Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được tổ chức trọng thể theo nghi thức Quốc tang, bắt đầu từ 7 giờ phút, ngày 25/7 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Cùng thời gian này Lễ viếng được cử hành tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Cử hành trọng thể Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Trước đó, vào 6 giờ sáng, Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện nghi lễ treo băng tang lên lá Quốc kỳ và thượng cờ rủ tại Quảng trường Ba Đình, chính thức bắt đầu Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong 2 ngày 25 và 26/7/2024.
Trong niềm xúc động, tiếc thương sâu sắc, các đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ban, ngành, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang cùng đông đảo tầng lớp nhân dân Thủ đô và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã vào viếng và chia buồn cùng gia quyến.
Theo Ban Tổ chức Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ 7 giờ đến 24 giờ ngày 25/7 và từ 7 giờ đến 12 giờ ngày 26/7/2024 đã có hơn 5.600 Đoàn (với hơn 252.000 lượt người), là đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị, các lực lượng vũ trang nhân dân, các Đoàn ngoại giao, đại diện các tổ chức và bạn bè quốc tế, đồng bào đã đến viếng, gửi vòng hoa, chia buồn cùng gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hội trường Thống Nhất và quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Cả một đời liêm chính, chí công vô tư, vì nước vì dân, sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trở thành nỗi nhớ và sự tiếc thương muôn phần khắc ghi trong lòng người Việt Nam. Dòng người đổ về ba địa điểm tổ chức lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dường như không dứt. Không chỉ ở 3 địa điểm tổ chức Lễ Quốc tang, trên khắp mọi miền Tổ quốc, người dân tưởng nhớ, bày tỏ tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bằng nhiều cách thức khác nhau.
Chia buồn sâu sắc với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, nhiều nước đã gửi điện, thư, thông điệp chia buồn; đoàn lãnh đạo nhiều nước, bạn bè quốc tế đã đến viếng, tiễn biệt và chia sẻ tình cảm, cảm xúc về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Lào, Cuba tuyên bố quốc tang tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đúng 13 giờ ngày 26/7, Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được cử hành trọng thể. Linh xa đưa linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rời Nhà Tang lễ Quốc gia về nơi an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. Đông đảo người dân Thủ đô đã đứng hai bên tuyến đường đoàn xe tang đi qua để tiễn biệt đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo mẫu mực, trọn đời vì nước vì dân, về nơi an nghỉ cuối cùng.
Lễ an táng lúc 15 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
Giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô
Ngày 21/7/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 71/CĐ-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô tháng 7 và quý III năm 2024.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao thực hiện quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại các Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024, số 108/NQ-CP ngày 10/7/2024, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong tháng 7 và quý III năm 2024 như sau:
Tiếp tục tập trung tháo gỡ kịp thời khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công để kích hoạt dẫn dắt đầu tư tư, thúc đẩy hợp tác công tư; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách nhà nước; Tiếp tục triệt để tiết kiệm, cắt giảm chi thường xuyên để dành cho chi đầu tư phát triển và an sinh xã hội. Trong đó, các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm yêu cầu tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024; Đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, phát triển thị trường trong nước, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực; Tăng cường các biện pháp phòng, chống biến đổi khí hậu, thiên tai, không để bị động bất ngờ; Tiếp tục thúc đẩy phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch, sớm hoàn thành Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam; Chú trọng hơn nữa các lĩnh vực văn hóa, xã hội; Tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách để tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực cho thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Khai mạc phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ FLC
Sáng 22/7/2024, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 50 bị cáo trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Thao túng thị trường chứng khoán; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC).
Tại phiên tòa này, Tòa án triệu tập 30.403 nhà đầu tư đã mua cổ phiếu ROS với tư cách là bị hại; đồng thời, triệu tập 63.092 nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu ROS với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Đây là phiên tòa có số lượng người được triệu tập kỷ lục, thuộc diện lớn nhất từ trước tới nay.
