20 Sở báo cáo, mới thu hồi được hơn 30% tài sản tham nhũng liên quan lĩnh vực đất đai
Theo báo cáo tại hội nghị, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định công tác phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách của toàn ngành, cần phải thực hiện kiên quyết, kiên trì, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm; nhằm góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng chống tham nhũng, để xây dựng đảng bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường trong sạch, vững mạnh, hoạt động quản lý nhà nước có hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ trong toàn ngành liêm chính, chuyên nghiệp.
Là Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành luôn được đổi mới, sáng tạo, linh hoạt tạo ra những hiệu quả thiết thực. Trong thời gian qua, Ban cán sự đảng Bộ luôn quan tâm, bám sát chủ trương, chính sách, lộ trình thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng của Trung ương và Chính phủ để chỉ đạo, quán triệt và triển khai đối với toàn ngành tài nguyên và môi trường, đảm bảo chất lượng và đạt hiệu quả tích cực.
Việc thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đối với ngành có sự phối hợp chặt chẽ với các ngành tư pháp như: Công an, Kiểm sát, Tòa án và cơ quan Thi hành án các cấp có sự phối hợp với các Sở Tài nguyên và Môi trường trong các trường hợp bản án có liên quan đến đất đai, địa chất khoáng sản, đo đạc và bản đồ.
Cũng theo báo cáo, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên và môi trường có những lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, như: đất đai, khoáng sản, môi trường,... Trong đó, hệ thống chính sách, pháp luật chưa theo kịp thực tiễn đang diễn biến phức tạp, khó khăn trong công tác quản lý. Một số chế tài xử lý chưa đủ sức để ngăn ngừa, răn đe đối với hành vi vi phạm. Việc thực thi nhiệm vụ vẫn còn gặp không ít khó khăn, thức thức. Nhiều lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ phát sinh những vấn đề nóng, phức tạp. Cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan và giữa Trung ương với địa phương còn chồng chéo, hiệu quả chưa cao, phân định trách nhiệm chưa rõ ràng, có những nội dung còn có "khoảng trống" pháp luật.
Công tác thu hồi tài sản tại các vụ án hình sự có liên quan đến lĩnh vực đất đai cho thấy: đây là một trong những khâu khó khăn trong công tác phòng chống tham nhũng, để thu hồi được số tiền và diện tích đất đai của tổ chức, cá nhân do phạm tội mà có, tránh việc thất thu cho ngân sách nhà nước, người phạm tội thường có động cơ tẩu tán tài sản trước khi kê biên, thu hồi, gây khó khăn trong công tác thi hành án dẫn đến số tiền, diện tích đất đai, nhà cửa Tòa án tuyên nhưng chưa được thực hiện đảm bảo theo bản án.
Về kết quả phối hợp thu hồi tài sản tham nhũng, qua số liệu báo cáo của 20 địa phương có các vụ án liên quan đến lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai cho thấy: Tổng số tiền thi hành theo quyết định của bản án là hơn 332 tỷ đồng. Số tiền đã thi hành tại các bản án là hơn 100 tỷ đồng, mới đạt tỷ lệ hơn 30% là còn thấp. Tổng số diện tích đất đã thu hồi gần 700 nghìn m2.
Về công tác kiểm tra, giám sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đối với đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong thời kỳ báo cáo theo Kế hoạch số 192-KH/BCHTW của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, chưa phát hiện trường hợp tổ chức, cá nhân có vi phạm về hình sự, phải chuyển các cơ quan pháp luật để điều tra, truy tố, xét xử. Vì vậy, không có tài sản, tang vật vụ án phải thu hồi".
Đối với các Sở Tài nguyên và Môi trường, những trường hợp có dấu hiệu vụ án hình sự về kinh tế, các ban, ngành đã họp và thực hiện các biện pháp ngăn chặn như kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, thu giữ tài sản, để tránh tới mức thấp nhất việc thất thoát tài sản sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Cần quy định rõ hơn cơ chế phối hợp giữa các ngành chức năng
Tại cuộc làm việc, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các Luật có liên quan đến phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng để phù hợp với Hiến pháp 2013 và tình hình thực tế, như: Bộ Luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng dân sự, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thanh tra, Luật Tố cáo,...; bên cạnh đó hoàn thiện cơ chế kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và việc công khai, minh bạch tài sản, thu nhập.
