Đây là một trong chuỗi các hoạt động thiết thực kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962 - 5/9/2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2022).
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho hay, Chương trình này triển khai từ năm 2011 đến nay đã trở thành điểm sáng, mô hình tiêu biểu được học tập, nhân rộng trong cả nước. Hàng năm, trung bình có khoảng gần 100 em sinh viên Lào tham gia Chương trình homestay tại thành phố Đà Nẵng; qua đó rất nhiều quan hệ kết nghĩa bố mẹ - con, anh - chị - em Việt - Lào được hình thành, là hạt nhân nuôi dưỡng và phát triển quan hệ khăng khít giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào anh em. Đặc biệt, năm 2022, các gia đình sẽ tiếp tục đón các em sinh viên Lào về ở nhà mình trong 3 tuần.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh: Với trách nhiệm của chính quyền địa phương và truyền thống nhân hậu và hiếu khách của người dân Đà Nẵng, các em sinh viên sẽ cảm nhận được cuộc sống gia đình ấm cúng, yêu thương, gắn bó. Các em có cơ hội nâng cao kỹ năng giao tiếp Tiếng Việt, gắn bó hơn với cuộc sống của người dân thành phố...
Ông Souphanh Hadaoheuang, Tổng Lãnh sự nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Đà Nẵng cho rằng, Chương trình có ý nghĩa sâu sắc; mở ra cơ hội cho học sinh, sinh viên Lào hiểu thêm về phong tục tập quán và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam; rèn luyện kỹ năng sử dụng ngôn ngữ một cách sâu sắc hơn ngoài môi trường giáo dục trong nhà trường.
Theo ông Souphanh Hadaoheuang, từ năm 2002 đến nay, Đại học Đà Nẵng đã tiếp nhận hơn 1.000 sinh viên Lào sang học tập tại trường. Đến nay, nhiều người đã trưởng thành sau khi ra trường, một số đã trở thành những cán bộ chủ chốt, những nhân viên giỏi và doanh nghiệp thành đạt với năng lực toàn diện.
Em Dalinvanh (du học sinh Lào, 22 tuổi), sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng chia sẻ: “Chương trình này thật thiết thực và quan trọng đối với chúng em. Qua đây, chúng em có cơ hội được tiếp xúc, giao lưu, tìm hiểu văn hóa, phong tục, tập quán của người Việt Nam; được rèn luyện, trau dồi kỹ năng Tiếng Việt để chuẩn bị nền tảng cho các năm học tiếp theo. Không những thế, chúng em còn được tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, nhiều bài học thú vị khác và đặc biệt có thêm những người bố, người mẹ tuyệt vời trên đất nước này”.
Đón sinh viên Lào về sinh sống tại nhà, cô Ngô Thị Hường (trú tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) phấn khởi, chia sẻ: “Tôi rất vui mừng khi tiếp đón các em học sinh Lào. Đây là cơ hội để những người dân Việt yêu mến đất nước và con người Lào như tôi được giao lưu và hiểu biết hơn về văn hóa tập quán của người Lào. Tuy thời gian chương trình chỉ diễn ra 3 tuần, nhưng chúng tôi hy vọng đó sẽ là quãng thời gian đáng nhớ, tràn đầy tình cảm, góp phần thúc đẩy và tăng cường quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai dân tộc Việt Nam – Lào”.