Quy định rõ hơn về trách nhiệm tiếp công dân

Tiếp tục phiên họp thứ 16, sáng 19/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tiếp công dân. Dự án luật sẽ được trình Quốc hội (khóa XIII) xem xét lần đầu tại kỳ họp thứ 5.


Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Tiếp công dân. Bởi trong thời gian qua, Nhà nước đã ban hành một số văn bản pháp luật có quy định về hoạt động tiếp công dân như Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo năm 2011 và các nghị định quy định chi tiết một số điều của các luật nói trên. Tuy nhiên, nội dung, cách thức tổ chức tiếp công dân theo các văn bản quy phạm pháp luật này và nhiều quy định pháp luật khác vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nhiều quy định trong dự thảo luật chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới một cách toàn diện về tổ chức, hoạt động tiếp công dân.

 

Dự thảo luật cũng chưa có quy định rõ ràng về trách nhiệm tiếp công dân, vấn đề phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong công tác tiếp công dân, mô hình tổ chức trụ sở tiếp công dân ở Trung ương với địa phương, về trách nhiệm phối hợp tiếp và xử lý trường hợp các nội dung khiếu nại, kiến nghị, phản ánh liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ chế phối hợp cung cấp thông tin... Các đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần có các báo cáo sâu về tình hình thực tế công tác tiếp công dân hiện nay, kinh nghiệm các nước trong hoạt động tiếp công dân; đồng thời thể hiện được tính khả thi của dự án luật sau khi được ban hành để có thể trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.


Đối với quy định tại chương IV về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của trụ sở tiếp công dân, việc tiếp công dân ở cấp bộ, cấp huyện, cấp xã, theo Tờ trình của Chính phủ, trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh được xác định là cơ quan có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, được giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể. Tuy nhiên, theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự án luật lại cho rằng trụ sở tiếp dân là địa điểm để công dân có thể trực tiếp đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; không thể coi đây là một cơ quan độc lập, có tư cách pháp nhân như quy định trong dự thảo luật vì vô hình chung sẽ tạo ra một cơ quan trung gian giữa người dân với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh... Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị dự thảo luật chỉ nên tập trung quy định về tiêu chuẩn, điều kiện cơ sở vật chất, việc bố trí vị trí của trụ sở, địa điểm tiếp công dân, cách thức phối hợp các hoạt động tại trụ sở tiếp công dân, trách nhiệm quản lý trụ sở tiếp công dân cũng như một số nguyên tắc để xây dựng nội quy của trụ sở, địa điểm tiếp công dân... Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án luật cần tiếp tục nghiên cứu, thảo luận để có được quy định thống nhất về vấn đề này...

 

Đảm bảo tính khả thi của Luật PCCC


Chiều 19/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy (PCCC).


Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết và nội dung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung, vì Luật PCCC ban hành đến nay đã hơn 10 năm, bộc lộ nhiều vấn đề bất cập cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, phương án sửa đổi, bổ sung của dự thảo luật mới chỉ giải quyết được một số vấn đề như: Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; cơ chế phối hợp giữa chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị đóng trên địa bàn cũng như quy định về ngành nghề, điều kiện hoạt động kinh doanh dịch vụ phòng cháy và các nội dung quy định về chế độ, chính sách, công tác bảo đảm cho công tác PCCC...


Về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nội dung quy định vừa quá cụ thể vừa thiếu vì các trách nhiệm pháp lý đã được pháp luật quy định. Thảo luận về chế độ, chính sách đối với lực lượng dân phòng và lực lượng PCCC cơ sở, một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, không nên hỗ trợ thường xuyên cho đội viên đội dân phòng trong công tác PCCC. Bởi hỗ trợ thường xuyên sẽ tăng gánh nặng cho ngân sách địa phương, nhưng phải có chế độ động viên kịp thời.


Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng một số điểm, khoản trong dự án luật còn chung chung, chưa rõ ràng. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự án luật để luật thực sự là văn bản pháp lý cao nhất quy định về PCCC.


Phúc Hằng - Nguyễn Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN