Thời gian qua, việc mua, bán ngoại tệ trên thị trường tự do diễn biến phức tạp, hoạt động kinh doanh vàng có nhiều biến động bất thường, tình trạng niêm yết, quảng cáo, thanh toán hàng hoá, dịch vụ bằng ngoại tệ trái quy định tương đối phổ biến... Để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về ngoại hối và kinh doanh vàng, ngăn chặn tình trạng "đô la hoá" nền kinh tế, xoá bỏ thị trường ngoại tệ tự do, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 95/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 202/2004/NĐ-CP ngày 10/12/2004 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Với nhiều hành vi vi phạm được quy định cụ thể, chi tiết hơn, cùng với mức phạt được tăng cao gấp nhiều lần so với trước đây, Nghị định 95/2011/NĐ-CP được hy vọng sẽ tăng cường mạnh hơn hiệu lực quản lý trong lĩnh vực tiền tệ, góp phần ổn định và lành mạnh hóa thị trường đang có nhiều vấn đề "nóng" này.
NHNN siết chặt quản lý ngoại hổi.
|
Theo quy định mới của Nghị định 95/2011/NĐ-CP, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng như hoạt động ngoại hối không được phép, niêm yết giá bằng ngoại tệ, vàng hoặc xuất vàng lậu... được nâng mức phạt cao nhất từ 70 triệu đồng lên 500 triệu đồng. Ngoài phạt tiền, Nghị định này cũng quy định sẽ tịch thu tang vật là số ngoại tệ, đồng VND hoặc vàng đối với các hành vi vi phạm; tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ trong thời hạn 12 tháng khi vi phạm lần đầu và tước không thời hạn khi tái phạm đối với các đại lý đổi ngoại tệ.
Đáng chú ý là việc quy định phạt từ 300-500 triệu đồng đối với một trong các hành vi: hoạt động ngoại hối mà không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc giấy phép hoạt động ngoại hối đã hết thời hạn hoặc bị đình chỉ; thực hiện dịch vụ kiều hối mà không được cấp có thẩm quyền cấp phép; hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu ngoại tệ, vàng mà không có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước. Các hành vi trên trước đây chỉ bị phạt từ 45-70 triệu đồng. Nghị định 95/2011/NĐ-CP cũng bổ sung thêm 2 hành vi bị phạt mức 50-100 triệu đồng là thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng vàng với nhau không đúng quy định của pháp luật; kinh doanh, mua, bán vàng không đúng quy định của pháp luật.
Ngay sau khi Nghị định 95/2011/NĐ-CP được ban hành, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối phải phổ biến rộng rãi các quy định của Nghị định, đồng thời nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về quản lý ngoại hối và quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đặc biệt là mua bán ngoại tệ, chủ động phát hiện và báo cáo những hành vi có dấu hiệu vi phạm các quy định về quản lý ngoại hối và kinh doanh vàng.
Bên cạnh đó, với cơ quan thanh tra giám sát, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu phải tổ chức và duy trì đường dây nóng để tiếp nhận thông tin từ các tổ chức và cá nhân; đồng thời luôn kiểm tra và thanh tra, giám sát việc thực hiện các quy định một cách chặt chẽ. Về phía các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, phải tổ chức và duy trì đường dây nóng để tiếp nhận thông tin về các hành vi vi phạm, phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định về quản lý ngoại hối, vàng theo thẩm quyền.
Đ ể quản lý có hiệu quả thị trường ngoại hối, ổn định tỷ giá và thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện điều chỉnh linh hoạt tỷ giá bình quân liên ngân hàng phù hợp với diễn biến thị trường; bán ngoại tệ can thiệp kịp thời với liều lượng thích hợp để bình ổn thị trường ngoại hối; đồng thời yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng cường bán ngoại tệ; điều chỉnh tăng 1% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng kể từ kỳ dự trữ bắt buộc tháng 9/2011; mở rộng đối tượng phải áp dụng dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ (tiền gửi bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng ở nước ngoài) và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc kiểm soát hoạt động mua bán ngoại tệ bất hợp pháp trên thị trường tự do và chủ động thông tin, tuyên truyền để ổn định tâm lý thị trường./.
Lan Nhi