Làm rõ trách nhiệm khi dự án chậm tiến độ
Theo Nghị quyết số 53/2017/QH14 của Quốc hội, "việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được triển khai một lần và hoàn thành trước năm 2021"; tại Tờ trình, Chính phủ kiến nghị Quốc hội kéo dài thời gian thực hiện Dự án "đến hết năm 2024".
Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) chỉ rõ, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần đích thân đến tận công trình để chỉ đạo, đôn đốc, giải quyết khó khăn nhưng tiến độ triển khai dự án vẫn rất chậm. Đó là vấn đề lớn liên quan đến hiệu lực, hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước. Do đó, cần làm rõ trách nhiệm khi dự án triển khai chậm tiến độ.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên - Huế) cho rằng, thẩm quyền của Quốc hội là xem xét kéo dài hay không thời gian thực hiện dự án bồi thường, tái định cư. Việc xem xét kéo dài thời gian giải ngân vốn, điều chỉnh các dự án thành phần thuộc thẩm quyền của Chính phủ, vì không điều chỉnh các tiểu dự án, không điều chỉnh quy mô, nguồn lực, diện tích đất ảnh hưởng khi thực hiện dự án.
Đại biểu đề nghị Chính phủ tính toán, xem xét tiến độ giải quyết tái định cư, ổn định đời sống của người dân khi giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, đền bù và trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu thi công khi để dự án kéo dài như vậy.
“Tại một số địa phương, sau khi giải phóng, trả lại mặt bằng sạch, người dân chưa được định cư ổn định. Điều này cần được xem xét kỹ, sớm ổn định đời sống người dân ở khu vực bị thu hồi đất”, đại biểu Nguyễn Thị Sửu lưu ý.
Có ý kiến đề nghị Chính phủ cần chủ động và kịp thời báo cáo Quốc hội khi quá trình triển khai dự án có khả năng không bảo đảm tiến độ và một số chỉ tiêu được nêu tại Nghị quyết của Quốc hội cần phải điều chỉnh để bảo đảm không phát sinh thêm thủ tục, gây lãng phí thời gian và nguồn lực thực hiện Dự án. Bên cạnh đó, cần đánh giá nguyên nhân khách quan và chủ quan, rút kinh nghiệm qua triển khai khi để chậm tiến độ dự án.
Xem xét năng lực của từng địa phương
Thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm bảo đảm thực hiện thành công chủ trương của Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại, đổi mới mạnh mẽ phân cấp, phân quyền, ủy quyền và nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác chỉ đạo, điều hành, thu hút tối đa nguồn lực đầu tư.
Về nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm (Điều 3), Chính phủ đề xuất nguyên tắc xây dựng danh mục thí điểm gồm: Có đề xuất bằng văn bản của Bộ Giao thông vận tải và/hoặc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đã xác định hoặc dự kiến được nguồn vốn đầu tư để có thể triển khai thực hiện dự án; trường hợp sử dụng vốn ngân sách địa phương phải có cam kết bố trí vốn của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trước khi cấp có thẩm quyền quyết định danh mục dự án được áp dụng chính sách thí điểm; có địa điểm, thời gian thực hiện rõ ràng, cụ thể. Các dự án đề xuất phải thuộc một trong các nhóm chính sách đang đề xuất thí điểm của Nghị quyết này.
Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) cho rằng, để đảm bảo chất lượng của các dự án giao thông đường bộ nhất là các dự án có số vốn đầu tư lớn hàng nghìn tỷ đồng, cần tính đến năng lực quản lý của từng địa phương. Đại biểu đề nghị bổ sung nguyên tắc này trong dự thảo Nghị quyết.
Về cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (Điều 7), đại biểu Nguyễn Hữu Toàn cơ bản tán thành với đề xuất này nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thi công của một số dự án giao thông. Tuy nhiên, ngoài các nhà thầu, Chính phủ đề xuất bổ sung đối tượng áp dụng cơ chế này cho các nhà đầu tư. Đại biểu đề nghị làm rõ sự cần thiết áp dụng cơ chế này đối với các nhà đầu tư thực hiện dự án.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên - Huế) chỉ rõ, nhà đầu tư, nhà thầu là 2 chủ thể khác nhau; có phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn... khác nhau. Do đó, việc Chính phủ đề xuất mở rộng đối tượng áp dụng cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản cần xem xét kỹ lưỡng; làm rõ việc áp dụng cơ chế này cho nhà đầu tư có gì khác so với khi áp dụng với nhà thầu thi công.
Dự thảo Nghị quyết quy định: Nhà đầu tư, nhà thầu thi công có trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường; thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật...
Theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu, quy định như vậy là chưa đủ. Thực tiễn cho thấy, việc khai thác khoáng sản tại một số địa phương đã để lại nhiều hậu quả, gây dư luận không tốt trong xã hội, các đơn vị không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ như đã cam kết. Vì vậy, dự thảo Nghị quyết cần quy định chặt chẽ hơn. Ngoài quy định về đánh giá tác động môi trường, thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo môi trường... thì phải có chế tài xử lý đối nhà đầu tư, nhà thầu thi công không thực hiện như cam kết để ràng buộc trách nhiệm của các đơn vị này.
Về các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương, dự thảo Nghị quyết quy định Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định giao một Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản, thực hiện đầu tư dự án giao thông đường bộ và sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ vốn đầu tư cho địa phương khác để đầu tư thực hiện dự án.
Các đại biểu cho rằng, quy định như vậy tạo sự linh hoạt trong điều hành ngân sách, đáp ứng nhu cầu cấp bách của các địa phương và thuận lợi hơn cho công tác quản lý dự án. Với cơ chế đặc thù này, cử tri rất tin tưởng và mong rằng từ Trung ương đến địa phương sẽ có sự đồng hành phối hợp chặt chẽ, phân định rõ trách nhiệm, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công sớm hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng các công trình, dự án theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ trên cơ sở xem xét năng lực điều hành, khả năng làm chủ đầu tư dự án của một số địa phương nhất định khi trao quyền. Vì dự án giao thông có quy mô lớn đòi hỏi khả năng điều phối, năng lực điều hành, xử lý nhanh các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Chủ đầu tư phải có năng lực, kinh nghiệm, có đủ khả năng triển khai nhanh các phần việc có liên quan, từ việc chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng, thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ...