Tan hoang trong cơn sóng

Mấy ngày vừa qua, người dân ở thôn An Cường, xã Bình Hải (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) vẫn đau đáu khi nhìn về những ngôi nhà cũ đã bị sóng đánh tan hoang ven bờ biển. Cuộc sống vốn đã quá nhiều khốn khó với những ngư dân nơi đây, bây giờ lại phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi tết đang cận kề.

Sóng trắng

Hàng trăm hộ dân ở xã Bình Hải phải đối mặt với tình trạng sạt lở do nạn triều cường xâm thực. Sóng lớn bất thường xuất hiện đã làm 48 ngôi nhà bị xói lở, hư hỏng. Khi chúng tôi tìm về xã Bình Hải, bầu trời mùa đông vào ngày áp thấp gió biển lồng lộng, những đợt sóng vô tình cứ dập tơi bời vào bờ cát trắng. Phía sát bờ biển, những ngôi nhà tan hoang sau đợt triều. Nhớ lại đêm 9/12 kinh hoàng, anh Võ Hồng Khanh (36 tuổi, thôn An Cường) bàng hoàng kể lại: “Tối hôm đó, khi thấy sóng biển cuồn cuộn dữ dội, nghi có chuyện chẳng lành có thể xảy ra với gia đình nên tôi đưa mẹ tôi đã già yếu cùng vợ và 3 đứa con nhỏ tạm lánh nạn ở nhà người quen. Sau đó, tôi và người anh ruột trụ lại, nhưng rồi chuyện không hay đã xảy ra khi ngôi nhà bị sóng biển uy hiếp. Mang tiếng ở nhà mình, nhưng không dám ngủ và tim cứ đập thình thịch, sợ hãi không biết sóng biển ập đến lúc nào. Khoảng 23 giờ, bỗng nghe tiếng đổ ầm ầm của cây cối, nhà cửa, lúc đó hai anh em tôi hoảng hốt chạy ra sân thì thấy những đợt sóng cao gần 3m cuồn cuộn tới. hai anh em vội bỏ chạy lên phía gò cao, còn ngôi nhà thì bị con sóng đi qua tàn phá không còn lại gì...”. Sau khi thoát khỏi căn nhà bị sóng đánh đổ nát, sáng hôm sau anh Khanh và người anh trai chỉ biết đứng nhìn, bần thần thấy sóng biển nuốt gọn ngôi nhà và toàn bộ phần công trình sau nhà bếp hơn 15m2. Anh khanh thẫn thờ nói: “Tối ngày 9.12 xuất hiện những đợt sóng rất to, bổ ập vào bờ cuốn phăng chuồng heo, nhà tắm của gia đình ra biển. Đến rạng sáng, sóng lớn lại đánh bay cả nhà dưới lẫn nhà trên khiến cả nhà hoảng hốt bỏ chạy!

Chị Hậu trong căn nhà đổ nát vì sóng biển.


Trong căn chòi tạm được vây bằng bạt ni lông, trên gương mặt vẫn chưa hết kinh hoàng, chị Võ Thị Hậu tay bồng đứa con nhỏ, đau xót kể: “Nghe thấy tiếng sóng lớn, tôi bồng đứa con mới sinh được 11 tháng chạy ra thì thấy sóng đang tràn vào, cây cối ngã đổ. Sợ quá tôi vội chạy lên phía đồi dương liễu giữa cơn mưa, bỏ lại tất cả!”, mấy ngày nay, hai mẹ con chị Hậu đang tá túc tại nhà của một người hàng xóm. Đồ đạc đã theo những con sóng ra biển. Chị hậu nói trong nước mắt: “Bây chừ hai mẹ con biết lấy cái chi mà sống đây. Cha nó đi biển vẫn chưa thấy về, nhà cửa thì tan hoang như vầy!”.

Sóng biển đã xâm thực rất sâu vào khu dân cư.

