Đồng chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản; Phạm Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương.
Hội thảo nhằm làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến phát huy các nguồn lực cho phát triển ở Việt Nam; đề xuất những quan điểm, giải pháp đột phá phát huy hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Hội thảo diễn ra trong hai phiên, tập trung vào những nội dung cụ thể như: Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát huy hiệu quả các nguồn lực nhằm thực hiện mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; thực trạng huy động, sử dụng các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam; mối quan hệ giữa các nguồn lực nhằm thực hiện mục tiêu phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về những nhân tố tác động đến việc phát huy hiệu quả các nguồn lực nhằm thực hiện mục tiêu phát triển đất nước; thực trạng phát huy các nguồn lực dựa trên lợi thế so sánh tại một số địa phương…
Theo ông Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản, với một quốc gia, để phát triển đất nước cần nhiều nguồn lực, trong đó có thể xem xét dưới góc độ nguồn lực nội sinh và nguồn lực ngoại sinh. Những yếu tố ảnh hưởng đến phát huy nguồn lực nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước có thể kể đến như: Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giáo dục và đào tạo; toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, môi trường văn hóa...
Do đó, bên cạnh việc tiếp tục triển khai, thể chế hóa, thực hiện tốt các quan điểm, chủ trương của Đảng, cần hoàn thiện thể chế phát triển trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đặc biệt là thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam; mở rộng hợp tác, hội nhập quốc tế sâu rộng...
Bàn về vấn đề huy động, sử dụng các nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước cho mục tiêu phát triển bền vững, ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài Chính) cho rằng, cần hoàn thiện hệ thống chính sách thu ngân sách nhà nước đồng bộ, có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước, góp phần tạo lập môi trường cạnh tranh phù hợp với quá trình hội nhập. Đồng thời, việc nâng cao hiệu quả phân bổ, quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính gắn với thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế cần được quan tâm hơn nữa; song song với đẩy mạnh cơ cấu lại chi đầu tư công, nâng cao hiệu lực, hiệu quả phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, cải thiện vai trò dẫn dắt của nguồn lực ngân sách nhà nước.
Các ý kiến tham luận tại Hội thảo thống nhất cho rằng, vấn đề quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với việc phát huy hiệu quả các nguồn lực nhằm thực hiện mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là phải đổi mới thể chế, cơ chế, pháp luật, chính sách về huy động, sử dụng các nguồn lực; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan quản lý nhà nước đối với các nguồn lực.
Đồng thời, cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm cá nhân; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, tiêu cực; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực huy động và sử dụng các nguồn lực của đất nước; phát huy vai trò của nhân dân, doanh nghiệp trong việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Doanh nghiệp phải là đầu tàu của đổi mới sáng tạo, tích cực tăng năng suất, sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Các địa phương cần sử dụng lợi thế so sánh, liên kết vùng nhằm đạt mục tiêu trong phát triển.