Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Võ Tiến Sĩ cho biết, trong khoảng 10 năm gần đây, sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Bến Tre diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, mức độ nhanh hơn gây mất đất sản xuất, mất rừng phòng hộ,... ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, dân sinh nhất là đối với 3 huyện ven biển.
Theo kết quả thống kê, toàn tỉnh có 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 134 km. Đáng chú ý, sạt lở bờ sông 104 điểm, tổng chiều dài khoảng 115 km gây hư hại nhà ở, mất đất sản xuất của khoảng 700 hộ dân trong khu vực sạt lở; sạt lở bờ biển 8 điểm, với tổng chiều dài khoảng 19 km đã làm mất khoảng 200 ha đất và 54 ha rừng phòng hộ thuộc 3 huyện ven biển. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh có 16 điểm bờ sông, bờ biển tiếp tục sạt lở thuộc các huyện Mỏ Cày Nam, Châu Thành, Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách, Ba Tri, Bình Đại với tổng chiều dài sạt lở 6.774 m.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, nguyên nhân gây ra sạt lở là do đặc điểm địa hình của tỉnh Bến Tre có hệ thống sông ngòi dày đặc, bờ biển dài dẫn đến thường xuyên chịu ảnh hưởng sạt lở. Hiện tại, số điểm sạt lở bờ sông, bờ biển hầu như ít phát sinh mới so với số điểm sạt lở đã thống kê. Tuy nhiên, mức độ sạt lở có xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn, sạt lở sâu hơn vào trong đất liền, chiều dài sạt lở tăng,...
Hiện nay, tỉnh còn khoảng 13 km bờ sông và 8,5 km bờ biển đang bị ảnh hưởng sạt lở nghiêm trọng cần được bố trí vốn để đầu tư xây dựng công trình, ước tổng nhu cầu kinh phí thực hiện trên 1.000 tỷ đồng. Những khu vực đã và đang diễn biến sạt lở nghiêm trọng như: Sạt lở bờ biển Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú; sạt lở bờ sông Mỏ Cày; sạt lở khu vực các cồn: cồn Tam Hiệp, huyện Bình Đại; cồn Phú Đa, huyện Chợ Lách; cồn Thành Long, huyện Mỏ Cày Nam.
Thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã triển khai các giải pháp để phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển như tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tổ chức và người dân về phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển; di dời dân cư khẩn cấp ra khỏi các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm.
Tỉnh từng bước sắp xếp lại dân cư, di dời dân cư ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, kết hợp với tái định cư, ổn định đời sống cho người dân. Địa phương phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành 90% việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở.
Cùng với đó, tỉnh kiểm soát hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, khu vực ven biển, ngăn chặn khai thác cát sỏi trái phép, nhất là tại các khu vực đã được cảnh báo có nguy cơ sạt lở. Đồng thời, quản ký chặt chẽ vùng đất ven sông, ven biển không để xây dựng, nâng cấp nhà ở, công trình ven sông, ven biển làm tăng nguy cơ sạt lở, bị rủi ro do sạt lở. Từ năm 2020 đến nay, Bến Tre đã đầu tư xây dựng 22 dự án, công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 37 km, kinh phí thực hiện 1.143 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh đề nghị những công trình nào các địa phương chủ động được nguồn vốn thì triển khai thi công; trong đó, tập trung xử lý sạt lở những công trình công cộng, khu dân cư tập trung trong điều kiện nguồn vốn của tỉnh có hạn. Ngoài ra, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Bến Tre phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình chống sạt lở bờ sông, bờ biển đang triển khai xây dựng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho rằng do nằm ở cuối nguồn của sông Mekong, sông rạch chằng chịt nên Bến Tre là địa phương trọng điểm về sạt lở. Vì vậy, thời gian tới, ngoài các giải pháp căn cơ, trước mắt tỉnh cần phải xử lý 8 điểm sạt lở khẩn cấp trên địa bàn với nhu cầu nguồn vốn gần 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra, khẩn trương triển khai tốt các dự án phòng, chống sạt lở đã được bố trí kinh phí. Đồng thời, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai sớm dự án Quản lý nước trên địa bàn tỉnh do JICA tài trợ...