Cách đó không xa, ngôi nhà tình thương của cụ Nguyễn Thị Của (80 tuổi) cũng đang “treo” trên những con sóng bạc đầu, cụ Của tâm sự: “Căn nhà đơn sơ tôi đang ở được chính quyền địa phương xây dựng. Cuộc đời tôi chỉ có mỗi căn nhà nhỏ đó, thế mà giờ đây sóng biển lại muốn cướp mất. Hàng ngày, già này trú ngụ trên miệng tử thần, biết sống làm sao. Mấy ngày hôm nay tôi phải tá túc ở nhà con gái nghèo khổ để tránh những cơn hung dữ của sóng biển”. Cụ Nguyễn Thị Của từng giờ cầu mong sóng biển đừng cướp mất ngôi nhà tình thương của cụ. Riêng ngôi nhà sát mép sóng của bà Lê Thị Dẹp và ông La Văn Quyên đã bị sóng đánh sập. Nhiều ngôi nhà khác tiếp tục bị uy hiếp. Bà Lê Thị Ngọc Yến, một trong những hộ có nhà hiện ở gần mép sóng nhất nói: “Sóng đã tràn vào từ trưa 10/12, sáng 11/12 giảm dần và chiều cùng ngày thì mạnh dữ dội trở lại, kéo dài đến 21 giờ đêm 11/12. Tài sản đã dời đi rồi, con cũng đưa về ngoại, vợ chồng ở lại cùng với anh em bộ đôị đắp bao cát giữ nhà, mong giữ được chừng nào hay chừng ấy”. Ông Hoàng Văn Tiến, Trưởng thôn An Cường nói: “Lạ thật, hồi trước đến giờ vùng biển này chưa bao giờ có những cơn sóng lớn như thế”.

Một ngôi nhà hư hỏng hoàn toàn vì sóng biển.


Nguy hiểm cận kề

Theo thống kê của xã Bình Hải, toàn xã hiện nằm trong vùng nguy cơ sạt lở do nạn nước biển xâm thực. Riêng thôn An Cường, ngoài số nhà đã bị sập, hư hỏng nặng vẫn còn khoảng 48 hộ dân với trên 100 khẩu khác cũng đang bị sóng biển đe dọa cuốn trôi.

Bà cụ Cử âu lo nhìn về mép nước khi ngôi nhà tình thương của cụ chỉ chờ ngày “ra biển”.


Ông Nguyễn Hữu Công, Chủ tịch UBND xã Bình Hải cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ việc, cùng với việc cử lực lượng giúp dân vận chuyển đồ đạc, dựng nơi ở tạm, chính quyền địa phương cũng đã cắt cử cán bộ thường xuyên theo dõi để xử lý kịp thời khi xảy ra sự cố. UBND huyện đã đến kiểm tra, đồng thời cấp gạo hỗ trợ với mức 15kg/người cho gia đình bị sập nhà. Trước tình hình triều cường xâm thực gây nhiều thiệt hại cho thôn An Cường, chính quyền xã Bình Hải đã huy động lực lượng di dời 17 hộ dân vùng có nguy cơ bị sóng đánh sập nhà đến nơi an toàn, đồng thời có phương án bảo vệ tài sản cho nhân dân. Cũng theo ông Công, hiện tại xã Bình Hải có 175 hộ với khoảng 500 người dân ở ba thôn Phước Thiện, An Cường và Thanh Thủy nằm trong khu vực sạt lở, nguy cơ bị triều cường đe dọa rất lớn. Ông Hoàng Văn Tiến, Trưởng thôn An Cường, cho rằng việc khai thác ồ ạt san hô biển và cát đã dẫn tới tình trạng sạt lở và nước biển xâm thực.

Trước đây, địa phương đã có kế hoạch bố trí tái định cư cho các gia đình từng bị sóng đánh sập nhà. Chính quyền đã nhiều lần kiến nghị cấp trên bố trí đất để tái định cư, nhưng đến nay vẫn chưa thể di dời dân được vì việc san ủi mặt bằng khu tái định cư triển khai quá chậm. Nhiều gia đình còn quá khó khăn, trong khi số tiền hỗ trợ theo quy định chỉ là 10 triệu đồng/trường hợp, vì vậy các hộ dân chưa thể làm nhà tại các khu tái định cư. Một vấn đề khác, nếu vào ở trong khu vực tái định cư, cuộc sống người dân sẽ gặp nhiều khó khăn vì đa phần cư dân ở đây đều theo nghề biển, trong khi khu tái định cư lại khá xa, chính vì thế công việc đi biển của ngư dân sẽ không thuận lợi nên người dân chưa muốn chuyển vào.

Cứ thế, những ngư dân xã Bình Hải này đứng trước ngôi nhà đổ của mình, lặng nhìn ra phía biển, nơi những con sóng lớn tiếp tục tiến vào bờ. Rồi những ngày tới sẽ ra sao, khi tết đang cận kề...

Bài và ảnh: Bùi Hữu Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN