Còn 92 đại biểu đăng kí chất vấn và 3 đại biểu đăng kí tranh luận nhưng do hết thời gian nên chưa chất vấn và phát biểu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu gửi câu hỏi đến Bộ trưởng để trả lời bằng văn bản theo quy định.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận phiên chất vấn diễn ra sôi nổi với tinh thần xây dựng, trách nhiệm. Các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi cụ thể, ngắn gọn, trọng tâm; một số đại biểu tích cực tranh luận làm rõ hơn vấn đề chất vấn.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt giữ cương vị Tư lệnh ngành KH&CN từ cuối nhiệm kỳ khóa XIV (từ Kỳ họp thứ 10), nhưng đây là lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Là một nhà khoa học và cũng từng lãnh đạo Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh - một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học lớn của nước ta, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nắm rất chắc thực trạng lĩnh vực quản lý, trả lời tự tin, đầy đủ, thẳng thắn các câu hỏi của đại biểu Quốc hội, có đề xuất định hướng và phương án cụ thể để xử lý trong thời gian tới.
Cùng tham gia trả lời, giải trình làm rõ thêm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực KH&CN có: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, qua báo cáo và diễn biến của phiên chất vấn này cho thấy, thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm, nỗ lực trách nhiệm, ngành KHCN đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, chiến lược phát triển khoa học công nghệ giai đoạn 2011 - 2020 được triển khai tích cực, hoàn thành 8/11 mục tiêu quan trọng đề ra; đã ban hành và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.
Đây là bước đột phá, có ý nghĩa quan trọng, tạo bứt phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Hành lang pháp lý về phát triển KHCN ngày càng hoàn thiện. Tỷ trọng đầu tư giữa Nhà nước và doanh nghiệp cho KHCN được cải thiện theo chiều hướng tích cực.
Công tác nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh; khoa học cơ bản đạt nhiều thành tựu; KHCN ứng dụng có những bước tiến rõ nét. Đã chú trọng, thúc đẩy phát triển thị trường KHCN, đẩy nhanh việc chuyển giao và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc; việc phát triển và phát huy vai trò then chốt của KH&CN còn nhiều hạn chế như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu đồng bộ. Thị trường KH&CN phát triển còn chậm, ít có tổ chức trung gian uy tín, kinh nghiệm để kết nối cung - cầu. Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia đang trong giai đoạn hình thành, chưa đồng bộ, hiệu quả. Phát triển các loại hình khu công nghệ cao chưa như kỳ vọng. Quỹ phát triển KH&CN quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia có mục tiêu thu hút thêm nguồn lực đầu tư từ xã hội, nhưng hiện nay vẫn hoàn toàn dựa vào ngân sách nhà nước. Tổng đầu tư xã hội cho KHCN và đổi mới sáng tạo còn thấp, đầu tư còn dàn trải, hiệu quả đầu tư chưa cao. Đội ngũ cán bộ KHCN tuy tăng số lượng, nhưng thiếu các nhà khoa học đầu ngành.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị qua phiên chất vấn, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH&CN, các Bộ trưởng có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp đề ra nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cần tập trung vào những vấn đề chính. Theo đó, thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; triển khai đồng bộ các Chương trình KH&CN cấp quốc gia đến năm 2030. Tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và đồng bộ hóa các quy định pháp luật, chính sách của Nhà nước về phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo.
Đổi mới tư duy về trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho tổ chức KH&CN công lập nhằm tăng cường trách nhiệm, nâng cao tính chủ động, sáng tạo của tổ chức. Có giải pháp để các trường đại học thực sự trở thành trung tâm nghiên cứu KH&CN và là trung tâm đào tạo đội ngũ nhân lực KH&CN và đổi mới sáng tạo trình độ cao.
Chú trọng hơn việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp, công nhận, đăng ký lưu hành sản phẩm mới, công nghệ mới; công bố công nghệ mới, sản phẩm mới tạo ra tại Việt Nam từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho KH&CN; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư cho KH&CN và đẩy mạnh liên kết với các tổ chức nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, các doanh nghiệp nước ngoài. Hoàn thiện quy định về khu công nghệ cao; tiếp tục nghiên cứu, tham mưu giải pháp thúc đẩy phát triển các loại hình khu chức năng.
Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về Quỹ phát triển KH&CN quốc gia; trong đó nghiên cứu rà soát để đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật liên quan. Đẩy mạnh xã hội hoá các dịch vụ KH&CN, nhất là dịch vụ tư vấn, môi giới, đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ, các dịch vụ sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.