Đại biểu Quốc hội ở các đoàn: Vĩnh Phúc, Đắk Lắk, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Quảng Nam, Trà Vinh... cơ bản thống nhất về sự cần thiết ban hành Luật Bảo hiểm tiền gửi nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động bảo hiểm tiền gửi, khắc phục những bất cập hiện nay và bảo đảm sự đồng bộ với hệ thống pháp luật chung cũng như tiệm cận với thông lệ quốc tế về bảo hiểm tiền gửi.
Theo đại biểu Phan Văn Quý (Nghệ An), mặc dù Nghị định về bảo hiểm tiền gửi đã được thi hành trong 12 năm, nhưng thực tế có ít người dân và tổ chức tham gia do chưa quen và chưa hiểu hết loại hình bảo hiểm này. Đại biểu cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, đi đôi với tái cấu trúc nền kinh tế, ban hành Luật Bảo hiểm tiền gửi là cần thiết, giúp cho hoạt động bảo hiểm tiền gửi hiệu quả hơn, bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống ngân hàng, tránh những bất ổn như có thể xảy ra hiệu ứng đôminô. Nhiều đại biểu khác cũng đồng tình, việc ban hành Luật Bảo hiểm tiền gửi đáp ứng yêu cầu khách quan của một bộ phận xã hội, theo sự phát triển chung của nền kinh tế, đảm bảo sự cân đối và đồng bộ của hệ thống luật pháp nói chung trong khi những quy định hiện hành còn những tồn tại, hạn chế.
Liên quan đến quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi và mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi, đại biểu Phan Văn Quý và một số đại biểu khác cho rằng, hệ thống tài chính ngân hàng của nước ta có điểm khác biệt so với các nước. Cần thể hiện sự đặc thù này trong quan điểm xây dựng luật, nhưng việc vận dụng phải thực sự nhuần nhuyễn. Nhiều đại biểu tán thành với thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, tiếp tục giữ quy định hiện hành về tổ chức bảo hiểm tiền gửi; theo đó Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ thành lập và giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý hoạt động nhằm đảm bảo vị thế độc lập tương đối của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam và tăng lòng tin của người gửi tiền. Tuy vậy, cần có cơ chế xử lý minh bạch, rõ ràng, nếu không, dễ dẫn tới khó quy trách nhiệm.
Quy định vai trò, vị trí của tổ chức bảo hiểm tiền gửi như thế nào để có một vị thế độc lập tương đối, có đủ thẩm quyền và năng lực tài chính để thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi hiệu quả, minh bạch, khách quan, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là quan tâm của các đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh), Nguyễn Văn Chiến (Bắc Ninh)..., đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức bảo hiểm tiền gửi; trách nhiệm khi xảy ra đổ vỡ quỹ bảo hiểm tiền gửi. Theo đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Bắc Ninh), quy định về tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong dự thảo chưa rõ; chưa đề cập cụ thể chức năng, nhiệm vụ của tổ chức này.
Cũng trong sáng 3/11, đại biểu Quốc hội các tổ đã thảo luận về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); cơ bản nhất trí với việc ban hành nhằm khắc phục những tồn tại, vướng mắc và bổ sung những quy định để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về tài nguyên nước.
Trình Quốc hội bốn dự án luật
Tờ trình về dự án Luật Quảng cáo nêu rõ: Luật điều chỉnh toàn diện hoạt động quảng cáo trên lãnh thổ Việt Nam, xác định những vấn đề cơ bản về nội dung, hình thức quảng cáo; tạo động lực thúc đẩy hoạt động quảng cáo phát triển mạnh mẽ, đồng thời bảo vệ lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động quảng cáo...
Thẩm tra dự án Luật quảng cáo, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cơ bản nhất trí với quan điểm, nguyên tắc xây dựng Luật Quảng cáo trình bày tại tờ trình của Chính phủ.
Dự án Luật Giá được xây dựng xuất phát từ yêu cầu phải tiếp tục đổi mới phương thức quản lý giá, khắc phục những bất cập hiện tại để quản lý giá phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường; bảo đảm khuyến khích cạnh tranh về giá, cụ thể là: Xây dựng được cơ chế khẳng định quyền tự chủ về giá, quyền cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh theo tín hiệu thị trường. Luật bảo đảm được sự can thiệp của Nhà nước về giá phù hợp với vai trò, chức năng của Nhà nước trong cơ chế kinh tế thị trường.
Nhà nước chỉ định giá đối với: Hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền Nhà nước sản xuất kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ thuộc doanh nghiệp có vị thế độc quyền sản xuất kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thuộc doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường sản xuất kinh doanh; tài nguyên quan trọng; sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đặt hàng, giao kế hoạch để khắc phục những khuyết tật của cơ chế giá thị trường.
Theo tờ trình về dự án Luật Giám định tư pháp, Luật được ban hành nhằm tháo gỡ những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới mang tính đột phá, bền vững cho hoạt động giám định tư pháp ở nước ta, góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động tố tụng mà trọng tâm là bảo đảm việc phán quyết của tòa án được kịp thời, khách quan, đúng pháp luật.
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: Việc ban hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) nhằm góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc thực hiện Pháp lệnh XLVPHC, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Dự án Luật XLVPHC được soạn thảo trên cơ sở thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp và cải cách hành chính được xác định trong các nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Luật quy định đầy đủ, toàn diện các vấn đề về xử lý vi phạm hành chính, bảo đảm kế thừa những quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm, khắc phục một cách cơ bản những hạn chế, bất cập của hệ thống pháp luật XLVPHC hiện hành. Luật tăng cường tính công khai, minh bạch và bảo đảm dân chủ trong trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp xử lý hành chính; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân...
TTN