Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng là cần thiết. Ngày 7/4/2014, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, với nhiều chủ trương lớn trong tổ chức phong trào thi đua, đề cao trách nhiệm cấp ủy, người đứng đầu trong tổ chức phong trào thi đua; đổi mới công tác khen thưởng, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong thi đua, khen thưởng, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế. Các chủ trương quan trọng đó của Bộ Chính trị cần được thể chế hóa vào Luật Thi đua, khen thưởng.
Năm 2017, Văn phòng Trung ương cũng đã có văn bản số 3257-CV/VPTW thông báo kết luận của Ban Bí thư đồng ý về chủ trương tặng thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” cho đối tượng là thanh niên xung phong tham gia kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, đồng thời “đề nghị Ban Cán sự đảng Chính phủ khẩn trương chỉ đạo Chính phủ nghiên cứu, đề xuất trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, khen thưởng cho phù hợp tình hình mới”.
Bên cạnh đó, sau 17 năm thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Thi đua, khen thưởng còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế trong triển khai phong trào thi đua và công tác khen thưởng; về thủ tục, hồ sơ khen thưởng; về thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống pháp luật về thi đua, khen thưởng.
Nhiều nội dung sửa đổi đã được Chính phủ đề xuất với mục tiêu hoàn thiện quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng phù hợp với công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, đảm bảo đồng bộ, phù hợp yêu cầu của thực tiễn. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác thi đua, khen thưởng về nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua; phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện những điển hình tiên tiến để khen thưởng và đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng; khen thưởng công nhân, nông dân, người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để đơn giản hóa thủ tục hành chính đảm bảo kịp thời, minh bạch, công khai, khả thi và hiệu quả trong việc thực hiện các quy định của Luật.
Phát biểu mới đây tại phiên họp thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, sau khi sửa đổi, Luật Thi đua, khen thưởng phải tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ và rõ rệt trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế. Trong đó, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua. Việc sửa đổi phải đảm bảo hướng nhiều hơn về cơ sở, chú trọng khen thưởng người lao động trực tiếp sản xuất kinh doanh, quan tâm khen thưởng ở cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, ông nhấn mạnh dự án luật với vai trò là sản phẩm đầu tay về công tác lập pháp trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV này, “đầu xuôi thì đuôi lọt”, đây là một cơ hội để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thực hiện được lời hứa và hiện thực hóa được Chương trình hành động tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác lập pháp. Sửa đổi luật phải khắc phục cho được hai khuynh hướng: tình trạng luật ống, luật khung và tình trạng quy định cứng chi tiết những vấn đề chưa đủ rõ, dẫn đến chưa sửa xong đã có bất cập, tuổi thọ của dự án luật rất ngắn và tính khả thi thấp. Cùng với đó, khắc phục được chồng chéo, trùng lặp giữa các quy định của pháp luật.
Dự án luật phải cụ thể hóa, thể chế hóa được chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị để tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để đơn giản hóa thủ tục hành chính, bảo đảm kịp thời, minh bạch, công khai, khả thi và hiệu quả trong việc thực hiện các quy định của luật.
“Khắc phục cho được căn cơ bệnh hình thức và bệnh thành tích. Bệnh thành tích tức là chạy danh hiệu thi đua, làm sao để khắc phục chuyện chạy này, điều nào là điều cấm, công khai, minh bạch việc này ra để không chạy được, rồi đi xin, đi cho. Chúng ta khắc phục được nhiều, nhưng đi xin cho huân chương và thành tích thì không còn gì là động lực nữa”, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.
Ông cho rằng, khen thưởng đang nặng về tích lũy và gối đầu. "Muốn đạt danh hiệu thi đua, khen thưởng cao hơn thì trước đó phải đạt danh hiệu thi đua thấp hơn, cho nên ngược với chuyện chúng ta hướng về cơ sở. Những danh hiệu bậc cao toàn cán bộ, lãnh đạo quản lý, còn người lao động làm gì có cơ hội để tích lũy và gối đầu này, nên không đạt được mục tiêu hướng về cơ sở, hướng về người lao động trực tiếp”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Đặt vấn đề khen thưởng phải bao quát, phổ cập được giữa khu vực công và khu vực tư, nhất là trong khu vực doanh nghiệp, ông cũng nêu lên câu hỏi “Luật có điều chỉnh được các tổ chức, các hiệp hội đặt ra các danh hiệu thi đua này, thi đua kia, khen thưởng cái nọ, khen thưởng cái kia, nhiều hình thức và nhiều nội dung. Chúng ta làm rất tốt nhưng đâu đó vẫn còn có những chuyện, như đại biểu Quốc hội nói, với tình trạng bây giờ, các hiệp hội muốn có được danh hiệu hay cái gì đấy thì đóng tiền thì sẽ có. Luật chúng ta có điều chỉnh việc đấy không?”.
Nhấn mạnh thi đua, khen thưởng là vấn đề liên quan đến con người, sửa đổi dự án luật này rất khó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nhìn thẳng vào thực tế để sửa đổi, bổ sung dự án luật, để tạo được bước chuyển biến căn bản trong lĩnh vực công tác thi đua và công tác khen thưởng; phải đánh giá cho bằng được nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, yếu kém do việc quy định không phù hợp hay tổ chức thực hiện không nghiêm hoặc không tốt.