Loạt đại bác đi vào lịch sử Hồi 20 giờ 3 phút ngày 19/12/1946, Pháo đài Láng bắn loạt đạn đầu tiên, phát ra hiệu lệnh tổng tiến công, mở đầu cho những ngày Toàn quốc kháng chiến. Ngay sau đó, quân và dân Hà Nội với vũ khí thô sơ, ít ỏi nhưng ngoan cường chống lại thực dân Pháp bằng những trận đánh ác liệt.
Pháo của quân ta tại trận địa Láng, Hà Nội chuẩn bị khai hỏa, trừng trị quân xâm lược. Ảnh: TTXVN |
Các pháo thủ ở Pháo đài Láng có 9 người thời đó nhưng bây giờ chỉ còn cụ Đỗ Văn Đa, hiện đang trú tại gần trận địa cũ. Có lẽ tham gia cách mạng từ nhỏ, gần trọn cuộc đời cống hiến cho quân ngũ nên đến giờ cụ vẫn tràn đầy nhiệt huyết của người pháo thủ năm xưa.
Nhắc lại những ngày đầu tham gia tại Pháo đài Láng, cụ vẫn nhớ rõ từng chi tiết nhỏ nhất, tỉ mỉ kể cho người nghe những ngày cụ tham gia tự vệ ở xã Yên Lãng (thuộc khu Đống Đa), rồi việc tiếp quản, chuyển giao Pháo đài Láng từ tay quân Pháp, quân Nhật, quân Tàu Phù rồi đến lực lượng Việt Minh.
Cụ kể rằng: Khi lực lượng cách mạng làm chủ Pháo đài, Chính phủ kêu gọi các pháo thủ cũ đi theo cách mạng, trở về tiếp quản, sử dụng vũ khí, cùng nhân dân đánh Pháp. Cũng từ thời điểm đó, cụ được tuyển chọn vào Pháo đài Láng để canh gác, đào hầm và sử dụng súng.
Cụ Đỗ Văn Đa nhớ rất rõ ngày 18/12, một người đi ô tô từ nội thành ra trao đổi và đưa cho Trung đội trưởng Gia (chỉ huy Pháo đài) một phong bì (sau này ông mới biết là hiệu lệnh tấn công). Trưa ngày 19/12, Trung đội trưởng Gia ra lệnh cho anh em tại Pháo đài ăn cơm chiều sớm, sắp xếp tư trang, phân công nhiệm vụ cho mọi người vì có thể đến tối chiến đấu. Nghe thế, cụ Đa cũng như mọi người đều cảm thấy hồi hộp, trống ngực đánh thình thịch vì chưa tham gia trận đánh quan trọng nào. Khi đó, người dân trong làng bắt đầu đi sơ tán, đường phố rất nhộn nhịp.
Ngay tối, các pháo thủ tập trung ngoài pháo đài, hồi hộp đến độ trời rét nhưng có người vẫn toát mồ hôi. Bầu trời tối om, mọi người nhìnvào phía nội thành chờ đợi, bỗng một pháo hiệu phụt thẳng giữa thành phố lên giữa trời. Lúc đó, Trung đội trưởng Gia hô: “Chuẩn bị… Bắn! Bắn! Bắn”. Hai khẩu pháo tức thì bắn 3 loạt, 6 viên vào trong thành. Cả Pháo đài rung chuyển, đất cát bay mù mịt, quần áo, mặt mũi các pháo thủ lấm lem.
Ngay sau đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi điện cho Trung đội trưởng Gia yêu cầu cho trinh sát vào trong thành Hà Nội kiểm tra xem có viên đạn nào ra ngoài hay vào dân không? Mấy phút sau, trinh sát báo về, trong thành, binh lính Pháp chết rất nhiều, một viên ra phía Bắc thành nhưng không ảnh hưởng tới dân.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi điện biểu dương chiến sĩ Pháo đài Láng thực hiện tốt nhiệm vụ, bắn chính xác mục tiêu khiến ai nấy đều hết sức vui mừng. Sáng hôm sau, Đại tướng nhận định: “Pháo đài Láng bắn loạt đạn tối qua là loạt đạn thần thánh của dân tộc ta, là thắng lợi lớn vì bọn thực dân đang có âm mưu phá thành đánh ta. Ta đã đánh trước nó được ít phút, phá tan âm mưu của địch”.
Sau tiếng súng hiệu lệnh của Pháo đài Láng, quân và dân Hà Nội quyết liệt giao chiến ở các nơi suốt cả đêm 19/12 đến sáng ngày 19/12. Tiếng súng không ngớt, cả bầu trời Thủ đô rực sáng. Đến tối 21/12, trinh sát báo có 2 tàu chiến của Pháp từ Hải Phòng lên chở rất nhiều binh lính Pháp, đỗ ở bến Phà Đen.
Vào khoảng 11 giờ đêm, các pháo thủ Pháo đài Láng bắn ra 3 phát đạn vào tài chiến khiến chúng điên cuồng bắn trả. Trong trận này, hai pháo thủ của Pháo đài Láng hy sinh, một người dân làng Láng tử vong và một người khác bị thương. Từ ngày 23/12 trở đi, bộ binh và nhân dân Thủ đô các cửa ô Hà Nội quyết liệt chiến đấu chống quân Pháp, giam chân địch trong thành, còn các pháo thủ Pháo đài Láng tiếp tục đào hầm, chuẩn bị đạn dược, vũ khí chờ lệnh chiến đấu.
Đến ngày 12 tháng Giêng năm 1947, các chiến sĩ Pháo đài Láng được lệnh rút quân lên Việt Bắc. Khi đi các pháo thủ đã tháo một cơ bẩm và một máng đạn mang đi. Đến bến đò Đan Sỹ, Hà Đông, anh em giao cho Ủy ban chiến đấu đang trực chiến để tiếp tục hành quân.
Cụ Đỗ Văn Đa chia sẻ: “Đồng đội ở Pháo đài Láng tuy đã mất nhưng con cháu họ luôn tự hào về những cống hiến của cha ông trong những ngày chiến đấu ở Pháo đài Láng. Tên tuổi của các pháo thủ đã gắn liền với Pháo đài Láng và đó không chỉ là niềm vinh dự của họ mà là niềm vinh dự của mọi người dân Yên Lãng nay là phường Láng Thượng, quận Đống Đa nói chung”.
Cuộc lui quân thần kỳ Sau loạt đạn đầu tiên mở đầu Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Hà Nội chìm trong 60 ngày đêm khói lửa chiến đấu. Ký ức này không thể nào quên đối với các chiến sỹ Vệ quốc đoàn như cụ Nguyễn Mạnh Hải, hiện trú tại phố Trần Quốc Toản, quận Hoàn Kiếm.
Năm 1946, chiến sỹ Nguyễn Mạnh Hải tham gia Vệ quốc đoàn đóng ở Bắc Bộ Phủ. Nhiệm vụ của Vệ quốc đoàn Nguyễn Mạnh Hải là liên lạc, mang mệnh lệnh chiến đấu đi các nơi, nắm tình hình quân địch để báo cáo cấp trên.
Trong niềm say mê khi hồi tưởng lại quá khứ, cụ Nguyễn Mạnh Hải chia sẻ: Tối 19/12/1946, khi nghe tiếng đại bác hiệu lệnh tấn công, cụ và mọi người rất hồi hộp vì chưa khi nào tham gia chiến đấu. Đại đội 2, Tiểu đoàn 1 của cụ được giao nhiệm vụ chiến đấu ở Kho bạc Hà Nội, nơi mà trước đó cụ đã từng có đụng độ với quân Pháp. Khi đó, trời tối mịt mù, đánh địch nhưng không nhìn thấy chúng ở đâu, chỉ nghe thấy tiếng nói là bắn xối xả vào đó. Sau một thời gian giao tranh, Đại đội 2 rút về Hàng Tre.