Trong vụ án này, bị cáo Trịnh Văn Quyết (sinh năm 1975, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC - Tập đoàn FLC, Chủ tịch Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt) và 2 em gái là Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga cùng 5 thuộc cấp bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về 2 tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (theo quy định tại quy định tại Điều 174, khoản 4, điểm a - Bộ luật Hình sự) và “Thao túng thị trường chứng khoán” (theo quy định tại Điều 211, khoản 2, điểm b - Bộ luật Hình sự).
42 bị cáo còn lại bị Viện Kiểm sát truy tố về các tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Thao túng thị trường chứng khoán; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.
Phiên tòa sẽ diễn ra trong nhiều ngày.
Đại học Quốc gia Hà Nội trong nhóm 100 cơ sở giáo dục hàng đầu châu Á tiêu chí Mức độ ảnh hưởng
Theo thông tin từ Đại học Quốc gia Hà Nội, ngày 23/7/2024, Phòng thí nghiệm Cybermetrics Labs (thuộc Hội đồng nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha) đã công bố kết quả xếp hạng Webometrics lần thứ hai năm 2024. Trong kỳ xếp hạng lần này, Đại học Quốc gia Hà Nội đạt vị trí 771 thế giới và duy trì trong top 100 cơ sở giáo dục hàng đầu châu Á về tiêu chí “Mức độ ảnh hưởng”.
Trong kỳ xếp hạng tháng 7/2024, Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục duy trì vị trí số 1 Việt Nam và có vị trí thứ 15 Đông Nam Á. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp Đại học Quốc gia Hà Nội duy trì vị trí của tiêu chí “Mức độ ảnh hưởng” trong nhóm 800 thế giới (vị trí hiện tại là 727).
Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong số 10 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam nằm trong bảng xếp hạng Webometrics lần thứ hai của năm 2024. Các cơ sở giáo dục đại học khác lần lượt là: Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Thuỷ lợi, Đại học Đà Nẵng và Trường Đại học Cần Thơ.
Webometrics là Bảng xếp hạng tự động, đánh giá năng lực số hóa và mức độ lan tỏa, ảnh hưởng về tài nguyên học thuật của các cơ sở giáo dục đại học dựa trên các chỉ số về mức độ lan tỏa, ảnh hưởng của hệ thống website và thông tin trực tuyến (impact), độ mở về tài nguyên học thuật (openness) trên Google Scholar, và chỉ số trích dẫn khoa học trên hệ thống cơ sở dữ liệu Scopus (excellence) của một cơ sở giáo dục đại học.
Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định cuộc sống người dân
Theo Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và phóng viên TTXVN tại các địa phương, bão số 2, hoàn lưu bão gây mưa lớn từ ngày 22 đến 25/7/2024 (tính đến 8 giờ ngày 25/7) đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản của nhà nước và nhân dân.
Tại tỉnh Sơn La, mưa lũ đã làm 5 người chết, 4 người mất tích, 1 người bị thương do sạt lở và lũ cuốn trôi, 9 nhà bị thiệt hại. Mưa lớn tại thành phố Hòa Bình, các huyện Mai Châu, Lương Sơn, Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) cũng làm 213 nhà bị ngập, sạt lở; 517,3 ha lúa bị ngập; nhiều tuyến đường tại các địa phương nêu trên bị sạt lở… Trên địa bàn thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) xuất hiện 3 điểm sạt lở; lũ tại 3 ngầm tràn, hàng loạt cây xanh bị ngã đổ, bật gốc, 5 hộ dân phải di dời khẩn cấp.
Tại Thủ đô Hà Nội, khu vực xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai, đã có một người tử vong do bị lũ cuốn trôi. Mưa lớn làm mực nước sông dâng cao đã gây ra những điểm úng ngập từ 20-50 cm tại các tuyến phố thuộc các quận Long Biên, Cầu Giấy, Thanh Xuân, đường gom Đại lộ Thăng Long…
Trước tình hình trên, các địa phương đã và đang tập trung triển khai nghiêm túc Công điện số 72/CĐ-TTg ngày 24/7 của Thủ tướng Chính phủ về việc khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 2 và chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất trong thời gian tới.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo thẩm quyền, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, sát với tình hình thiên tai trên địa bàn.