Trước đó, ngày 23/5, ông Hoàng Mạnh Đạt - Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Sơn Dương, Kiểm dịch viên được ủy quyền, thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tuyên Quang đã cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh số 003248/CN-KDĐV-UQ cho chủ hàng là ông Đào Văn Nam, địa chỉ giao dịch: Công ty TNHH DABACO - Phúc Ứng, Sơn Dương, Tuyên Quang vận chuyển 40 con lợn (20 đực; 20 cái), BKS 22C - 06180, nơi đến cuối cùng là huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.
Tuy nhiên, theo Thông báo số 30/TB-SNN-CNTY của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang về kết quả xét nghiệm vi rút dịch tả lợn châu Phi đối với số lợn trên khi đưa vào địa bàn tỉnh Hà Giang tiêu thụ thì 1/3 mẫu phủ tạng dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi (theo Phiếu trả lời kết quả xét nghiệm của Trung tâm chuẩn đoán Thú y Trung ương số 7898/CĐ-XN ngày 24/5/2019).
Trước những sai phạm trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang đã ra Quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày với ông Hoàng Mạnh Đạt và ông Nguyễn Hữu Dũng. Ông Dũng đã làm không đúng quy trình, kiểm dịch không thực hiện tại nơi xuất bán nên xảy ra việc chủ hàng mượn danh nghĩa lợn của Công ty TNHH DABACO Tuyên Quang để kiểm dịch và chuyển hàng.
Thực tế, số lợn trên chủ hàng mua của các hộ chăn nuôi ở xã Hồng Lạc, huyện Sơn Dương, không phải lợn của Công ty TNHH DABACO - Phúc Ứng, Sơn Dương, Tuyên Quang.
Hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra làm rõ và xử lý nghiêm vụ việc.
Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đang diễn biến hết sức phức tạp. Tính đến ngày 27/5, tỉnh Tuyên Quang có 4 ổ dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn các xã Thiện Kế, Sơn Nam, huyện Sơn Dương; xã Đức Ninh, huyện Hàm Yên và xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa; tổng số lợn phải tiêu hủy là 442 con.
Để ngăn chặn dịch bệnh, tỉnh Tuyên Quang đã cung cấp 5 tấn vôi bột; hơn 200 lít thuốc khử trùng cho các địa phương có dịch tả lợn châu Phi để khoanh vùng, dập dịch. Đồng thời, thành lập 5 chốt kiểm dịch tạm thời, 1 tổ cơ động để kiểm soát việc mua bán, vận chuyển lợn và phun thuốc khử trùng, tiêu độc đối với người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy định; tăng cường thông tin tuyên truyền đến nhân dân để mọi người hiểu rõ tính chất nguy hiểm của bệnh, chủ động tự giác, tự nguyện thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.