Trong đó, quy định cụ thể mức trần lợi nhuận; thẩm quyền, hình thức định giá khám bệnh, chữa bệnh; định giá thương hiệu, tài sản; hạn chế của Quỹ bình ổn giá; đề xuất để giá trần và giá sàn; xác định biên độ lợi nhuận… là những vấn đề nổi bật, góp ý về dự án Luật Giá (sửa đổi) được các đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến.
Cân nhắc quy định cụ thể mức trần lợi nhuận trên giá vốn
Thảo luận về dự án Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) lấy ví dụ giá một số hàng hóa, trang thiết bị, vật tư tiêu hao tăng rất nhanh trong thời điểm bùng phát dịch COVID-19 và cho rằng trong nội dung điều khoản cần làm rõ điều khoản “bất hợp lý”, “không phù hợp” trong quy định “cấm lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, chính sách của Nhà nước, điều kiện bất thường khác để tăng giá bán hàng hóa và dịch vụ bất hợp lý, không phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá so với trước khi điều chỉnh giá.
“Thực tế, một số đoàn thanh tra, kiểm tra đã cảnh báo dấu hiệu vi phạm khi bán giá hàng hóa cao hơn giá nhập vài chục phần trăm, tạo tâm lý lo lắng cho các sở y tế khi phải mua bán trang thiết bị, sinh phẩm, vật tư phòng, chống dịch. Thậm chí, bên cung ứng, bên bán cũng không muốn tham gia vào các giao dịch với các cơ sở y tế vào thời điểm dịch bùng phát do sợ phải giải trình với các cơ quan có thẩm quyền về vấn đề lợi nhuận. Hiện nay, có rất nhiều cách hiểu khác nhau khi giá tăng lên đột biến như vậy”, đại biểu Trần Thị Nhị Hà nêu. Do đó, đại biểu đề xuất Ban soạn thảo cân nhắc quy định cụ thể mức trần lợi nhuận trên giá vốn hoặc giá thành toàn bộ đối với một số mặt hàng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh… để giải quyết triệt để vấn đề này, có thể xem đây như một trong những biện pháp bình ổn giá có thời hạn để bổ sung vào nội dung dự thảo.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh: “Để giải quyết vấn đề giá, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 30/2021/QH15, tuy nhiên chỉ có thời hạn đến 31/12/2022. Vì vậy, cần có quy định tại Luật Giá sửa đổi để tránh sai sót trong quá trình mua sắm của các cơ sở y tế khi phòng, chống dịch. Để đảm bảo sự vận hành của nền kinh tế thị trường, bên bán không cần thiết phải cung cấp cho bên mua toàn bộ tài liệu về giá bán hay giá thành toàn bộ của hàng hóa dịch vụ. Tuy nhiên, bên bán phải chịu trách nhiệm với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Cơ quan điều tra khi để mức lợi nhuận cao hơn mức lợi nhuận trần đã được quy định trong điều kiện khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh… Đây là nội dung rất quan trọng để tháo gỡ khó khăn cho ngành Y tế cũng như một số lĩnh vực liên quan trong những điều kiện khủng hoảng”.
Về thẩm quyền, hình thức định giá khám chữa bệnh, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng, phụ lục kèm theo dự thảo Luật Giá khác và chưa thống nhất với quy định tại khoản 3, Điều 108 dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh - cũng trình kỳ họp lần này. “Đây là 2 dự thảo cùng trình tại một kỳ họp nhưng nội dung lại khác nhau, cho thấy chưa có sự trao đổi, thảo luận kỹ giữa các Ban soạn thảo về nội dung giao thoa giữa các luật. Nội dung quy định trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi) về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với thực tiễn hơn”, đại biểu Trần Thị Nhị Hà nêu. Có nhiều vấn đề liên quan đến Luật Giá được điều chỉnh các luật chuyên ngành, các Ban soạn thảo cần thống nhất để đảm bảo không xung đột và chồng chéo quy định.
Đối với Quỹ bình ổn giá, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng, với tốc độ phát triển nhanh của thị trường, công cụ Quỹ bình ổn giá đang bộc lộ nhiều hạn chế vì về bản chất, quỹ này hoạt động trên cơ chế “tiền từ túi này sang túi khác”, người dân ứng tiền trước để sử dụng vào thời gian sau. Công cụ Quỹ bình ổn giá quá chậm so với tốc độ của thị trường, vì vậy hiệu quả điều chỉnh của quỹ không cao, Quỹ bình ổn xăng dầu hiện nay là một ví dụ. Mặt khác Quỹ bình ổn giá được hình thành từ nguồn tiền đóng góp của người dân nhưng việc quyết định sử dụng lại do cơ quan Nhà nước thực hiện, người dân không tiếp cận được thông tin về việc sử dụng quỹ cho nên thiếu tin tưởng vào sự minh bạch, hiệu quả trong vận hành quỹ. “Dự thảo Luật Giá nên bỏ quy định về Quỹ bình ổn giá”, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề nghị.
Đại biểu cũng cho rằng, thực tiễn ngành Y tế gặp nhiều khó khăn trong việc định giá thương hiệu, tài sản nhà cửa của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để đưa vào một mô hình liên doanh, liên kết. Đây cũng là nội dung có thể dẫn đến nhiều sai phạm của cơ sở y tế khi thực hiện mô hình liên doanh, liên kết nhưng Luật Giá chưa đề cập đến nội dung này. Đại biểu mong muốn được bổ sung nguyên tắc trong Luật Giá để làm căn cứ cho Chính phủ có những quy định về phương pháp định giá thương hiệu, giá tài sản nhà cửa của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi đưa vào những đề án liên doanh, liên kết khác nhau trong cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Khi luật ban hành sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tế của các cơ sở y tế.
Nên xác định biên độ lợi nhuận
Góp ý dự thảo luật, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, nội dung dự án Luật Giá (sửa đổi) vẫn rơi vào tình trạng giống Luật Giá hiện hành. “Xây dựng Luật Giá để phòng ngừa, giải quyết những trường hợp giá cả bất định trên thị trường do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, Nhà nước tiến hành điều tiết. Nhưng quay đi quay lại vẫn là lựa chọn một số mặt hàng thiết yếu, doanh nghiệp kê khai giá, Nhà nước đánh giá giá đó có hợp lý hay không. Nếu hợp lý, doanh nghiệp sẽ niêm yết giá đó để bán. Đây là cách Luật Giá hiện hành đang thực hiện”, đại biểu nêu và đề nghị xem xét kỹ lại bởi với cách hoạt động này "vốn chưa hợp lý".
Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, trước năm 1975, hệ thống nhà thuốc tương đối ổn định, muốn mua thuốc không dễ dàng, phải có đơn kê của bác sỹ, hầu hết các mặt hàng dược phẩm đều được thống nhất rõ ràng, lợi nhuận tối đa 20% nhưng hiện nay không có quy định về vấn đề này. "Biên độ tỷ suất lợi nhuận phải được quy định với một số mặt hàng ảnh hưởng tới trực tiếp người dân như thuốc, lương thực, thực phẩm, xăng dầu", đại biểu đề xuất.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng cần xác định biên độ lợi nhuận, đi ra ngoài biên độ đó thì bị xử lý; Luật đưa ra cần "đánh" được đầu cơ, nhưng cũng phải tôn trọng quy luật thị trường để không xảy ra tình trạng khan hiếm, vì người có trách nhiệm duyệt giá sợ bị xử lý.