Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 8 giờ ngày 2/11, thế giới ghi nhận gần 4,7 triệu ca mắc COVID-19, trong đó hơn 1,2 triệu ca tử vong tại 217 quốc gia, vùng lãnh thổ. Mỹ đang là quốc gia có số người mắc COVID-19 cao nhất với hơn 9,4 triệu ca, trong đó có khoảng 236.000 ca tử vong; số lượng người mắc tiếp tục gia tăng nhanh, trong vòng 2 tuần qua đã tăng 10%. Châu Âu hiện đang là tâm dịch của dịch COVID-19 với tốc độ lây lan nhanh khó kiểm soát, đặc biệt khi khu vực này bước vào mùa Đông.
Tính đến ngày 2/11, Việt Nam có 61 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Từ ngày 26/10 đến ngày 1/11, số mẫu xét nghiệm trung bình là 2.648 mẫu/ngày, thấp hơn 24,3% so với tuần trước (gần 3.500 mẫu/ngày). Từ ngày 25/7 đến ngày 1/11, Việt Nam đã thực hiện được 804.440 mẫu xét nghiệm, trong tổng số hơn 1,3 triệu xét nghiệm Realtime RT-PCR từ đầu dịch.
Cơ bản các ổ dịch đã được kiểm soát, tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập luôn thường trực, đặc biệt khi tăng số lượng các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước, chuyên gia nước ngoài nhập cảnh (trong đó có các chuyến bay thương mại, quốc tế) và số lượng ca mắc trên thế giới liên tục gia tăng. Ngoài ra, thời gian tới là mùa Đông, Xuân, điều kiện thời tiết thuận lợi cho một số các bệnh truyền nhiễm phát triển, lây lan.
Thời gian qua, cùng với các hoạt động chuyên môn, Bộ Y tế triển khai “Bản đồ chung sống an toàn với dịch COVID-19” (www.antoancovid.vn) nhằm kiểm soát dịch bệnh trên quy mô toàn quốc. Trước mắt, bản đồ được triển khai trong hệ thống các cơ sở y tế và giáo dục sử dụng ứng dụng, cập nhập các công việc đảm bảo môi trường an toàn phòng, chống COVID-19. Hiện tại danh sách 1.530 bệnh viện toàn quốc,145 trung tâm cách ly, 6.539 khách sạn từ 3 sao trở lên, 53.839 trường học đã được cập nhật lên bản đồ. Bộ Y tế tiếp tục thúc đẩy hoạt động hợp tác, nghiên cứu sản xuất vaccine, ứng dụng khoa học - công nghệ trong phòng, chống dịch. Bộ Y tế đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tiếp cận vaccine phòng COVID-19.
Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát các địa phương trong công tác chuẩn bị, đáp ứng với dịch COVID-19, Bộ Y tế đã thành lập 6 đoàn đi kiểm tra, giám sát công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 và đã thực hiện giám sát tại Hà Nội (ngày 30/10). Dự kiến, bộ sẽ tiếp tục thực hiện giám sát tại Nha Trang (3/11) và Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 6/11.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã thảo luận, thống nhất một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 cần thực hiện nghiêm trong thời gian tới. Nhấn mạnh việc đeo khẩu trang là biện pháp quan trọng, đơn giản trong công tác phòng, chống dịch, các thành viên Ban Chỉ đạo khuyến nghị cần tiếp tục thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Biện pháp này không chỉ ở những đô thị lớn, mật độ dân cư cao mà ngay tại các xã phường, thị trấn…
Theo đó, chính quyền Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu bắt buộc mọi người dân phải đeo khẩu trang nơi công cộng; thực hiện nghiêm việc xử lý các trường hợp vi phạm quy định, đặc biệt tại các cơ sở y tế; cơ sở lưu trú; khách sạn; cơ sở thực hiện cách ly tập trung; nhà máy; nơi sự kiện tập trung đông người; trung tâm thương mại, chợ, siêu thị; trên các phương tiện giao thông - công cộng tại bến xe, cảng hàng không, ga tàu…
Các thành viên Ban Chỉ đạo cũng thảo luận về giải pháp thực hiện hiệu quả chủ trương của Chính phủ trong việc mở lại các chuyến bay thương mại với một số nước trên tinh thần đảm bảo an toàn để đón các nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam, phục vụ “mục tiêu kép”.
Trên tinh thần “làm từng bước, chắc chắn, đảm bảo an toàn”, các chuyên gia cho ý kiến về việc giao cho các hãng hàng không Việt Nam có phương án cụ thể nhằm tổ chức các chuyến bay an toàn, dưới sự hướng dẫn, giám sát chặt chẽ của cơ quan y tế, các ngành chức năng. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo cũng khẳng định quyết tâm giữ an toàn trong nước, không để dịch COVID-19 tái phát khi mùa Đông đến.