Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua 11 luật và 21 nghị quyết, cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật khác. Xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền, Quốc hội đã tiến hành bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an; phê chuẩn Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh, đồng thời tiến hành công tác nhân sự khác theo thẩm quyền và đã đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của các vị đại biểu Quốc hội.
Quyết sách kịp thời
Trong Kỳ họp, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận rất kỹ lưỡng về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.
Sáng 29/6, Quốc hội thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 (Nghị quyết số 43) ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia.
Qua kết quả giám sát cho thấy, chính sách giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng 2% trong năm 2022 đã phát huy hiệu quả, có ý nghĩa thiết thực. Nhiều địa phương, doanh nghiệp đánh giá cao hiệu quả của chính sách, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế rất cần được phục hồi và phát triển sau đại dịch COVID-19. Đánh giá tác động đến tăng trưởng kinh tế, việc giảm thuế gía trị gia tăng sẽ góp phần giảm giá thành, giá bán hàng hóa, dịch vụ, từ đó góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh và duy trì công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế. Trong Nghị quyết, Quốc hội quyết nghị tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại điểm a mục 1.1 khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43 trong thời gian từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024.
Cũng tại Kỳ họp, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Quy hoạch Không gian biển Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), mục tiêu chính của Quy hoạch là tạo lập cơ sở cho phát triển kinh tế biển nhanh và bền vững, góp phần hình thành, phát triển các ngành kinh tế biển vững mạnh, tạo nhiều sinh kế hiệu quả cho người dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế; quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, các giá trị văn hóa biển, từng bước đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển...
Nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, các đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự thống nhất cao về sự cần thiết của Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Sáng 28/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của về chủ trương đầu tư dự án này.
Tại kỳ họp, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà, với việc Quốc hội phê chuẩn văn kiện này, Việt Nam nằm trong nhóm 6 nước trong CPTPP đầu tiên phê chuẩn văn kiện, thể hiện sự tích cực và trách nhiệm trong thúc đẩy quan hệ thương mại - đầu tư song phương giữa Việt Nam với Vương quốc Anh; khẳng định vai trò, vị trí của Việt Nam trong khu vực và thế giới; tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp...
Trong kỳ họp, các đại biểu Quốc hội đã bám sát các yêu cầu, mục tiêu, giải pháp về phát triển kinh tế-xã hội đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra; phân tích những tác động và khó khăn mới phát sinh do diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, tình hình trong nước để đánh giá đúng những kết quả quan trọng đã đạt được, những bất cập, hạn chế, yếu kém, đề xuất những giải pháp thiết thực, hiệu quả...
Quốc hội yêu cầu Chính phủ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; theo dõi sát diễn biến, dự báo tình hình trong nước và thế giới, có giải pháp chính sách phù hợp, sát thực tiễn, cụ thể, khả thi để khắc phục các tồn tại, hạn chế và tổ chức thực hiện quyết liệt, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Sớm đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống
Trong đợt I của Kỳ họp thứ 7, Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã thành công tốt đẹp với tinh thần rõ trách nhiệm, rõ giải pháp và cam kết mạnh mẽ trong chỉ đạo, quản lý, điều hành. Qua phiên chất vấn tại kỳ họp này cho thấy, các nội dung chất vấn đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, "đúng" và "trúng" những vấn đề cử tri, nhân dân cả nước và các đại biểu Quốc hội quan tâm, tập trung vào 4 nhóm vấn đề thuộc các lĩnh vực gồm: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Kiểm toán, Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
Có thể khẳng định, Phiên họp này tiếp tục là hình thức giám sát tối cao trực tiếp, hiệu quả của Quốc hội. Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 7 được biểu quyết thông qua vào sáng 29/6 là cơ sở cho việc thực hiện và giám sát việc thực hiện theo quy định.
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua 11 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật khác. Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, đây là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp nhiều nhất, kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, được cử tri và nhân dân cả nước rất quan tâm, theo dõi.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, thế giới hiện có những yếu tố diễn biến phức tạp, bất định và rủi ro nên đòi hỏi thể chế pháp luật phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính năng động, sáng tạo của các địa phương. Trong 11 luật được Quốc hội bấm nút thông qua, hầu hết đều thể hiện được việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương.
Liên quan đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cho biết, bản chất là sửa đổi nhằm đưa 4 Luật trên có hiệu lực sớm hơn so với thời hạn. Đây là chủ trương rất đúng đắn để sớm đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống.
Chính phủ đã có báo cáo chi tiết về mặt tiến độ và thể hiện cam kết, quyết tâm bằng những giải pháp rất cụ thể; đã và đang chỉ đạo quyết liệt các cơ quan liên quan trong việc hoàn thiện các dự thảo nghị định ở cấp Trung ương, văn bản của địa phương, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thi hành các Luật từ ngày 1/8/2024.
Đáng chú ý, trong Kỳ họp, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua, khắc phục vướng mắc, bất cập của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; đưa ra quy định mới về việc rút bảo hiểm xã hội một lần với người lao động… Các nội dung về cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024 đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng, thấu đáo tại Tổ, Hội trường, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và nhân dân.
Trong ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã biểu quyết thông qua một số luật, nghị quyết; trong đó có nội dung quan trọng về thực hiện cải cách tiền lương. Cụ thể, từ ngày 1/7/2024, Quốc hội thống nhất điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%); điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng (tháng 6/2024) …
Qua thảo luận hay trao đổi bên hàng lang Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, trong bối cảnh hiện nay rất cần thiết thực hiện các nội dung cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, các khoản trợ cấp từ ngày 1/7/2024 để đảm bảo đời sống cho công chức, viên chức, người lao động, người nghỉ hưu và các đối tượng chính sách. Nhiều đại biểu bày tỏ tin tưởng, với các Luật được ban hành và sửa đổi bổ sung, hệ thống pháp luật sẽ giúp bộ máy Nhà nước vận hành tốt nhất, đời sống nhân dân, kinh tế - xã hội phát triển và an ninh xã hội được đảm bảo.
Tiếp tục tinh thần kiến tạo phát triển, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống. Trong phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 7, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, để bảo đảm yêu cầu “pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả”, Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các cơ quan, tổ chức hữu quan tập trung chỉ đạo, quán triệt, khẩn trương triển khai thực hiện có hiệu quả các luật, nghị quyết vừa được Kỳ họp thứ 7 thông qua để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước; thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần các gia đình chính sách, người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn và toàn thể nhân dân; đáp ứng với sự mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài.
Sau gần 1 tháng làm việc, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV đã xem xét, quyết định và hoàn thành 49 nội dung quan trọng thuộc các lĩnh vực lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; thể chế hóa kịp thời các chủ trương, Nghị quyết của Đảng thành các quy định của pháp luật, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.