Quân và dân Hà Nội chiến đấu, giành giật với địch từng góc nhà, đường phố (tháng 12-1946). Ảnh: TTXVN |
Cụ cũng kể rằng, sáng hôm sau đi qua khu Kho bạc Nhà nước, thấy mấy thằng Tây đen ngồi trên bao cát chắn phía trước, các chiến sỹ giơ súng bắn tỉa gây thương vong cho chúng. Bọn chúng xối xả bắn lại, buộc mọi người phải ném trả chai xăng gây cháy rồi tháo chạy. Sau trận đánh Đồng Xuân, chiến sỹ Nguyễn Mạnh Hải, được lệnh lên đóng quân ở phố Hàng Chiếu, lập lại đốc quân sự.
Cụ Nguyễn Mạnh Hải cũng kể lại những trận đánh ác liệt ở Bắc Bộ Phủ, ở Hàng Đậu, chợ Đồng Xuân, Hàng Thiếc… Nhưng có lẽ điều cụ tâm đắc nhất là, trong điều kiện chiến đấu không cân sức, vũ khí đánh nhau thô sơ nhưng lực lượng quân ta sáng tạo ra nhiều cách đánh hay. Đó là cách đục tường từ nhà này sang nhà khác từ đầu phố đến cuối phố theo hình dích dắc tựa trận đồ bát quái, diện tích chỉ đủ người chui qua.
Khi Pháp tấn công, lực lượng của ta nhỏ người chui được nhưng khi quân Pháp người to bị kẹt lại nên ta thừa thế tấn công. Hoặc tại những nhà đầu phố, quân ta phá hết cầu thang lên tầng hai, chỉ sử dụng thang tre hoặc thang dây. Lúc địch với ta đánh giáp lá cà, nó xông vào nhà bắn, ta rút lên gác rồi ném lựu đạn xuống.
Sau 60 ngày đêm chiến đấu ác liệt, đến chiều 17/2/1947, Đại đội được lệnh rút quân, mỗi người được phát một tấm biểu tượng Vệ quốc đoàn và cả Đại đội được phát một cuộn dây dài vài chục mét, một lá cờ. Cuộc rút quân diễn ra vào ban đêm nên có thể sử dụng cuộn dây để mọi người túm vào tránh lạc nhau. Buổi tối, cả Đại đội tập trung ở đền Phát Lộc, sau ra Cột đồng hồ rồi hành quân qua mép nước sông Hồng, vượt qua gầm cầu Long Biên. Có điều thần kỳ, cả đoàn quân đông tới vài trăm người nhưng cứ đi, im phăng phắc, không một tiếng động.
Trên cầu Long Biên, quân Pháp vẫn canh gác, dọi đèn pin nhưng không hề phát hiện hành trình lui quân của Đoàn Thủ đô. Cụ Nguyễn Mạnh Hải nhớ lại: “Dù đêm rét căm căm, đoàn quân cứ lặng lẽ di chuyển nhưng cũng vô cùng căng thẳng vì đồn địch ngay gần đó”.
Qua cầu Long Biên khá xa, đoàn quân lội qua một rạch nước sang bãi giữa sông Hồng, đến cuối bãi có thuyền đón đoàn quân sang bên kia bãi Tứ Tổng. Ngủ qua đêm ở bãi Tứ Tổng, sáng hôm sau tiếp tục sang bên kia sông để rút lên chiến khu Việt Bắc. Cuộc lui quân của Đoàn Thủ đô được coi là cuộc lui quân thần kỳ, vượt qua sự canh gác gắt gao của quân Pháp mà lực lượng ta không mất một chiến sỹ nào.
Đến nay, 7 thập kỷ trôi qua nhưng cụ vẫn giữ được tấm biểu tượng của Vệ quốc đoàn, được phát trong những ngày Toàn quốc kháng chiến. Tấm biểu tượng được làm bằng đồng ghi chữ VNVQĐ - Đoàn Thủ đô (Việt Nam Vệ Quốc Đoàn - Đoàn Thủ đô), nay đã ngả màu thời gian, nhưng với cụ đó là một tài sản vô giá gắn liền với những tháng ngày gian khổ chiến đấu bảo vệ Hà Nội.