Quy định chặt chẽ thu hồi đất trong Hiến pháp

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, quyền sử dụng đất là quyền quan trọng của người dân, cần phải quy định thật chặt chẽ trong Hiến pháp. Đó sẽ là cơ sở quan trọng để Luật Đất đai quy định, nhằm tránh việc lạm dụng thu hồi đất tràn lan, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.


Cân bằng lợi ích với người bị thu hồi đất


Hôm qua (5/11), Quốc hội dành trọn cả ngày thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong đó tập trung vào một số vấn đề còn ý kiến khác nhau. Các đại biểu cũng thảo luận Dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013). Một trong những vấn đề “nóng” nhất được đa số các đại biểu Quốc hội nêu ý kiến thảo luận trong phiên họp là các vấn đề liên quan tới thu hồi đất đai.

 

Đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) phát biểu.Lâm khánh - ttxvn


Đất đai là tài nguyên đặc biệt, quyền sử dụng đất là quyền quan trọng của người dân. Do vậy, nhiều đại biểu cho rằng, Hiến pháp cần quy định rõ, việc thu hồi đất phải đáp ứng lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng. Phải quy định chặt chẽ việc hiến định, thu hồi đất khi cần thiết nhằm tránh lạm dụng thu hồi tràn lan, vi phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Thực tế, đây cũng là nguyên nhân chính phát sinh tranh chấp khiếu kiện phức tạp kéo dài trong thời gian qua.


Nhiều đại biểu cho rằng, trong điều kiện phát triển kinh tế nước ta hiện nay, vẫn cần phải thu hồi đất vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng để phát triển kinh tế - xã hội.

 

Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) phát biểu.Lâm khánh - TTXVN


Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) băn khoăn, bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện thu hồi đất thực hiện dự án, cần phải đảm bảo quyền và lợi ích của người dân khi bị thu hồi đất để tránh sự thiệt thòi cho người dân và giảm bớt đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân lên các cấp chính quyền.


Cùng quan điểm trên, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) bổ sung, thực chất quyền sử dụng đất hiện nay chính là quyền tài sản. Vì người dân muốn có quyền sử dụng đất thì phải bỏ tiền ra để mua, vì thế đó là tài sản. Do vậy, đại biểu đề nghị Hiến pháp cần khẳng định quyền sử dụng đất là quyền tài sản mới công bằng và làm cơ sở cho việc quy hoạch, thu hồi, giải tỏa, đền bù theo đúng bản chất đó là quyền tài sản, đảm bảo sự công bằng dân chủ và khách quan.


Trong quy định của dự thảo có nêu việc thu hồi đất được thực hiện khi thật cần thiết theo luật định về việc thu hồi đất. Nhiều đại biểu băn khoăn về khái niệm “thật cần thiết”. Như thế nào là thật cần thiết, cần thiết ở mức độ nào và ai sẽ xem xét mức độ cần thiết đó.


Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng, trên tinh thần đất đai là sở hữu toàn dân, tôi đề nghị cần quy định rõ: Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là cơ quan đại diện cho nhân dân xem xét quyết định mức độ cần thiết thì sẽ cẩn trọng, có hiệu quả và khách quan hơn; tạo được sự đồng thuận cao trong quá trình thu hồi đất.


Về tính công khai, minh bạch trong bồi thường thu hồi đất, đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên), cho rằng, cần quy định về nguyên tắc công khai minh bạch, bảo vệ quyền hợp pháp, bảo đảm quyền công bằng của nhân dân trong thu hồi đất. Việc thu hồi đất phải dựa trên lợi ích của nhân dân và có đền bù xứng đáng, đảm bảo công bằng xã hội.


Trong thời gian qua, việc doanh nghiệp tự thỏa thuận dẫn đến có người được hưởng lợi về việc bồi thường giá trị cao hơn gấp nhiều lần, có người lại bị o ép bằng nhiều hình thức. Nếu để tình trạng này phổ biến, kết hợp với quản lý lỏng lẻo thì sẽ gia tăng sự không công bằng và cản trở sự phát triển của xã hội.


Do vậy, các đại biểu cho rằng cần bổ sung trách nhiệm về hiệu quả của việc sử dụng đất được thu hồi. Trong thời gian qua, rất ít người chịu trách nhiệm về việc không hiệu quả hay nói cách khác là ký thu hồi mà không chịu trách nhiệm hoặc đổ được trách nhiệm. Đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) phát biểu, nếu xác lập trách nhiệm trong việc thu hồi đất thì chắc chắn tình trạng thu hồi đất sẽ khác đi nhiều.


Mặt khác, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng, người sử dụng đất cũng phải có nghĩa vụ sử dụng khai thác có hiệu quả, không để đất bị hoang hóa, hư hại. Đó là nghĩa vụ mà chủ sở hữu về đất đai đã giao cho người sử dụng. Do đó, đại biểu đề nghị được sửa lại là: "Quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ, tổ chức, cá nhân được nhà nước giao đất, cho thuê đất công nhận quyền sử dụng đất có nghĩa vụ sử dụng, khai thác có hiệu quả theo quy định của pháp luật".


Không nên hành chính hóa Quốc hội


Một số đại biểu cho rằng, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với ý nghĩa là cử tri cả nước Việt Nam đã bầu ra Quốc hội bằng lá phiếu của mình, cử tri ủy quyền cho Quốc hội thay mình quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.


Do vậy, theo đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng), việc giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm quyền lãnh đạo công tác của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội là đã hành chính hóa bộ máy của Quốc hội. Dễ làm hạn chế tính đại diện, tính độc lập, chủ động của các cơ quan của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội. Do vậy, nên giữ như quy định của Hiến pháp hiện hành đó là "Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội”.


Về tổ chức chính quyền địa phương, nhiều đại biểu cho rằng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần làm rõ hơn nữa mô hình chính quyền địa phương, nhất là cần quy định rõ chính quyền địa phương có mấy cấp cũng như nguyên tắc tự chủ trong phạm vi và thẩm quyền được phân cấp…


Về việc kiểm soát lẫn nhau trong thực hiện quyền lực nhà nước, các đại biểu cho rằng, đây là điều cần thiết và tất yếu. Bởi vì tự trong bản chất của quyền lực, nhất là quyền lực nhà nước, cho dù đã có sự thống nhất cao, phân công rõ ràng, có quan hệ phối hợp chặt chẽ thì nguy cơ lạm quyền, tiếm quyền vẫn luôn có thể xảy ra nếu như cơ chế kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước không được triển khai nghiêm túc và chặt chẽ. Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương), tán thành giữ hai chữ "kiểm soát" trong nguyên lý nhà nước.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng vấn đề kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp vẫn chưa được thể hiện rõ nét trong các chương, điều khác. Quyền lập pháp và cơ quan Nhà nước về lập pháp có được kiểm soát bởi hành pháp hoặc tư pháp chưa có quy định cụ thể trong dự thảo. Hay việc quy định Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội thì mặc nhiên không có sự kiểm soát của hành pháp với lập pháp.


Phi Sơn

Tăng cường sức "đề kháng" cho nông dân khi thu hồi đất
Tăng cường sức "đề kháng" cho nông dân khi thu hồi đất

Những kết quả dự án “Tình hình di chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp trong bối cảnh Việt Nam gia nhập WTO” do Cục Việc làm (Bộ LĐ, TB&XH) công bố sáng 26/8, tại Hà Nội, cho thấy nguyên nhân khiến người lao động di cư là do thu nhập thấp hoặc không có việc làm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN