Chiến thắng Điện Biên Phủ là sức mạnh tổng hợp của nhiều nhân tố hợp thành, trong đó có yếu tố quan trọng từ việc phát huy thế trận chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc và sử dụng linh hoạt tinh hoa của nghệ thuật quân sự.
Đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ta
Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những minh chứng rõ nét cho truyền thống đại đoàn kết, ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn thể dân tộc Việt Nam trong lịch sử dựng nước, giữ nước. Tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai, Đảng ta xác định đây là cuộc kháng chiến: “Toàn dân, toàn diện, lâu dài, tự lực cánh sinh”. Ngay trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "... bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì đều phải đứng lên đánh đuổi giặc Pháp, cứu Tổ quốc”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, toàn dân, toàn quân ta từ Bắc chí Nam, từ rừng núi, nông thôn, đồng bằng đến đô thị, đâu đâu cũng đứng lên đoàn kết chiến đấu, cùng các lực lượng vũ trang càng đánh càng mạnh, từng bước giành lại quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính, đẩy quân địch vào thế sa lầy, bị động. Lời kêu gọi ấy có sức mạnh lan tỏa, hiệu triệu nhân dân khắp nơi nô nức tòng quân tham gia phối hợp với chủ lực chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có hàng vạn dân công tham gia tải thương, gửi lương thực, thực phẩm, vũ khí, trang bị vào phục vụ chiến trường; xẻ núi, bạt đèo cho bộ đội ta kéo pháo vào trận địa, đóng góp nhiều nhất của cải và tài sản của mình làm cách mạng. Với khí thế trào dâng mãnh liệt, thế trận chiến tranh nhân dân ấy đã trở thành bức thành đồng nhấn chìm bè lũ bán nước và cướp nước. Thế trận ấy vì một mục tiêu duy nhất: Chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc, với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng.
Tổng kết chiến dịch cho thấy, khối lượng vật chất của nhân dân cả nước đã huy động là 23.126 tấn gạo, 266 tấn muối, 992 tấn thịt, 800 tấn rau, 917 tấn thực phẩm khác...; với 216.451 lượt dân công và 12 triệu ngày công, 20.991 xe đạp thồ, 736 xe súc vật kéo, 11.400 thuyền bè mảng... Những điều khó khăn nhất tưởng như không thể vượt qua về hậu cần chiến dịch đã được giải quyết thành công. Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân đã góp phần tạo nên kỳ tích vượt bậc đó.
Sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc còn được huy động ở mức cao nhất trong phối hợp tiến công trên các hướng chiến lược để căng kéo quân địch phải phân tán ra các chiến trường theo ý định của ta. Quân và dân ta ở khắp các địa phương trên cả nước, từ Tây Bắc, Liên khu III, Tả Ngạn, đến Bình - Trị Thiên, Liên khu V, Bắc Tây Nguyên, Sài Gòn - Gia Định, Nam Bộ... đều đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, liên tiếp tiến công tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai và nhân dân, buộc thực dân Pháp phải phân tán lực lượng khắp nơi để đối phó. Bên cạnh đó, ta cũng giải quyết hợp lý quyền lợi giữa các tầng lớp nhân dân ở vùng hậu phương, không làm suy yếu mối đại đoàn kết toàn dân.
Ngoài ra, lực lượng công an tích cực phối hợp hoạt động, thành lập “Ban Công an tiền phương” làm nhiệm vụ bảo vệ các lực lượng tham gia chiến dịch, bảo vệ dân công, bảo vệ giao thông vận chuyển, kho tàng, các cuộc hành quân, trú quân của bộ đội chủ lực. Từng đơn vị tổ chức ra các ban bảo vệ dân công và phát động phong trào “Phòng gian bảo mật”, giữ bí mật, phổ biến cách thức phòng chống do thám, điều tra của địch; quy định việc đi lại, tiếp xúc giao dịch...
Phong trào “Phòng gian bảo mật” được phát động rộng khắp trên toàn mặt trận. Công tác chống gián điệp, bảo vệ nội bộ ta được triển khai chủ động, vững chắc, đạt hiệu quả, nhờ đó mà địch bị bất ngờ, bị động trước sự tiến công của ta. Công an cũng làm tốt công tác bảo vệ lãnh tụ, bảo vệ các cơ quan đầu não kháng chiến đảm bảo tuyệt đối an toàn trong mọi tình huống.
Linh hoạt trong phát huy quyền chủ động chiến lược
Về chỉ đạo chiến lược, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy đã sớm nhạy bén, phát hiện, đánh giá đúng âm mưu chiến lược của địch, chỉ đạo kiên quyết, linh hoạt, giữ vững và phát huy quyền chủ động chiến lược của ta. Điện Biên Phủ ban đầu không có trong kế hoạch Nava và cũng chưa có trong Chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954 của ta, nhưng với sự chỉ đạo chiến lược sáng suốt, bằng những đòn tiến công chiến lược trên nhiều hướng, chúng ta đã đẩy địch vào thế bị động, lúng túng, tạo ra thời cơ chiến lược cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Khi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ hình thành, cấp chiến lược của ta đã phân tích tình hình rất khoa học và sớm hạ quyết tâm: tập trung lực lượng mở chiến dịch tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm này. Đây là quyết định đúng đắn của Bộ Chính trị, thể hiện sự vận dụng sáng tạo tư duy quân sự “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu” trong nghệ thuật quân sự truyền thống, phát triển sang đánh thẳng vào chỗ mạnh nhưng có nhiều sơ hở của địch để giành thắng lợi quyết định.
Đó cũng là nét đặc sắc, là bước phát triển cao về nghệ thuật chỉ đạo chiến lược của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Đây cũng là điều mà cả những bộ tham mưu chiến tranh, những chuyên gia quân sự giỏi tính toán sức mạnh bằng số quân và số súng theo lối chiến tranh quy ước của cả thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đều không ngờ tới.
Về nghệ thuật chiến dịch, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta đã giải quyết thành công nhiều vấn đề mới, nhất là nghệ thuật chiến dịch tiến công, được thể hiện qua việc xác định đúng phương châm chiến dịch, tập trung ưu thế binh hỏa lực, đánh chắc thắng, tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, từng bước uy hiếp, tiến tới tiêu diệt khu vực trọng yếu của địch. Chiến dịch đã sớm hình thành thế bao vây, xây dựng trận địa tiến công và bao vây ngày càng siết chặt từng cụm cứ điểm và tập đoàn cứ điểm, chia cắt thế trận liên hoàn của địch.
Bên cạnh đó, chúng ta chọn cách đánh hiểm, phát huy uy lực mọi loại vũ khí của ta, hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của địch với phương châm “vây hãm tiến công, đột phá dứt điểm lần lượt”, trong đó, vây hãm tạo điều kiện cho đột phá, đột phá thắng lợi tạo điều kiện cho vây hãm chặt hơn, lại để đột phá có hiệu quả hơn, mạnh hơn, từng bước làm suy yếu quân địch cả về lực lượng và thế trận, tương trợ cho nhau để tiến tới tổng công kích.
Về chiến thuật, khi chúng ta tập trung sức mạnh của cả dân tộc quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chiến thuật của ta đã có những bước phát triển mới, trong đó có chiến thuật phòng ngự trận địa, các trận công kiên - đánh địch phòng ngự trong các công sự kiên cố và nghệ thuật “đánh lấn” - phát triển từ hình thức chiến đấu tiến công. Sự nhạy bén về chiến thuật đã giúp chúng ta kịp thời chuyển hướng từ dùng sức mạnh hiệp đồng thực hành đột phá dứt điểm ngay sang đánh lấn dần, lấn đến đâu giữ chắc đến đó, từng bước thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch để thắng địch bằng đòn dứt điểm quyết định.
67 năm đã qua, từ cánh đồng Mường Thanh lịch sử, những bài học của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị. Từ Điện Biên Phủ, quân và dân ta đã giành thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thu non sông về một dải, đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên “độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội”; dựng xây đất nước, bảo vệ Tổ quốc vẹn toàn, đưa Việt Nam có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế...
Việc phát huy giá trị và vận dụng những bài học kinh nghiệm từ chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng cho phù hợp với hoàn cảnh mới, thời đại mới, để những bài học từ Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam, đồng hành cùng những người con đất Việt trong hành trình đưa Tổ quốc đến đài vinh quang.