Thông qua Nghị quyết giải thích Khoản 1 Điều 289 của Bộ luật Hình sự năm 2015
Theo tờ trình, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết giải thích một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 để thống nhất việc vận dụng các quy định của Bộ luật Hình sự trong xử lý hành vi vi phạm bí mật kinh doanh, thực hiện cam kết tại Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Dự thảo Nghị quyết giải thích khoản 1 Điều 289 Bộ luật Hình sự năm 2015 như sau: Hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác lấy cắp dữ liệu quy định tại khoản 1 Điều 289 Bộ luật Hình sự được hiểu bao gồm cả hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm đoạt dữ liệu có chứa bí mật kinh doanh, kể cả nghe, đọc, ghi chép, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình dữ liệu có chứa bí mật kinh doanh.
Thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Tư pháp nhất trí với nội dung giải thích theo đề xuất của Chính phủ. Theo Ủy ban Tư pháp, nội dung giải thích bao gồm cả dữ liệu có chứa bí mật kinh doanh, vì vậy đã đáp ứng được yêu cầu xử lý hình sự hành vi vi phạm bí mật kinh doanh của Hiệp định CPTPP. Cấu thành cơ bản của Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác (khoản 1 Điều 289) bao gồm các hành vi kế tiếp nhau. Để có thể lấy cắp được dữ liệu của người khác, trước hết, người phạm tội phải xâm nhập được (được cụ thể hóa bằng các hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác trong cấu thành cơ bản của tội phạm này) vào mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của người khác, sau đó mới thực hiện các hành vi tiếp theo gồm chiếm quyền điều khiển, hoặc can thiệp vào chức năng hoạt động của phương tiện điện tử, hoặc lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu, hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ. Do đó, việc lựa chọn “Hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác lấy cắp dữ liệu” để giải thích là phù hợp, vì đây là một trong những hành vi đã được quy định khoản 1 Điều 289 Bộ luật Hình sự và là hành vi phù hợp nhất với yêu cầu của Hiệp định.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu bày tỏ nhất trí cao với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp. Các đại biểu cho rằng, theo lộ trình, việc thực thi cam kết của Việt Nam tại CPTPP với vấn đề này là từ năm 2022. Do vậy, việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết tại thời điểm này là hợp lý. Các đại biểu nhất trí cao với thời điểm có hiệu lực thi hành của Nghị quyết từ ngày 14/1/2022.
Với 100% đại biểu tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết. Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thi hành Nghị quyết này. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 14/1/2022 và được áp dụng cùng với Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14.
Tần số vô tuyến điện là tài sản quốc gia quan trọng
Cũng trong sáng 23/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề nghị của Chính phủ về bổ sung hai dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Đối với Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Bộ Y tế cần tiếp tục hoàn thiện dự án Luật này để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Cũng trong sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5 năm 2022).
Phát biểu cho ý kiến về hai dự án luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh rất quan trọng và cấp bách, do đó cần sớm hoàn thiện trình Quốc hội.
Về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, sửa đổi luật cần rõ ranh giới y tế dự phòng và khám, chữa bệnh theo bảo hiểm, đây là vấn đề còn chưa rõ trong quản lý, điều hành thời gian qua; làm rõ một số khái niệm, quy định về bác sỹ gia đình,...
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "quan điểm xây dựng luật là lấy người bệnh là trung tâm trong cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh, luật phải thể chế hóa vấn đề này".
Bên cạnh đó, định hướng là tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, để huy động sự tham gia tích cực của các hội nghề nghiệp, người hành nghề và người bệnh; đảm bảo công bằng ở các cơ sở dịch vụ công và tư; đẩy nhanh thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế...
Về Luật Tần số vô tuyến điện, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần làm rõ hơn báo cáo đánh giá tác động khi sửa đổi luật, trong đó đánh giá tác động về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, các thủ tục hành chính phát sinh mới, làm rõ hơn tính tương thích với các luật khác như: Quy hoạch, Đầu tư, Viễn thông,...; cần khẳng định thêm tính cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung về Luật Tần số vô tuyến điện.