Trong đó, Bộ đề nghị sớm sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp theo hướng đẩy mạnh việc thực hiên chủ trương xã hội hóa lĩnh vực giám định tư pháp, có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân ngoài công lập tham gia việc thực hiện giám định tư pháp góp phần giảm tải công việc cho các cơ quan hành chính nhà nước.
Thực tiễn trong thời gian qua, việc giám định các vụ việc liên quan đến lĩnh vực đất đai rất phức tạp, cần phải tham khảo rất nhiều hồ sơ và Luật Đất đai tại thời điểm yêu cầu giám định. Cán bộ giám định hiện nay thường kiêm nhiệm, trách nhiệm rất lớn nên đề nghị cơ quan điều tra cung cấp hồ sơ đầy đủ, kịp thời và có thời gian nhất định để hoàn tất trả lời theo yêu cầu cơ quan điều tra.
Thực tế, trong các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, quá trình điều tra thường phải trưng cầu giám định để xác định hậu quả thiệt hại. Trong khi đó, công tác giám định thiệt hại về kinh tế, đất đai khá công phu, phức tạp, mất nhiều thời gian. Việc xác minh tài sản của người phạm tội cũng gặp khó khăn, nhiều trường hợp người phạm tội không đứng tên chủ sở hữu nhà đất, tài sản có giá trị lớn, họ không kê khai tài sản, tẩu tán, che giấu, hợp pháp hóa những tài sản do tham nhũng mà có, dẫn đến khó khăn trong việc truy tìm, thu hồi tài sản.
Bộ cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành quy chế về phối hợp giữa các ngành tư pháp thực hiện khi có các vụ án liên quan đến lĩnh vực tài nguyên, môi trường, quản lý tránh thất thoát tiền và tài sản của Nhà nước.
Trong đó, sớm xây dựng Quy chế phối hợp liên ngành giữa cơ quan Thi hành án dân sự và ngành Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai về việc tháo gỡ khó khăn và thống nhất trong việc cấp đăng ký quyền sử dụng đất đối với người có nhu cầu mua bán tài sản thi hành án phát mại, người nhận tiền bán tài sản để khấu trừ vào số tiền phải thi hành án.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, ông Võ Văn Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, Trưởng đoàn làm việc đánh giá, lãnh đạo, tập thể Bộ Tài nguyên và Môi trường có nhiều cố gắng, đôn đốc các đơn vị, sở, ngành báo cáo và tập hợp báo cáo về công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Trong thời gian qua, Bộ đã quan tâm, thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng; triển khai các chủ trương, chính sách của Trung ương về công tác thu hồi tài sản tham nhũng liên quan đến các lĩnh vực Bộ quản lý.
Đồng thời, Bộ tích cực phối hợp ban hành các văn bản về thực hiện phòng, chống tham nhũng; tham gia giám định các tài sản, đất đai liên quan đến vụ án; nhiều sở, ngành có phối hợp với các cơ quan pháp luật để thu hồi tài sản tham nhũng; tiến hành các biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản phạm tội.
Bên cạnh đó, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát, tổng hợp, có thêm những đánh giá về hạn chế, vướng mắc, trong đó thể hiện rõ về trách nhiệm cá nhân, tập thể trong các hạn chế; đồng thời đề xuất các cơ chế, giải pháp, phương hướng cụ thể hơn trong công tác phối hợp với các cơ quan tư pháp, pháp luật, các sở, ngành, địa phương.
Theo Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, những ý kiến về khó khăn, vướng mắc, các kiến nghị, phương hướng, giải pháp của Bộ sẽ được Đoàn công tác tổng hợp, báo cáo để tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư để hoàn thiện công tác quản lý tài sản nói chung, cũng như nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ án liên quan lĩnh vực tài nguyên, môi trường.