Tuy là công trình do cá nhân tự bỏ tiền xây dựng, nhưng khi đến tham quan Khu đền thờ Bác Hồ rộng chừng 1.000 m2 của vợ chồng ông Võ Như Thông, mọi người đều khá ngạc nhiên bởi sự bài trí, quy hoạch rất khoa học, trang nghiêm, tôn kính, với nhiều tư liệu trưng bày đa dạng và quý giá.
Khu đền thờ nằm trong khuôn viên vườn nhà của gia đình ông bà. Đến nơi đây, ấn tượng đầu tiên là tượng Bác sừng sững ở ngay khuôn viên, đang tươi cười vẫy tay. Được biết, bức tượng được ông Võ Như Thông cho dựng vào năm 2008. Ngay dưới chân tượng Bác, ông Thông xây hồ cá theo phong thủy của phương Đông. Vào sâu bên trong là Đền thờ Bác Hồ được ông xây dựng và hoàn thành vào năm 2009. Năm 2011, ông đã xây dựng Nhà tưởng niệm Bác Hồ trưng bày hơn 1.000 tài liệu, tranh ảnh về Bác, khái quát quá trình suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Đây là những tư liệu được vợ chồng ông Thông xuôi ngược Nam-Bắc sưu tầm.
Bên cạnh Nhà tưởng niệm Bác Hồ, để mọi người hiểu rõ hơn về công lao to lớn của Người với đất nước, nghĩa tình của Bác với tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Nam với Bác, vợ chồng cựu chiến binh Vũ Như Thông đã xây dựng Nhà lưu niệm Bác Hồ với Quảng Nam và Quảng Nam với Bác Hồ năm 2014.
Trong khuôn viên Khu đền thờ, vợ chồng ông còn đặt ảnh và thờ các vị tiền nhân, tướng tài đã có công lớn trong lịch sử xây nước, giữ nước của dân tộc như: Trần Hưng Đạo, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Phu Trinh, Phan Bội Châu…
Trong Nhà tưởng niệm Bác tại Khu đền thờ, ông đã cất công đến quê nội và quê ngoại của Người ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An xin hai phần đất nhỏ để thờ cúng, tri ân mảnh đất nơi gắn bó với Bác - Người cha già của dân tộc.
Đặc biệt, ông Thông hiểu biết tường tận về tranh, ảnh, tư liệu và mốc thời gian trong suốt quá trình hoạt động Cách mạng của Bác kể từ khi được sinh ra ở quê nhà Kim Liên, vào Đại nội Huế đi học, sang Pháp để tìm hiểu thực tế về đất nước và con người Pháp… cho đến những ngày giành lại độc lập cho dân tộc, chiến thắng Điện Biên Phủ… Những tư liệu này đều được trưng bày tại Khu đền thờ, được ông và hướng dẫn viên giải thích, thuyết trình khi mọi người đến tham quan, tìm hiểu.
Ông chia sẻ, ngoài tên thật là Võ Như Thông, để đảm bảo bí mật sau khi được cử vào hoạt động ở chiến trường miền Nam năm 1964, ông đã lấy bí danh là Tử Vi Dân (sẵn sàng chết vì dân) để hoạt động. Suốt quãng thời gian hoạt động cách mạng của ông, đã có rất nhiều sự kiện xảy ra, nhưng đến nay - sau hơn nửa thế kỷ, kỷ niệm về ba lần được gặp Bác Hồ (1958 - 1960) đối với ông vẫn còn như mới hôm qua. Hình ảnh Bác tươi cười, thân mật hỏi thăm sức khỏe từng người… mãi sẽ không bao giờ xóa nhòa trong tâm tưởng và tình cảm của ông.
Giờ đây vào các ngày lễ, Tết như: Ngày Quốc khánh (2/9), Ngày sinh của Bác (19/5), Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), ngày Tết cổ truyền dân tộc…, Khu đền thờ Bác Hồ do vợ chồng ông Võ Như Thông xây dựng là một trong những địa chỉ đã thu hút hàng ngàn người trong và ngoài tỉnh đến tham quan, dâng hương, hoa tưởng niệm Bác; qua đó góp phần giáo dục thế hệ trẻ cố gắng rèn luyện bản thân, trau dồi tri thức, đạo đức, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn, để xứng đáng là con cháu của Bác Hồ.
Ông Võ Như Thông tâm sự: "Tôi năm nay 86 tuổi, sức khỏe đã yếu nhưng ngày nào còn sống, tôi sẽ còn tiếp tục sưu tầm thêm tài liệu và tranh, ảnh về Bác Hồ để trưng bày tại Khu đền thờ, để mọi người hiểu thêm về cuộc đời cách mạng của Bác, một con người suốt đời chỉ lo cho dân, cho nước, một nhà văn hóa lớn. Qua những tài liệu, hình ảnh về Bác được trưng bày nơi đây, tôi mong mọi người sẽ tiếp tục noi gương, sống và làm việc theo tấm gương của Bác Hồ".