Ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của người đề cử, tiến cử cán bộ

"Hiền tài là nguyên khí quốc gia", việc tiến cử người thực tài, có đạo đức vào các vị trí lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định tới sự phát triển bền vững của đất nước. Trong đó, ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm người đề cử, tiến cử cán bộ là điểm mấu chốt trong công tác nhân sự để tìm được cán bộ có đức, có tài vào bộ máy.

Tách trách nhiệm cá nhân trong trách nhiệm tập thể

Trước mỗi kỳ đại hội Đảng, điều mà cán bộ, đảng viên, nhân dân quan tâm, mong mỏi nhất chính là ngăn chặn cho được vấn nạn chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển… mà nguyên nhân sâu xa là do sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, do bè phái, cục bộ, cánh hẩu trong công tác cán bộ. Để loại bỏ những “con sâu mọt” hại nước, hại dân và lựa chọn được những người thực sự có đức, có tài vào bộ máy lãnh đạo, quản lý các cấp, có rất nhiều việc phải làm, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng cần có những quy định rõ ràng về trách nhiệm của người đề cử, tiến cử.

Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, hiện nay xuất hiện một số cán bộ giàu lên “bất thường” mà không kê khai được tài sản. Điều này khiến người dân băn khoăn, đặt câu hỏi về nguồn gốc số tài sản này.

Dẫn chứng về trường hợp một số lãnh đạo đã ký quyết định bổ nhiệm hàng loạt cán bộ chỉ vài tháng trước khi nghỉ hưu, trong số đó có không ít người chưa đảm bảo tiêu chuẩn, ông Nguyễn Túc nhấn mạnh, phải làm rõ trách nhiệm của người đề cử, tiến cử. Người giới thiệu phải chịu trách nhiệm, phải bị kỷ luật khi người được giới thiệu không đủ phẩm chất đạo đức.

Theo Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, để nâng cao trách nhiệm trong giới thiệu nhân sự thì phải giới thiệu nhân sự bằng văn bản có chữ ký đầy đủ. “Ví dụ như một đồng chí Bí thư tỉnh ủy khi giới thiệu nhân sự lại đưa ra Ban thường vụ; sau đó Ban Thường vụ nhất trí hết. Khi người được đề cử sai phạm, đồng chí Bí thư đó lại đổ lỗi rằng đây là ý kiến của tập thể và như thế là hòa cả làng. Vì thế, người đề xuất đầu tiên phải giới thiệu bằng văn bản, chịu trách nhiệm người mình giới thiệu”, ông Nguyễn Túc phân tích.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân chỉ rõ, trong một tập thể, không phải đồng loạt từng đấy con người cùng giơ tay lên giới thiệu một người, mà phải có một người đề xuất, khởi xướng đầu tiên. Người đó phải có trách nhiệm bảo đảm việc tiến cử của mình. Người đề cử, tiến cử gắn bó với người được đề cử, được tiến cử, họ phải hiểu rõ hơn hết tài năng, đức độ của người được đề cử, tiến cử chứ không phải giới thiệu một cách vu vơ, thân hữu hoặc trực hệ, thậm chí mua bán chức vụ. Vấn đề là làm sao tách được trách nhiệm cá nhân trong trách nhiệm tập thể. Vì sau này khi cán bộ sa ngã, vướng vào vòng lao lý mà trách nhiệm “vẫn hòa cả làng” thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh của Đảng, Nhà nước.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Trong bài viết “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, công tác nhân sự phải được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, khoa học và nhất quán, bảo đảm thật sự công tâm, thật sự trong sáng, khách quan, đặc biệt phải "có con mắt tinh đời" trong việc đánh giá, giới thiệu, lựa chọn... Muốn thế, phải thật sự phát huy dân chủ trong việc phát hiện, giới thiệu nhân sự đi đôi với xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan... Các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu và ở những nơi có cán bộ tham gia quy hoạch cán bộ cấp chiến lược được giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII phải chịu trách nhiệm trước Tiểu ban Nhân sự, trước Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương về nhân sự do mình đề xuất, giới thiệu.

Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Viết Chức, cha ông ta từ thời phong kiến đã quy định người tiến cử phải có trách nhiệm với người được tiến cử. Khi người được tiến cử lập nên công trạng, được khen thưởng, thăng quan tiến chức thì người tiến cử cũng được hưởng vinh dự, vinh quang đó. Ngược lại, nếu tiến cử nhầm, tiến cử sai người, làm nguy hại đến lợi ích của đất nước thì phải chịu tội. Nay trước kỳ Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm trong công tác nhân sự, đề cao trách nhiệm của người giới thiệu cán bộ. Theo ông Nguyễn Viết Chức, ai cũng phải chịu trách nhiệm trước việc mình làm, huống hồ là công việc quan trọng, hệ trọng như giới thiệu cán bộ vào cấp ủy. Chúng ta phải tìm và không để sót người tài; không vì lợi ích cá nhân mà giới thiệu không đúng người, đúng việc. Rất nhiều trường hợp, công tác cán bộ tưởng làm đúng quy trình hóa ra lại không đúng; đúng quy trình nhưng lại giới thiệu nhầm người, để lại sau đó là biết bao nhiêu hậu quả phải xử lý, giải quyết. Lại có những đồng chí đã lên đến cấp cao rồi mới kiểm tra, phát hiện ra vi phạm, khuyết điểm, điều này vừa làm mất cán bộ, vừa làm giảm uy tín của Đảng và Nhà nước. Trong kỳ đại hội này, cử tri nhân dân kỳ vọng, Đảng sẽ lựa chọn đúng người, sắp xếp đúng việc, bố trí đúng chỗ.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Đình Phong, Viện Hồ Chí Minh và Lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, chữ “trách nhiệm” mặc dù đã được nhắc tới nhiều lần nhưng vẫn phải tiếp tục đề cập trong thời gian tới. Quan trọng nhất là cái “chất”, cái “tâm” của người đề cử, tiến cử. “Người đề cử đó cũng phải vì nước, vì dân. Đó là những người có trí tuệ, có bản lĩnh, trách nhiệm với dân thì mới giới thiệu con người tốt. Điều này đòi hỏi tính tự giác rất cao của mỗi con người. Người đứng đầu có trách nhiệm cao nhất để giới thiệu nhân sự phải theo đúng tư tưởng và đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh; tức là luôn luôn nghĩ đến lợi ích của nước, của dân, chứ không phải chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân mình”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Đình Phong nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến khẳng định, để phát hiện, chọn lọc, giới thiệu, đề cử những người đức trọng, tài cao vào hàng ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp thì phải thực thi nhiều giải pháp đồng bộ, xuyên suốt về trách nhiệm giới thiệu, đề cử hiền tài trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền từ cơ sở đến Trung ương. Bên cạnh đó, cần chú trọng xây dựng, hoàn thiện các quy định, quy chế liên quan đến việc thực hiện giới thiệu, tiến cử cán bộ lãnh đạo, quản lý; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tổ chức, đảng viên trong việc thực hiện các quy định này.

Phan Phương (TTXVN)
Tiến tới Đại hội XIII của Đảng: Làm tốt công tác nhân sự sẽ ngăn chặn được hiện tượng 'cua cậy càng, cá cậy vây'
Tiến tới Đại hội XIII của Đảng: Làm tốt công tác nhân sự sẽ ngăn chặn được hiện tượng 'cua cậy càng, cá cậy vây'

Làm tốt công tác nhân sự đại hội đảng bộ các cấp sẽ chọn được người có tâm, có tầm, có tài vào bộ máy Nhà nước, từ đó góp phần ngăn chặn hiện tượng cục bộ, bè phái, lợi ích nhóm, gây mất đoàn kết, "cua cậy càng, cá cậy vây" làm tổn hại uy tín, đe dọa sự tồn vong của Đảng và vận mệnh quốc gia, dân tộc. Đây là mong muốn, kỳ vọng của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cả nước trước thềm Hội nghị Trung ương lần thứ 12.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN