Theo đại biểu Bùi Xuân Thống, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, tương lai vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Việc cơ cấu lại nền kinh tế là cần thiết, cấp bách. Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, Chính phủ cần đưa ra các giải pháp phù hợp, sát với thực tế; dự báo tốt tình hình trong nước và thế giới, sẵn sàng ứng phó với các tình huống phát sinh để ổn định kinh tế vĩ mô, gắn với thực hiện 3 đột phá chiến lược và 6 nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra; đồng thời đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng.
Tới đây, việc cơ cấu lại nông nghiệp cần được đẩy mạnh, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã nông nghiệp và các tổ hợp tác. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu từng vùng, miền; nâng cấp và hiện đại hoá kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt là đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp và chủ động được nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Đối với công nghiệp, quá trình cơ cấu phải đưa ra giải pháp nhằm thúc đẩy tiến độ các dự án công nghiệp lớn, có tác động lan toả. Xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả. Phát triển sản xuất công nghiệp quy mô lớn tại các khu kinh tế ven biển, trong đó chú trọng các ngành sản xuất công nghiệp nặng, chế biến sâu, hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế. Phát triển một số doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin chủ lực thực hiện tốt vai trò dẫn dắt về hạ tầng công nghệ, tạo nền tảng cho nền kinh tế số, xã hội số. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo hướng phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ có liên quan đến thiết bị vật tư y tế, dược phẩm và vaccine. Ban hành các tiêu chuẩn công nghệ, kỹ thuật sản xuất theo hướng hiện đại.
Về cơ cấu lại các ngành dịch vụ cần tập trung quy hoạch và đầu tư để hình thành một số khu du lịch, thương mại quốc gia tầm cỡ quốc tế. Xây dựng và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Phát triển đồng thời cả du lịch quốc tế và du lịch trong nước. Phát triển và tăng cường quản lý hoạt động du lịch văn hoá tâm linh, sinh thái, lịch sử. Tập trung giải quyết các điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng du lịch.
Đại biểu Bùi Xuân Thống cho rằng, việc hoàn thiện thể chế khi tái cơ cấu lại nền kinh tế đóng vai trò hết sức quan trọng, thể chế hoàn thiện tạo điều kiện để các hoạt động kinh tế phát huy hết tiềm lực của mình, cắt giảm chi phí và tạo sự ổn định, minh bạch trong công tác quản lý, điều hành, sự an tâm của doanh nghiệp trong đầu tư. Quá trình tái cơ cấu lại nền kinh tế cần đặc biệt chú trọng đến chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát huy vai trò của con người trong sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ. Nếu phát huy tốt những yếu tố này sẽ giúp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, từ đó tạo sự bứt phá cho đất nước ta trong những thập niên tới.
Theo đại biểu Bùi Xuân Thống, trọng tâm của cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 là phát triển đô thị, kinh tế đô thị; coi kinh tế đô thị là trụ cột của nền kinh tế quốc dân, khai thác tối đa lợi thế của đô thị để phát triển kinh tế đô thị; chú trọng mở rộng không gian phát triển kinh tế đô thị theo vùng, phát huy lợi thế kết nối đa chiều. Thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù, xây dựng các mô hình mới để tạo đột phá trong phát triển kinh tế đô thị. Bảo đảm tăng trưởng xanh để gắn kết tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Đẩy mạnh kinh tế đô thị gắn với phát triển kinh tế vùng và các cơ chế, chính sách đặc thù của từng vùng để phát huy mạnh mẽ thế mạnh của vùng. Để làm được điều này cần phải có một cơ chế điều phối chặt chẽ từng vùng kinh tế và sự liên kết giữa các vùng đặt trong quy hoạch quốc gia chặt chẽ, đồng bộ.
Về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025), đại biểu Đỗ Huy Khánh cho biết, sau 10 năm (2011-2020) thực hiện kế hoạch sử dụng đất quốc gia, nước ta đạt được nhiều thành tựu to lớn, đảm bảo tính thống nhất trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai; phân bố và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên đất, đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh. Có thể nói, quy hoạch sử dụng đất đã được triển khai đồng bộ ở các cấp, trở thành công cụ quan trọng để Nhà nước thống nhất quản lý về đất đai.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vẫn còn những tồn tại, bất cập. Tại nhiều địa phương, do kinh tế - xã hội còn khó khăn dẫn đến việc thực hiện kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất, thu hút vốn đầu tư, vốn thực hiện các dự án gặp nhiều khó khăn, nhất là các dự án công trình cấp quốc gia, sử dụng vốn ngân sách Trung ương.
Quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp còn thiếu sự thống nhất trên quy mô liên vùng, liên tỉnh, chưa xem xét đồng bộ với quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn. Việc bố trí đất đai cho các khu công nghiệp chưa hợp lý. Tại một số địa phương, các khu công nghiệp phát triển quá nhanh đã tạo ra sức ép đối với môi trường, hạ tầng xã hội phục vụ công nhân.
Việc đánh giá, dự báo nhu cầu sử dụng đất của một số công trình, dự án trong kỳ quy hoạch sử dụng đất chưa sát thực tiễn phát triển của đất nước. Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch sử dụng đất chưa tốt dẫn tới nhiều sai phạm về đất đai ở một số địa phương.
Đại biểu Đỗ Huy Khánh khẳng định, Quốc hội đưa ra quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) là rất cần thiết. Các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nêu trên phải đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, hạn chế biến đổi khí hậu, bảo vệ diện tích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Ngoài ra, cần linh hoạt điều chỉnh giữa các địa phương nhằm đáp ứng được nhu cầu thực tế nhưng vẫn đảm bảo chỉ tiêu tổng thể quốc gia.
Theo dẫn chứng của đại biểu Đỗ Huy Khánh, Đồng Nai có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu về nhà ở rất lớn, song thời gian qua việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp còn chậm, quỹ đất ở không đáp ứng đủ nhu cầu. Ngoài ra, diện tích đất nông nghiệp chuyển đổi mục đích sang thương mại, dịch vụ còn thấp, kéo theo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển thương mại dịch vụ chậm, chưa hiệu quả.
Trên địa bàn Đồng Nai có nhiều dự án cấp quốc gia đang và sẽ triển khai; quá trình đô thị hóa sẽ diễn ra nhanh hơn, đặc biệt là các khu vực xung quanh sân bay Long Thành. Đến nay, các khu công nghiệp trên địa bàn Đồng Nai đã lấp đầy trên 80%, nhu cầu mở rộng, xây mới các khu công nghiệp trên địa bàn là rất lớn. Để đảm bảo quỹ đất phục vụ nhu cầu phát triển của Đồng Nai cũng như những địa phương có công nghiệp phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh, cơ quan Trung ương cần xem xét phân bổ chỉ tiêu đất trồng lúa phù hợp với từng tỉnh, thành phố; tăng chỉ tiêu đất phát triển công nghiệp.