Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Thái Quỳnh Mai Dung, Trưởng Ban Thư ký Quốc gia cho biết, Ban Tổ chức Hội nghị đã thống nhất với Ban Thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) về chương trình hoạt động, nội dung nghị sự, thuyết minh chủ đề, thông tin chung của Hội nghị. Theo đó, một số hoạt động chính của Hội nghị gồm: Tọa đàm “Tăng cường năng lực số cho thanh niên”; Khai mạc Triển lãm thành tựu Đổi mới và sáng tạo, sản phẩm OCOP…
Dự kiến, Hội nghị sẽ tổ chức 3 phiên thảo luận chuyên đề gồm: Phiên 1 về Chuyển đổi số; Phiên 2 về Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; Phiên 3 về Thúc đẩy sự tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững.
Trong đó, Phiên 3 tập trung thảo luận về vai trò của các nghị viện và nghị sĩ trẻ trong việc thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi công nghệ và toàn cầu hóa. Cụ thể gồm: Hợp tác kỹ thuật số dựa trên đạo đức và giảm thiểu tác động không mong muốn của chuyển đổi số đối với quyền riêng tư, bảo mật và hạnh phúc; Phát huy vai trò của văn hóa trong các chính sách phát triển tại cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế; Cam kết bảo vệ và phát huy sự đa dạng văn hóa; tạo môi trường, hệ sinh thái thuận lợi cho văn hóa và đa dạng văn hóa; Vai trò của văn hóa và đa dạng văn hóa trong phát triển bền vững.
Ban Tổ chức chức Hội nghị chỉ đạo Ban Thư ký Quốc gia phối hợp với Ban Thư ký IPU gửi các tài liệu liên quan đến Hội nghị tới các Nghị viện thành viên IPU, quan sát viên, khách mời của nước chủ nhà; phê duyệt Đề án của Tiểu ban Thông tin - Tuyên truyền, Tiểu ban Lễ tân - Hậu cần - An ninh - Y tế để triển khai thực hiện...
Tại cuộc họp, lãnh đạo các Tiểu ban đã báo cáo công việc đã thực hiện và dự kiến công tác cần triển khai từ nay đến trước khi diễn ra Hội nghị.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 là sự kiện đối ngoại hết sức quan trọng của Việt Nam trong năm nay. Bộ Chính trị đã giao Đảng đoàn Quốc hội chủ trì triển khai. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ rất quan tâm, chủ trì họp và làm việc với từng Tiểu ban để thông qua kịch bản chi tiết.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh đây là nhiệm vụ chính trị rất lớn, đòi hỏi các ngành, các cấp, các đơn vị phải chuẩn bị phục vụ tốt để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng đại biểu tham dự về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; tổ chức lễ tân, hậu cần chu đáo. Sau cuộc họp này, các đơn vị tập hợp đề xuất, báo cáo xin ý kiến Chủ tịch Quốc hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ban Tổ chức Hội nghị chỉ đạo, đôn đốc các Tiểu ban hoàn tất các đầu mục công việc, duyệt các nội dung tham gia của Đoàn Việt Nam tại Hội nghị (các phát biểu của lãnh đạo, phát biểu dẫn đề, phát biểu thảo luận của Đoàn Việt Nam, kịch bản, dự thảo Tuyên bố Hội nghị); phối hợp với các Tiểu ban xây dựng chương trình tổng duyệt, chương trình nghệ thuật, xin ý kiến lãnh đạo trước ngày 25/8.
Tiểu ban Nội dung khẩn trương ban hành Đề án Nội dung Hội nghị (trước ngày 24/8); xây dựng Kế hoạch khung, dự kiến các cuộc tiếp xúc song phương lãnh đạo Quốc hội… Tiểu ban Thông tin - Tuyên truyền phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai kế hoạch tuyên truyền đã được phê duyệt.