hậu, môi trường, hướng mạnh vào các nhóm dễ bị tổn thương với nhiều hoạt động có ý nghĩa, ưu tiên tái cơ cấu chiến lược thu hẹp khoảng cách phát triển.
Trong bối cảnh đó, việc Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta tham dự AIPA-45 có ý nghĩa quan trọng, một mặt thể hiện sự tham gia chủ động, tích cực, đóng góp trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam cùng nghị viện các nước thành viên củng cố vai trò trung tâm, sự đoàn kết và thống nhất trong ASEAN, đẩy mạnh sự hợp tác nội khối, mở rộng quan hệ nhiều mặt với nghị viện các nước trong và ngoài khu vực; phát huy trách nhiệm, vai trò của AIPA đối với hòa bình, ổn định và phát triển, đồng thời đưa ra nhiều sáng kiến có giá trị nhằm chia sẻ và hỗ trợ Chính phủ các nước ASEAN giải quyết những vấn đề ưu tiên của khu vực. Mặt khác, thông qua việc chủ động, tích cực tham gia đóng góp thực chất vào nội dung của AIPA, thể hiện sự ủng hộ của Quốc hội Việt Nam đối với Quốc hội Lào đảm nhận thành công các trọng trách quốc tế trong năm 2024, trong đó có đảm nhận tốt vai trò Chủ tịch ASEAN/AIPA và tổ chức thành công Đại hội đồng AIPA-45.
Chủ đề của AIPA 45 là “Vai trò của Nghị viện trong việc tăng cường kết nối và tăng trưởng toàn diện của ASEAN”. Bà đánh giá như thế nào về việc lựa chọn chủ đề này?
Việc lựa chọn chủ đề của Đại hội đồng AIPA-45 lần này phù hợp với Chủ đề chung của ASEAN năm nay là “ASEAN: Thúc đẩy kết nối và tự cường”, nhấn mạnh đối thoại và tham vấn ASEAN, AIPA, Nghị viện các nước quan sát viên và đối tác của AIPA giúp tăng cường hợp tác đối tác và củng cố vị thế, vai trò trung tâm của ASEAN; thể hiện thông điệp xuyên suốt của AIPA và mong muốn của nước chủ nhà Lào với vai trò Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch AIPA nhằm tăng cường sự gắn kết giữa các nền kinh tế trong khu vực và giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy phát triển toàn diện và bền vững; củng cố cam kết chung triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, ứng phó kịp thời với những thách thức đang nổi lên và nắm bắt cơ hội để hướng tới một Cộng đồng ASEAN kiên cường, gắn kết, thịnh vượng và lấy người dân làm trung tâm.
Để đạt được hai trụ cột “kết nối” và “tăng trưởng toàn diện” này, các Nghị viện thành viên AIPA cần tạo dựng sức mạnh tổng hợp, đồng hành cùng Chính phủ các nước ASEAN thông qua việc tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực lập pháp, thúc đẩy kết nối trong khuôn khổ ASEAN và các khuôn khổ hợp tác khác vì mục tiêu tăng trưởng toàn diện của ASEAN.
Bà có thể chia sẻ về dự kiến đề xuất của Việt Nam để đóng góp cho AIPA-45 lần này?
Trên cơ sở chủ đề chung của Đại hội đồng, các vấn đề thuộc quan tâm của ta, phù hợp với xu thế của khu vực, Việt Nam dự kiến đề xuất 4 sáng kiến/Nghị quyết tại Hội nghị Nghị sỹ trẻ AIPA, Ủy ban Xã hội, Hội nghị Nữ Nghị sĩ AIPA, Ủy ban Kinh tế.
