Theo Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, trong bối cảnh đất nước đang phát triển mạnh mẽ do tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, nước ta cần xây dựng được con đường tri thức thông qua xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí đánh giá việc thực hiện xây dựng mô hình xã hội học tập, coi đó như một công cụ quản lý, đánh giá tình trạng xây dựng xã hội học tập ở các cấp. Đây là một giải pháp để các cấp chính quyền tổ chức thực hiện, theo dõi, kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thuộc quyền quản lý của các cấp (giống như Bộ tiêu chí đánh giá cấp xã, huyện, tỉnh trong chương trình xây dựng nông thôn mới...).
Dự thảo “Tiêu chí đánh giá mô hình xã hội học tập cấp xã, huyện, tỉnh” giai đoạn 2022 - 2030 do Thường trực Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam xây dựng, được thiết kế theo một khung thống nhất bao gồm ba tiêu chí cơ bản: Điều kiện để xây dựng mô hình xã hội học tập trên địa bàn hành chính; Kết quả học tập của nhân dân trên địa bàn thông qua việc thực hiện các chỉ tiêu được quy định cụ thể trong Quyết định 1373/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Hiệu quả, tác dụng việc học tập của công dân trên địa bàn đối với sự phát triển kinh tế, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và văn hóa, môi trường ở địa phương.
Bộ tiêu chí sẽ phân làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2022 - 2026. Sau khi tổng kết giai đoạn 1, dựa vào tình hình thực tế sẽ bổ sung bộ tiêu chí cho giai đoạn 2026 - 2030.
Đóng góp ý kiến tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Kim Hải, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ bày tỏ sự thống nhất cao về mặt lý luận, thực tiễn, sự cần thiết phải ban hành đồng bộ bộ tiêu chí xây dựng các mô hình (công dân, gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập) và công nhận mô hình xã hội học tập trên địa bàn hành chính các cấp nhằm tạo sự đồng bộ, lan tỏa phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời...
Bà Nguyễn Thị Kim Hải đề nghị Hội Khuyến học Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thống nhất về tên gọi đối với việc xây dựng các mô hình học tập nhằm tránh dùng lẫn lộn khái niệm hoặc dùng thiếu thống nhất (do hiện nay các mô hình này có nhiều tên gọi) và khẩn trương hoàn thiện Bộ tiêu chí trình Chính phủ phê duyệt; những nội dung quan trọng về cách đánh giá, xếp loại, mức điểm cần cụ thể hơn, có so sánh kết quả hàng năm…
Theo bà Kim Hải, các nội dung tiêu chí mặc dù đã phân giai đoạn 2021 - 2026, 2026 - 2030 nhưng vẫn phải bám sát với mục tiêu, tiêu chí của Quyết định 1373/QĐ-TTg; đặc biệt chú trọng đến chỉ số về sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và yếu tố cốt lõi để công nhận xã hội học tập.
Bộ tiêu chí phải có cấu trúc chặt chẽ, phù hợp với địa phương và giúp địa phương dễ thực hiện nhất. Cần rút kinh nghiệm kết quả thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí công nhận huyện/tỉnh học tập (Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai) để hoàn thiện Bộ tiêu chí phù hợp với điều kiện thực tiễn vùng miền; đồng thời đề xuất với Chính phủ ban hành bộ tiêu chí và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Kim Hải cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan hướng dẫn cụ thể, chi tiết các địa phương, ngành thực hiện một cách đồng bộ; ban hành những văn bản, bộ tài liệu hướng dẫn, tập huấn, quán triệt chủ trương, kế hoạch triển khai và tổ chức kiểm tra, đánh giá, xếp loại các địa phương làm tốt để báo cáo Chính phủ... Đồng thời khẩn trương phát động phong trào thi đua xây dựng cả nước thành một xã hội học tập.
Theo Thạc sỹ Hoàng Duy Đỉnh, Chủ tịch Hội Khuyến học Hải Phòng, cấu trúc Bộ tiêu chí với 3 khung thành phần: “Điều kiện - Kết quả và Tác động (tác dụng)”, với 15 chỉ số đo áp dụng cho cả 3 mô hình học tập là phù hợp, dễ làm. Tuy nhiên, nếu soi chiếu với các Bộ tiêu chí đã và đang áp dụng tại các mô hình học tập do Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thì có nhiều sự khác biệt cả về nội dung và số lượng các chỉ số đo.
Cụ thể, mô hình “Cộng đồng học tập cấp xã” theo Thông tư 44 /2014/TT-BGDĐT có tới 25 nhóm tiêu chí và 50 chỉ số đo; mô hình “Đơn vị học tập” theo Thông tư 22/2020/TT-BGDĐT có 18 chỉ số đo; mô hình “Tỉnh/thành phố học tập” theo Công văn 5195/BGDĐT-GDTX có 20 chỉ số đo.
Sự không thống nhất này khiến quá trình áp dụng theo và đánh giá gặp rất nhiều khó khăn, một số chỉ số đo đang tính bằng tỉ lệ phần trăm hoặc rất khó lượng hóa, một vài chỉ số thiếu tính thực tiễn cần được xem xét và điều chỉnh cho phù hợp.
Thạc sỹ Hoàng Duy Đỉnh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hội Khuyến học Việt Nam sớm có sự thống nhất trong việc xây dựng cấu trúc khung cho các Bộ tiêu chí vì bản chất đều là đánh giá các mô hình học tập. Theo đó, các văn bản không còn phù hợp cũng sớm được thay thế hoặc bãi bỏ.
Tại hội thảo, tất cả các đại biểu đều nhất trí sớm ban hành bộ tiêu chí đánh giá việc thực hiện xây dựng xã hội học tập. Hầu hết các ý kiến nhất trí bổ sung nội dung về điều kiện cơ sở vật chất, các yêu cầu nhằm đảm bảo cho người học được học trong một môi trường tốt.
Phát biểu tổng kết hội thảo, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt nam Nguyễn Thị Doan đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn nhắc các Sở giáo dục tích cực hơn nữa trong thực hiện các mô hình học tập; sớm sửa hai Thông tư 44/2014/TT-BGDĐT và 22/2020/TT-BGDĐT cho thống nhất, phù hợp; nghiên cứu tất cả các ý kiến phát biểu và kết quả của hội thảo để sớm xây dựng, ban hành chính thức bộ tiêu chí đánh giá việc thực hiện xây dựng xã hội học tập của các địa phương và coi đây là công cụ quản lý.
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh, Bộ tiêu chí đánh giá việc thực hiện xây dựng xã hội học tập của các cấp hành chính được ban hành sẽ là chìa khóa tháo gỡ một nút thắt quan trọng trong xây dựng thành công xã hội học tập ở nước ta giai đoạn 2021 - 2030. Khi bộ tiêu chí đi vào cuộc sống sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các cấp, các ngành thực hiện các chỉ tiêu của xã hội học tập, giúp các cơ quan quản lý thuận lợi trong việc kiểm tra việc thực hiện các tiêu chí, các chỉ tiêu ở các địa phương, đặc biệt là kiểm tra việc thực hiện xây dựng xã hội học tập ở các địa bàn hành chính cấp xã, huyện, tỉnh, thành phố.