Sửa đổi Luật tới đây phải đảm bảo các điều ước, cam kết quốc tế, nhất là các hiệp định thương mại thế hệ mới. Theo Chủ tịch Quốc hội, các quy định phải cân đối giữa tác động tích cực và tiêu cực nên phải lựa chọn phương án tối ưu nhất.
Về quản lý tần số, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần coi đây là tài sản quốc gia quan trọng, ngày càng có giá trị, nhất là trong bối cảnh kinh tế số, xã hội số; do đó cần quy định theo hướng đảm bảo quản lý sử dụng chặt chẽ, khai thác hiệu quả, lành mạnh. Việc sửa đổi luật cần đánh giá thực tiễn về trần hạn mức tần số mỗi doanh nghiệp được nắm giữ tối đa và giải pháp để ngăn ngừa những vấn đề không lành mạnh trong tích tụ tài nguyên tần số.
Đồng thời, báo cáo đánh giá tác động trong Luật phải đánh giá được việc quản lý, khai thác hiện nay; thực trạng việc thu phí, lệ phí; dự báo các nguồn thu, mức thu, phương thức thu sau khi sửa luật, nhất là những băng tần có giá trị thương mại cao.
Luật cần quy định chính sách nâng cao trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình sử dụng tần số, để đảm bảo an toàn, hiệu quả, không thất thoát, lãng phí.
Bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cơ bản tán thành về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung đối với 2 dự án Luật là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý đến việc bảo đảm tuổi thọ của luật, tính khả thi, đồng bộ, nhất quán với quan điểm, chủ trương của Đảng, định hướng sửa đổi, bổ sung; khắc phục những bất cập, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn và nhất là bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật.., tránh việc điều chỉnh Chương trình nhiều lần.
Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cân nhắc, rà soát kỹ lưỡng để đề xuất phù hợp về quy mô, mức độ, phạm vi sửa đổi trên cơ sở bảo đảm phù hợp với các luật có liên quan (như: Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Viễn thông, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Phí và lệ phí, Luật Đấu giá tài sản...); các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thực tiễn nhu cầu đặt ra. Việc chuẩn bị hồ sơ ở các bước tiếp theo cần bổ sung, hoàn thiện đầy đủ, nhất là việc tổng kết, đánh giá tác động chính sách.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, ngoài việc khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành, lần sửa đổi này hết sức lưu ý đến việc bảo vệ chủ quyền, quyền lợi quốc gia về tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh; phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ và cơ quan quản lý chuyên ngành; thúc đẩy sự phát triển thông tin vô tuyến điện, sự cạnh tranh trên thị trường dịch vụ thông tin vô tuyến và ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại.
Ngoài ra, ban soạn thảo cần bổ sung quy tắc, quy định về quản lý và sử dụng tần số cho lĩnh vực Quốc phòng an ninh, dân sự; giải quyết tốt vấn đề bảo vệ chủ quyền, trong cấp phép, sử dụng tần số vô tuyến điện, đăng ký tần số trên biển đảo.
Đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, các chính sách cơ bản, mới dự kiến đề xuất trong dự án luật lần này cần được tiếp tục rà soát, đánh giá tác động, tính khả thi. Trong đó, đặc biệt chú ý đến quy định cải thiện, nâng cấp chất lượng công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân; giảm sự chênh lệch chất lượng khám bệnh, chữa bệnh giữa các tuyến, vùng, miền; sớm hình thành các Trung tâm kiểm soát bệnh tật theo khu vực, theo vùng. Bên cạnh đó, cần có quy định ưu tiên đối với công tác khám, chữa bệnh, vật chất, trang thiết bị y tế; đầu tư nguồn nhân lực y tế cơ sở đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, khu vực biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn...; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các bệnh viện tuyến cuối ở một số địa bàn theo khu vực địa lý. Đặc biệt, cần có quy định để thúc đẩy phát triển một số hình thức khám, chữa bệnh phù hợp với xu thế hiện nay và thời gian tới như: khám, chữa bệnh từ xa; biện pháp chữa bệnh kết hợp giữa y học cổ truyền với y học hiện đại...