Cùng tham gia Phiên thảo luận có bà Joyelle Clarke, Bộ trưởng Phát triển bền vững, Môi trường, Biến đổi khí hậu và Trao quyền cho cử tri của Saint Kitts and Nevis; Bà Pamela Coke-Hamilton, Giám đốc điều hành Trung tâm tài chính quốc tế; và Bà Mavis Owusu-Gyamfi, Chủ tịch Trung tâm Chuyển đổi kinh tế Châu Phi.
Phát biểu tại Phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều xung đột, cạnh tranh chiến lược và các nguy cơ an ninh phi truyền thống đang tác động mạnh mẽ đến nguồn lực cho phát triển, cản trở việc hiện thực hoá các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), cộng đồng quốc tế cần tận dụng tốt hơn nữa các thành tựu khoa học, công nghệ, đổi mới tư duy, tìm ra những giải pháp mới, phương thức mới và hành động cụ thể mới theo hướng toàn cầu, toàn diện và toàn dân, chuyển đổi nền kinh tế quốc gia và thế giới theo hướng xanh, bền vững, bao trùm, linh hoạt hơn và phát triển hài hòa, dựa vào thiên nhiên, bảo đảm công bằng, không bỏ ai lại phía sau.
Để làm được điều đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh ở cấp độ quốc gia cần đẩy mạnh sự tự cường thông qua tái cơ cấu nền kinh tế gắn liền với việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng và đổi mới cơ chế quản lý kinh tế theo hướng bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận các nguồn lực và cơ hội mới.
Ở cấp độ quốc tế, Phó Thủ tướng cho rằng cần đề cao tinh thần đoàn kết và quan hệ đối tác bình đẳng, cùng có lợi để cùng giúp nhau chuyển đổi, phát triển, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực và hỗ trợ về nguồn lực, trong đó có việc giải quyết hiệu quả vấn đề nợ một cách bền vững, đồng thời đẩy mạnh tái cấu trúc và chuyển đổi quản trị toàn cầu, theo hướng hiệu quả, minh bạch và công bằng hơn, nhằm nâng cao khả năng chống chịu và hỗ trợ cho các nền kinh tế quốc gia, tạo điều kiện cho các quốc gia đang phát triển tiếp cận các khoản vay và viện trợ cho các dự án đầu tư xanh, năng lượng tái tạo, và các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường.
Phó Thủ tướng cũng tái khẳng định các cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong cải thiện cuộc sống của người dân và phát triển theo hướng xanh hơn và bền vững hơn.
Trước đó, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã có cuộc hội kiến Tổng thống Cộng hòa Namibia, Nangolo Mbumba và tiếp Bộ trưởng Kinh tế và Kế hoạch Vương quốc Saudi Arabia, Faisal bin Fadel Al-Ibrahim.
Tại cuộc hội kiến Tổng thống Namibia, Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng việc củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với Namibia; đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn, đặc biệt là đoàn cấp cao, kết nối doanh nghiệp, quảng bá, chia sẻ thông tin về thị trường, nhu cầu, tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước.
Phó Thủ tướng đề nghị Namibia tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gạo, nông sản, hàng gia dụng, may mặc, gỗ… thâm nhập thị trường Namibia, cùng nhau hợp tác trong các lĩnh vực thế mạnh của Namibia như khoáng sản, kim loại quý; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở Namibia, cũng như nghiên cứu các cơ hội hợp tác nông nghiệp hai bên hoặc ba bên.
Về phần mình, Tổng thống Namibia chúc mừng những thành tựu hết sức ấn tượng của Việt Nam về phát triển kinh tế - xã hội, cũng như vai trò và uy tín quốc tế ngày càng cao, khẳng định mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Việt Nam.
Tổng thống Mbumba nhất trí về việc hai nước cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác về kinh tế - thương mại và tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và tiếp xúc, gặp gỡ giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp hai nước, đồng thời phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết và Nhóm các nước đang phát triển (G77).
Hai bên nhất trí cùng thúc đẩy đưa quan hệ hợp tác hai nước đi vào chiều sâu, tương xứng với tiềm năng còn rất to lớn.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Chính phủ đã chuyển lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm mời Tổng thống Namibia thăm Việt Nam, nhân dịp hai nước kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao năm 2025.
Tiếp Bộ trưởng Kinh tế và Kế hoạch Saudi Arabia, Al-Ibrahim, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc khẳng định Saudi Arabia là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông, đồng thời đề nghị hai bên tăng cường hoạt động trao đổi đoàn các cấp, nhất là đoàn cấp cao, trước mắt cần tập trung chuẩn bị thật tốt cho chuyến thăm chính thức Saudi Arabia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào cuối tháng 10/2024.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ trưởng Al-Ibrahim hỗ trợ thúc đẩy các Quỹ đầu tư, doanh nghiệp Saudi Arabia tăng cường đầu tư vào Việt Nam, cũng như hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal và sớm gỡ bỏ hoàn toàn lệnh tạm ngừng nhập khẩu thuỷ sản nuôi trồng của Việt Nam.
Bộ trưởng Al-Ibrahim khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu của Saudi Arabia không chỉ ở châu Á mà còn ở cấp độ toàn cầu, khẳng định sẽ làm hết sức mình để bảo đảm cho chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đạt kết quả cao và có nhiều ý nghĩa nhất. Bộ trưởng cũng khẳng định sẽ nỗ lực hỗ trợ thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước.
Hai bên cũng nhất trí phối hợp xây dựng lộ trình hợp tác, xác định các dự án, lĩnh vực đầu tư cụ thể cũng như cơ hội làm ăn giữa doanh nghiệp hai nước, tăng cường hợp tác tại các cơ chế đa phương toàn cầu và khu vực.
Cũng trong khuôn khổ tham dự Hội nghị Hamburg về Phát triển bền vững (HSC), ngày 8/10, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã có cuộc làm việc với Thủ hiến bang Hamburg, Peter Tschentscher.
Hai bên hài lòng nhận thấy lưu lượng hàng hóa trung chuyển giữa các cảng Việt Nam và cảng Hamburg đã tăng dần đều trong những năm qua với số lượng container tăng 10-15%/năm và thống nhất cho rằng doanh nghiệp hai bên cần tận dụng hơn nữa các lợi ích do Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mang lại.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đề nghị Hamburg khuyến khích kết nối đối tác và trao đổi đoàn với các tỉnh, thành Việt Nam có đặc điểm đương đồng hoặc bổ trợ nhằm thúc đẩy hợp tác; thúc đẩy Quốc hội Liên bang Đức sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) nhằm tạo đột phá mới trong quan hệ thương mại - đầu tư hai nước.
Thủ hiến Tschentscher nhấn mạnh, với lợi thế là thành phố cảng biển, Hamburg sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế biển, đề xuất hai bên tận dụng cơ hội kết nối vận tải biển, phát triển dịch vụ logistics, năng lượng tái tạo… Thủ hiến cũng bày tỏ mong muốn Việt Nam sớm cử Lãnh sự danh dự tại Hamburg.
Cuối ngày 8/10, đoàn công tác do Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dẫn đầu đã thăm và làm việc với lãnh đạo nhà máy của tập đoàn chế tạo máy bay châu Âu Airbus. Phó Thủ tướng đánh giá cao các dự án hợp tác hiệu quả giữa Airbus và Việt Nam, trong đó có việc cung cấp máy bay thương mại và phụ tùng cho các hãng hàng không của Việt Nam như Vietnam Airlines và Vietjet, và hợp tác về công nghệ vũ trụ...
Phó Thủ tướng đề nghị Airbus tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các bộ ngành, doanh nghiệp của Việt Nam, đồng thời nghiên cứu khả năng đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất linh kiện, thiết bị tại Việt Nam...
Ngày 9-10/10, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc sẽ tiếp tục chương trình công tác tại thủ đô Berlin, trong đó có cuộc làm việc với Đại sứ quán Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức (BVMW), lãnh đạo Bộ Tài chính Liên bang, Nhóm Nghị sĩ hữu nghị ASEAN và Liên hiệp hội Người Việt Nam tại CHLB Đức.