Cụ thể, Nghị quyết về “Tăng cường vai trò của nghị sỹ trẻ ASEAN trong việc triển khai Tuyên bố Hội nghị nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9 về thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo” khẳng định chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là xu thế tất yếu hiện nay; nhấn mạnh vai trò của giới trẻ và các nghị sỹ trẻ trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách, từ đó góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; khẳng định vai trò của văn hóa và đa dạng văn hóa là động lực của phát triển bền vững, đóng vai trò quan trọng trong quá trình giải quyết các thách thức hiện tại; khuyến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao vai trò của giới trẻ trong thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo…
Nghị quyết về “Tăng cường quyền, phúc lợi xã hội và cơ hội việc làm cho người cao tuổi trong khu vực ASEAN” khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường quyền, phúc lợi và cơ hội việc làm cho người cao tuổi; nhấn mạnh việc phát triển các chính sách và chương trình hỗ trợ người cao tuổi sẽ góp phần vào sự phát triển bền vững của khu vực; kêu gọi các quốc gia thành viên ASEAN ưu tiên bố trí nguồn lực, phát triển và triển khai các chính sách, chương trình nhằm cải thiện phúc lợi xã hội cho người cao tuổi; xây dựng các chiến lược và kế hoạch hành động để tạo cơ hội việc làm cho người cao tuổi; phối hợp và chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện các chính sách và chương trình hỗ trợ người cao tuổi…
Nghị quyết về “Thúc đẩy xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trong ASEAN” khẳng định bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là một vấn nạn nghiêm trọng, vi phạm nhân quyền và cản trở sự phát triển bền vững của các quốc gia ASEAN; nhấn mạnh cam kết của ASEAN trong việc xóa bỏ mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; kêu gọi các nghị viện thành viên AIPA xây dựng và tăng cường thực thi, giám sát luật pháp và chính sách về phòng, chống mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; nâng cao nhận thức cộng đồng về bình đẳng giới và tác hại của bạo lực giới; thúc đẩy sự tham gia của nam giới và trẻ em trai trong việc ngăn ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế...
Nghị quyết về “Nâng cao năng lực thể chế để kết nối giao thông, hàng không, cảng biển trong khu vực ASEAN” khẳng định vị trí địa chiến lược quan trọng của ASEAN; nhấn mạnh ASEAN luôn coi kết nối và hội nhập là một trong những ưu tiên hàng đầu trong việc triển khai các biện pháp hiện thực hóa Cộng đồng Kinh tế ASEAN, góp phần phát huy lợi thế của một khu vực ASEAN năng động, trung tâm và nhiều tiềm năng; kêu gọi các nghị viện thành viên AIPA nâng cao vai trò trong việc thúc đẩy hợp tác hiệu quả trong khu vực ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác khác; tăng cường phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách của quốc gia, khu vực, tập trung ưu tiên kết nối mạng lưới giao thông.
Đoàn Việt Nam cùng xem xét đồng bảo trợ 6 nghị quyết; trong đó có 5 Nghị quyết do Lào đề xuất, 1 Nghị quyết do Indonesia, Lào và Malaysia đề xuất. Cụ thể là: Tăng cường vai trò của Nghị viện trong việc thúc đẩy kết nối và phát triển hài hòa ASEAN thông qua hợp tác chính trị - an ninh; Vai trò của Nghị viện trong việc thúc đẩy huy động vốn xanh cho phát triển hạ tầng bền vững hướng đến Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025; Thúc đẩy vai trò của Nghị viện trong đổi mới y tế thông minh; Tăng cường sự quan tâm của các Nghị viện hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN bền vững, kết nối và hòa nhập; Trao quyền cho thanh niên trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN an toàn, bền vững và hòa nhập; Vai trò của Nghị viện trong việc hỗ trợ thực hiện ASEAN hướng đến thúc đẩy đầu tư có trách nhiệm trong lĩnh vực nông nghiệp thực phẩm và lâm nghiệp
Đây cũng là lần đầu tiên đồng chí Trần Thanh Mẫn thăm chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào trên cương vị Chủ tịch Quốc hội. Điều này có ý nghĩa như thế nào trong quan hệ hai nước, thưa bà?
Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn là sự cụ thể Thỏa thuận cấp cao giữa hai Bộ Chính trị tại Cuộc gặp giữa hai Bộ Chính trị Việt Nam - Lào và Tuyên bố chung Việt Nam - Lào trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith (tháng 9/2024) và chuyến thăm cấp Nhà nước tới Lào của Chủ tịch nước Tô Lâm (tháng 7/2024).
Chuyến thăm một lần nữa khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta luôn dành ưu tiên cao nhất và coi trọng việc phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào; khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ và toàn diện của Việt Nam đối với công cuộc đổi mới, bảo vệ và xây dựng đất nước Lào; đồng thời thể hiện sự tin cậy, gắn bó giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như giữa cá nhân Chủ tịch Quốc hội ta với Chủ tịch Quốc hội Bạn.
Dự kiến trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội sẽ có các cuộc hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Saysomphone Phomvihane; chào xã giao Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith; hội kiến Thủ tướng Sonexay Siphandone và nhiều hoạt động gặp gỡ tiếp xúc quan trọng khác. Hai bên sẽ trao đổi, thống nhất các phương hướng hợp tác trong thời gian tới nhằm đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất, đặc biệt là nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác giữa hai Quốc hội, trao đổi phối hợp lập trường về một số vấn đề chiến lược của khu vực, quốc tế cùng quan tâm.
Trân trọng cảm ơn bà!