Điều chỉnh cơ chế, chính sách để thúc đẩy chuyển giao công nghệ
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt cho biết, về việc hỗ trợ hoạt động chuyển giao, hấp thu công nghệ nước ngoài cho các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chính sách, cơ chế pháp luật điều chỉnh về vấn đề này đã sẵn có, vấn đề đặt ra là cần áp dụng, triển khai thực hiện sao cho hiệu quả trong thực tiễn.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng, trong thời gian qua, nhiều công nghệ mới tiên tiến đã được ứng dụng, mang lại hiệu quả trong các ngành y tế, viễn thông, giao thông. Một số ngành có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh.
Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu, vẫn còn vướng mắc khi cơ chế, chính sách chưa thực sự phát huy, khó tiếp cận với các doanh nghiệp, các hoạt động kết nối, dịch vụ hỗ trợ đi kém chưa hiệu quả. Nguồn lực từ ngân sách, doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động này còn khiêm tốn, cơ sở hạ tầng hạn chế.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ KH&CN sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cơ chế, chính sách, quy định phù hợp với thực tiễn, thúc đẩy chương trình tìm kiếm, chuyển giao, làm chủ, phát triển công nghệ nước ngoài vào Việt Nam.
Về vấn đề liên quan đến trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ KH&CN đã xây dựng, hoàn thiện đề án thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo quốc gia tại 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, dự kiến trong tháng 6 hoặc đầu tháng 7 sẽ ban hành các quyết định thành lập 3 trung tâm này. Các trung tâm này được lập với mục tiêu khai thác nguồn lực địa phương dành cho đổi mới sáng tạo, hướng tới áp dụng các mô hình thử nghiệm chính sách trong các lĩnh vực mới chưa có quy định nhằm khuyến khích đổi mới, sáng tạo, làm cơ sở để đúc kết kinh nghiệm, nhân rộng hoặc điều chỉnh kịp thời các chính sách, mô hình triển khai trên phạm vi quốc gia.
Bên cạnh đó, quy định về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Khoa học và Công nghệ đã được ban hành, nên việc ban hành các quyết định thành lập trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo là có cơ sở để thực hiện, và các cơ sở này sẽ sớm đi vào vận hành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Về hiệu quả các đề tài nghiên cứu khoa học, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội rất quan tâm đến hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo, cân đối bố trí vốn cho ngành. Dù hoạt động khoa học, công nghệ có nhiều tính đặc thù, việc tính toán cụ thể bao nhiêu đề tài được đưa vào ứng dụng là điều rất khó xác định. Điều quan trọng là cần xác định được kết quả đó trước hết phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, đồng thời nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của bản thân các nhà khoa học, đội ngũ nghiên cứu, đóng góp vào uy tín của các viện nghiên cứu, các trường đại học.
Sửa đổi quy định phù hợp với độ trễ của ngành KHCN
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, hiện nay, Bộ KH&CN đang tiến hành sửa các thông tư quy định về quản lý các chương trình, nhiệm vụ khoa học công nghệ một cách đồng loạt để đảm bảo các thông tư có tính liên thông, đồng bộ với nhau. Hiện nay, các thông tư cơ bản đã được hoàn thành. Vừa qua, Bộ KH&CN đã ban hành 5 thông tư mới, đồng bộ với việc tái cơ cấu các chương trình khoa học, công nghệ quốc gia.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ KH&CN cũng đã bãi bỏ quy định các nhà khoa học là chủ nhiệm có nghiệm thu không đạt thì không được tiếp tục tham gia nhiệm vụ khoa học công nghệ trong 2 năm tiếp theo. Điều này thể hiện Bộ KH&CN rất quan tâm đến tính đặc thù, tính rủi ro, độ trễ của ngành khoa học công nghệ để có những quy định tiến bộ, phù hợp.
Nhấn mạnh khoa học là con đường ngắn nhất đi đến thịnh vượng, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết Bộ KH&CN hết sức cố gắng để động viên các nhà khoa học tham gia một cách tích cực vào các hoạt động thiên chức của mình là nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng kiến nghị các cấp chính quyền tin tưởng hơn nữa, giao nhiều trọng trách, nhiệm vụ, cơ chế hơn nữa cho các nhà khoa học một cách thỏa đáng để lực lượng này phát huy được năng lực, đóng góp được nhiều hơn nữa cho sự phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cũng đang phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi Thông tư 27 để đơn giản hóa các thủ tục mua sắm, thanh toán để giảm bớt hồ sơ, thủ tục thanh toán, để khoán chi đúng nghĩa đến sản phẩm sau cùng, tránh tình trạng hồ sơ thanh toán nhiều hơn hồ sơ khoa học. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng nhấn mạnh đến tính đặc thù về kinh tế, tài chính của lĩnh vực khoa học, công nghệ, bởi nghiên cứu khoa học không thể tính toán định lượng chính xác như các hoạt động lao động sản xuất khác. Vì vậy, rất khó để xây dựng định mức, tính toán hiệu quả, lợi nhuận.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, một trong các giải pháp cần thực hiện là cần ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các nhiệm vụ khoa học, công nghệ về phương thức họp, kiểm tra, đánh giá, sử dụng cơ sở dữ liệu tập trung để tăng hiệu lực, hiệu quả, tính minh bạch trong quá trình quản lý các nhiệm vụ khoa học công nghệ.
Về việc đầu tư kinh phí cho sự nghiệp khoa học ở các vùng khó khăn, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, hàng năm, trên cơ sở tổng hợp, rà soát, đề xuất nhu cầu, kinh phí năm kế hoạch của các địa phương, Bộ KH&CN làm việc với Bộ Tài chính về nguyên tắc, phương án phân bổ kinh phí cho các địa phương theo các tiêu chí. Bộ KH&CN đề xuất mức tăng kinh phí hàng năm từ 5 - 10% tùy theo tình hình cụ thể của mỗi địa phương để gửi Bộ Tài chính xem xét, bố trí thích hợp, quan tâm đến những vùng khó khăn. Với các tỉnh miền núi khó khăn, Bộ KH&CN có sự ưu tiên trong phân bổ, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo nguyên tắc theo quy định về ngân sách và chu kỳ ổn định phân bố ngân sách.